top of page

Học cách yêu thích Networking

Học cách yêu thích Networking của Francesca Gino, Maryam Kouchaki, và Tiziana Casciaro


“Tôi ghét Networking” - điều này chúng tôi luôn được nghe từ các giám đốc điều hành, những người đi làm và sinh viên MBA (Thạc sĩ Kinh doanh). Họ nói rằng việc kết nối với các mối quan hệ mới khiến họ cảm thấy không thoải mái và hơi giả tạo - thậm chí là bẩn thỉu. Mặc dù một số người có niềm đam mê tự nhiên với networking - cụ thể là những người hướng ngoại yêu thích việc tương tác xã hội - nhưng nhiều người lại cho rằng đó là hành vi nịnh bợ, lợi dụng và không trung thực.


Nhưng trong thế giới ngày nay, Networking là một điều cần thiết. Hàng ngàn nghiên cứu cho thấy rằng các mối quan hệ chuyên nghiệp dẫn đến nhiều cơ hội việc làm và mang về lợi ích trong kinh doanh, mang lại kiến thức rộng và sâu hơn, nâng cao năng lực đổi mới, thăng tiến nhanh, có được vị thế tốt hơn. Xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ trong công việc cũng giúp cải thiện chất lượng công việc và tăng sự hài lòng trong công việc.


Chẳng hạn, khi khảo sát với 165 luật sư tại một công ty luật lớn ở Bắc Mỹ, chúng tôi thấy rằng thành công của họ phụ thuộc vào khả năng Networking hiệu quả cả bên trong (để được chọn khách hàng mình muốn làm việc) lẫn bên ngoài (để mang khách hàng về cho công ty). Những người đánh giá những hoạt động này là khó chịu để tránh né chúng thường có số giờ làm được tính phí ít hơn những đồng nghiệp khác.


May mắn thay, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng chúng ta có thể khắc phục ác cảm với Networking. Chúng tôi đã xác định bốn chiến lược để giúp mọi người thay đổi suy nghĩ của mình về Networking


1. Tập trung vào việc học tập (Học cách yêu thích Networking)


Hầu hết mọi người đều có một động cơ tập trung nào đó chiếm ưu thế - điều mà các nhà tâm lý học gọi là tư duy “thăng tiến” hoặc “phòng ngừa”. Những người thuộc nhóm thứ nhất nghĩ chủ yếu về sự phát triển, thăng tiến và những thành tựu mà Networking có thể mang lại cho họ, trong khi những người thuộc nhóm thứ hai coi đó là điều họ bắt buộc phải tham gia vì lý do nghề nghiệp.


Trong các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm mà chúng tôi tiến hành ở Hoa Kỳ và Ý với sinh viên đại học và người lớn đang đi làm, và trong một mẫu nghiên cứu bổ sung khác gồm 174 luật sư tại công ty mà chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi đã ghi lại tác động của cả hai kiểu suy nghĩ. Những người với tư duy “thăng tiến" thực hành networking vì họ muốn và tiếp cận hoạt động với sự phấn khích, tò mò và cởi mở về tất cả các khả năng có thể mở ra. Những người với tư duy “phòng ngừa” coi việc Networking là một điều tồi tệ và cảm thấy không trung thực khi làm công việc này, vì vậy họ ít thực hành và kết quả là đạt hiệu quả kém trong các khía cạnh công việc của mình.


Rất may, Carol Dweck của Đại học Stanford đã ghi lại trong nghiên cứu của mình, bạn có thể chuyển suy nghĩ của mình từ “phòng ngừa” sang “thăng tiến”, để bạn coi việc Networking là cơ hội để khám phá và học hỏi hơn là xem đó như một việc vặt.


Hãy cân nhắc về một hoạt động xã hội liên quan đến công việc mà bạn bắt buộc phải tham dự. Bạn có thể cho rằng: “Tôi ghét những sự kiện như thế này. Tôi sẽ phải diễn một vở kịch, tán gẫu và vờ như đang thích nó.” Hoặc bạn có thể tự nhủ: “Biết đâu - nó thú vị. Đôi lúc khi bạn ít mong đợi nhất, bạn sẽ có một cuộc trò chuyện mang đến những ý tưởng mới, dẫn đến những trải nghiệm và cơ hội mới.”


