top of page
Ảnh của tác giảDear Our Community

Ươm mầm phát triển bền vững vì lợi ích cho người trẻ lẫn doanh nghiệp

Ngày 26/10, lễ tổng kết chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững diễn ra tại TP. HCM, đánh dấu hành trình ba tháng học hỏi và trải nghiệm của các học viên. Chương trình thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực bền vững, giữa không gian giao lưu, truyền cảm hứng và là nền tảng cho những bước đầu tiên trên con đường cống hiến lâu dài.


Lễ tổng kết chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững mùa 2

Lễ tổng kết chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững mùa 2


Làn sóng ESG toàn cầu đang đặt doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức lớn về nguồn nhân lực. Việc thiếu hụt nghiêm trọng chuyên gia am hiểu các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị không chỉ cản trở quá trình chuyển đổi xanh mà còn làm suy giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp, đặc biệt khi các yêu cầu ESG ngày càng nghiêm ngặt. Trước tình hình đó, các chương trình đào tạo chuyên sâu về phát triển bền vững đang nổi lên như một giải pháp then chốt, với nhiều khóa học về ESG, kinh tế xanh và tác động xã hội đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ thế hệ trẻ.


Đội ngũ nhân sự trẻ, với tư duy đổi mới và khả năng nắm bắt xu hướng toàn cầu, được xem là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh thành công. Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ này từ đầu đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư đáng kể về thời gian và nguồn lực để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.


Hành trình 3 tháng Ươm mầm Phát triển Bền vững

Ngày 26/10, lễ tổng kết chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững diễn ra tại TP.HCM, không chỉ là dịp tốt nghiệp mà còn là một hành trình khám phá tri thức và các giải pháp kinh doanh bền vững, nơi học viên đã hoàn thiện những dự án chuyên sâu về các case study từ các đối tác doanh nghiệp.


Tại buổi lễ, chị Ivy – đối tác truyền thông của Dear Our Community – chia sẻ về ý nghĩa của chương trình đối với cộng đồng và giới trẻ. Chị đánh giá cao sự nghiên cứu sâu rộng và nỗ lực của các học viên, nhận xét rằng chương trình đã tạo ra cơ hội thực tế để các bạn trẻ học hỏi và áp dụng kiến thức vào các dự án doanh nghiệp thực tiễn. "Ước gì ngày xưa học đại học mình cũng năng động để tham gia các chương trình như thế này," chị Ivy nói thêm, bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhiệt huyết và cam kết của thế hệ trẻ hôm nay.

Dear Our Community tri ân những đối tác đã đồng hành với chương trình 

Dear Our Community tri ân những đối tác đã đồng hành với chương trình 


De Heus: Giảm khí thải trong chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi 

Case study của De Heus, do học viên Tú Trinh và Thanh Thương trình bày, mang đến một góc nhìn thực tế về nỗ lực giảm khí thải nhà kính (GHG) trong chuỗi cung ứng. De Heus là một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có quy mô lớn, và với mục tiêu giảm 42% lượng phát thải vào năm 2030, công ty đã cam kết mạnh mẽ với sứ mệnh bền vững. Các học viên đã phân tích kỹ về Scope 3 – nguồn phát thải lớn nhất của công ty, đến từ các hoạt động gián tiếp như thu mua nguyên liệu, sử dụng đất, và vận chuyển. Qua đó, nhóm đã đề xuất mô hình trang trại tuần hoàn, tận dụng công nghệ biogas để xử lý chất thải, giảm thiểu GHG và tạo tín chỉ carbon. 


Thanh Thương chia sẻ, chính sự tham gia vào nghiên cứu và các bài học thực tiễn tại chương trình đã giúp cô nhận ra những khía cạnh khó khăn trong lĩnh vực bền vững và khích lệ bản thân khám phá giới hạn của mình. 


Mô hình này không chỉ mang đến lợi ích môi trường mà còn cải thiện chuỗi cung ứng của De Heus, một điểm nhấn khiến cả hội trường đặc biệt ấn tượng.

Tú Trinh (trái) và Thanh Thương (phải) trong nhóm giải business case De Heus 

Tú Trinh (trái) và Thanh Thương (phải) trong nhóm giải business case De Heus 


Amanaki: Hành trình tái sinh của thủy tinh

Thách thức lớn được nhóm học viên phân tích trong case Amanaki là việc cải tiến quy trình quản lý và tái chế thủy tinh tại Việt Nam, nơi chỉ có 10-15% lượng thủy tinh được tái chế. Qua việc nghiên cứu toàn diện vòng đời sản phẩm, từ khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất, sử dụng và thải loại, nhóm đã đề xuất quy trình tái chế tiên tiến với công nghệ hiện đại như phân loại quang học và in 3D. Việc tái chế thủy tinh không chỉ giúp tiết kiệm 20-30% năng lượng mà còn giảm đến 50% lượng CO₂ so với sản xuất thủy tinh mới.


Công Thành, một trong những học viên, đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dự án này, vì những giải pháp của Amanaki có tiềm năng áp dụng trong nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là ngành xây dựng.

Hân, Ngân và Minh (theo thứ tự từ trái qua) trong nhóm giải business case Amanaki

Hân, Ngân và Minh (theo thứ tự từ trái qua) trong nhóm giải business case Amanaki


Lúa Mùa: Bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch trải nghiệm 

Nhóm Lúa Mùa đã đề xuất một hướng đi bền vững với mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa, nhằm bảo tồn giống lúa mùa và gắn kết cộng đồng nông nghiệp truyền thống của Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp địa phương, nhóm đã thiết kế các hoạt động du lịch theo mùa, đưa khách tham gia vào đời sống làng quê qua những công việc quen thuộc như tát đìa, cuốc chuột, xay lúa và giã gạo. 


Anh Thư, một thành viên của nhóm, chia sẻ: “Việc trực tiếp với doanh nghiệp nông nghiệp địa phương giúp mình có cái nhìn rõ hơn về thực tiễn sản xuất ở nông thôn, từ đó thấy được tiềm năng lớn của các mô hình bền vững không chỉ trong sản xuất mà cả trong bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch.” Các học viên nhận định rằng mô hình này không chỉ dừng lại ở giá trị du lịch, mà còn là cầu nối để lưu giữ và phát huy các nét văn hóa bản địa, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững cho khu vực.

Nhóm giải business case Lúa Mùa Tư Việt gồm: Hương, Anh Thư và Tú Anh (theo thứ tự từ trái qua) 

Nhóm giải business case Lúa Mùa Tư Việt gồm: Hương, Anh Thư và Tú Anh (theo thứ tự từ trái qua) 


MapMe: Khai thác tri thức bản địa

MapMe tập trung vào hai thách thức lớn đang đối diện đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): tri thức bản địa và hiện tượng "chảy máu chất xám." Dự án được phát triển trên nền tảng công nghệ, với mục tiêu thu hút người trẻ đóng góp vào sự phát triển của vùng và bảo tồn tri thức bản địa.


Thơ Lệ chia sẻ rằng quá trình thực hiện dự án không chỉ giúp nhóm thu thập được nhiều insight sâu sắc từ bạn trẻ, mà còn mở ra một viễn cảnh mới về con đường phát triển bền vững tại ĐBSCL. "Được lắng nghe những mong muốn của các bạn trẻ và chứng kiến niềm khao khát cống hiến của họ thực sự là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục phát triển dự án MapMe," cô chia sẻ.

Nhóm giải business case MapMe gồm Thành, Lệ và Vy

Nhóm giải business case MapMe gồm Thành, Lệ và Vy


Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với hơn 300 bạn trẻ, phát hiện ra rằng ĐBSCL là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và tri thức địa phương. Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn có xu hướng rời quê để tìm kiếm cơ hội phát triển tại các đô thị lớn, dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng lao động chất lượng và mất mát dần các kiến thức truyền thống quý giá. Qua khảo sát, nhóm nhận diện ba nhóm đối tượng chính: "wanderer" – những người quan tâm đến phát triển bền vững nhưng chưa rõ ràng về mục tiêu cá nhân; "supporter" – người sẵn lòng hỗ trợ nhưng cần thêm kiến thức và động lực; và "contributor" – những cá nhân đã sẵn sàng hành động và tìm cách tạo ra ảnh hưởng thực tiễn cho cộng đồng ĐBSCL.


Ánh Chân 


0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Bài viết mới nhất
Xem nhiều