Một người đàn ông đang ngồi học
Tập trung vào việc học tập

Tất nhiên, nếu bạn là một người hướng nội, bạn sẽ không thể biến mình trở nên hướng ngoại. Nhưng mọi người đều có thể chọn loại động lực phù hợp để thực hành Networking. Tập trung vào những mặt tích cực - điều này sẽ giúp bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết trong công việc - khi đó các hoạt động sẽ bắt đầu có vẻ mang giá trị hơn nhiều.


2. Xác định những sở thích chung (Học cách yêu thích Networking)


Bước tiếp theo để việc Networking trở nên thoải mái hơn là hãy suy nghĩ về mối quan tâm và mục tiêu của bạn có phù hợp với sở thích và mục tiêu của những người bạn gặp hay không, và điều đó có thể giúp bạn tạo dựng các mối quan hệ công việc có ý nghĩa như thế nào. Brian Uzzi từ Đại học Northwestern gọi đây là nguyên tắc của những hoạt động chia sẻ. Ông giải thích: “Networking hiệu quả không được hình thành thông qua các tương tác ngẫu nhiên mà thông qua các hoạt động quan trọng giúp kết nối bạn với nhiều người khác nhau” (Xem “How to Build Your Network,” HBR, xuất bản tháng 12 năm 2005.) Nhiều nghiên cứu về tâm lý xã hội đã chứng minh rằng mọi người thiết lập các mối quan hệ cộng tác lâu dài nhất khi họ cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi sự đóng góp của các bên. Thật vậy, nghiên cứu mà một trong số chúng tôi (Tiziana) thực hiện với Miguel Sousa Lobo của INSEAD đã chỉ ra rằng “sự phụ thuộc lẫn nhau về nhiệm vụ” này có thể là một trong những nguồn năng lượng tích cực lớn nhất trong các mối quan hệ nghề nghiệp.


Hãy xem xét cách tiếp cận của Claude Grunitzky, một doanh nhân nối tiếp trong lĩnh vực truyền thông, khi ông bắt đầu gặp gỡ Jefferson Hack, người sáng lập tạp chí âm nhạc và phong cách ngầm của Anh mang tên Dazed & Confused. Như mô tả trong một nghiên cứu tình huống của Trường Kinh doanh Harvard của Julie Battilana, Lakshmi Ramarajan và James Weber về câu chuyện này, Claude Grunitzky khi đó 22 tuổi và đang chuẩn bị thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình, một tạp chí hiphop đô thị ở London - ông đã học mọi thứ có thể về Jefferson Hack.


Claude Grunitzky nhớ lại: “Tôi đọc từng tạp chí của anh ấy (Jefferson Jack), để ý xem anh ấy viết về cái gì và đánh giá về loại ban nhạc nào. Tôi đã làm việc này nhiều đến nỗi tôi cảm thấy mình gần như có thể hiểu được tính cách của anh ấy trước khi chúng tôi gặp nhau.” Được trang bị kiến thức đó và tin chắc rằng mình và Hack có thế giới quan và khát vọng giống nhau, Grunitzky cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi tiếp cận được người đàn anh trong ngành.


Khi các mối quan hệ của bạn được thúc đẩy bởi những sở thích chung mà bạn đã xác định thông qua sự tìm hiểu nghiêm túc, nó sẽ trở nên chân thực, có ý nghĩa hơn và có nhiều khả năng dẫn bạn đến các mối quan hệ chất lượng khác.

Sau nhân viên văn phòng đang họp vui vẻ với nhau
Xác định những sở thích chung

3. Nghĩ rộng về những gì bạn có thể trao đi (Học cách yêu thích Networking)


Ngay cả khi bạn không chia sẻ sở thích với một người nào đó, bạn vẫn có thể tìm thấy thứ gì đó có giá trị để chia sẻ với họ bằng cách nghĩ vượt qua những điều thông thường. Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng nhiều người cảm thường thấy bất lực vì họ là cấp dưới, thuộc nhóm thiểu số hoặc vì những lý do khác như việc họ tin rằng họ có quá ít thứ để trao đi. Do đó, họ ít có khả năng muốn tham gia Networking, thậm chí là khi họ có thể sẽ thu được nhiều lợi ích nhất từ ​​việc Networking.


Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong hai nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện tại công ty luật nêu trên, liên quan đến các nhóm luật sư khác nhau tại các thời điểm khác nhau. Chúng tôi thấy rằng những người ở vị trí cao thường Networking thoải mái hơn nhiều so với những người cấp dưới vì họ có quyền lực lớn hơn trong tổ chức. Điều này cũng dễ hiểu. Khi họ tin rằng họ có nhiều thứ để mang lại cho người khác, chẳng hạn như những lời tư vấn thông thái, mentoring, khả năng tiếp cận và nguồn lực, thì việc Networking sẽ dễ dàng hơn và ít ích kỷ hơn.


Một thử nghiệm có kiểm soát đã xác nhận phát hiện này: Những người có nhiều quyền lực cảm thấy Networking ít ghê tởm và sẵn sàng làm điều đó hơn những người được giao làm công việc này trong một điều kiện khiến họ cảm thấy có rất ít quyền lực.


Nếu Networking khiến bạn cảm thấy bẩn thỉu, thì bạn không đơn độc

Nhiều người thấy Networking trong môi trường công việc thật khó chịu đến nỗi nó khiến họ cảm thấy ghê tởm về mặt đạo đức và cả thể chất. Trong một thử nghiệm có kiểm soát, chúng tôi đã yêu cầu 306 người trưởng thành làm việc tại các tổ chức khác nhau viết về những thời điểm họ tham gia vào Networking để thăng tiến nghề nghiệp hoặc tham gia mạng xã hội để kết bạn. Sau đó, chúng tôi yêu cầu họ hoàn thành các đoạn từ, chẳng hạn như W _ _ H, S H _ _ E R, và S _ _ P—một thước đo sở thích tiềm thức được sử dụng lần đầu tiên bởi Chen-Bo Zhong, thuộc Trường Quản lý Rotman và Katie Liljenquist , của Trường Quản lý Marriott.


Những người tham gia khi nhớ về Networking trong môi trường công việc đã viết “WASH”, “SHOWER” và “SOAP” - những từ liên quan đến sự sạch sẽ thường xuyên gấp đôi so với những người khi nhớ đến những kết nối xã hội thông thường, thường viết những từ trung lập hơn như “WISH,” “SHAKER,” and “STEP.”. Nói cách khác, mặc dù hầu hết những người tham gia coi việc Networking để giao lưu và kết bạn là tích cực, nhưng họ lại coi việc Networking để nâng cao sự nghiệp của họ là tiêu cực rõ rệt. Sự tiêu cực của họ không chỉ đơn giản là không thích hay khó chịu. Đó là một cảm giác sâu sắc hơn về sự ô nhiễm đạo đức và không trung thực.


Tuy nhiên, ngay cả những người có vị trí công việc thấp hơn và ít quyền lực hơn cũng gần như chắc chắn có nhiều thứ để mang lại hơn những gì họ nhận ra. Trong cuốn sách Influence Without Authority, Allan Cohen và David Bradford lưu ý rằng hầu hết mọi người có xu hướng suy nghĩ quá hạn hẹp về những nguồn lực họ có mà những người khác có thể đánh giá cao. Họ tập trung vào những thứ hữu hình, liên quan chủ yếu đến công việc như tiền bạc, kết nối xã hội, hỗ trợ kỹ thuật và thông tin, trong khi bỏ qua những tài sản ít rõ ràng hơn như lòng biết ơn, sự công nhận và danh tiếng được nâng cao. Ví dụ, mặc dù những người cố vấn thường thích giúp đỡ người khác, nhưng họ có xu hướng tận hưởng điều đó nhiều hơn khi được cảm ơn vì sự giúp đỡ của mình.


Sự bày tỏ lòng biết ơn càng chân thành thì giá trị của nó đối với người nhận càng lớn. Một chuyên gia trẻ mà chúng tôi biết đã nói với chúng tôi rằng khi cô ấy bước sang tuổi 30, cô ấy đã viết thư cho 30 người mà cô cảm thấy đã đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển nghề nghiệp của cô ấy, cảm ơn họ và mô tả những cách cụ thể mà mỗi người đã giúp đỡ cô. Người nhận chắc chắn đánh giá cao những cập nhật và lòng biết ơn mang tính gần gũi như thế.


Khi lòng biết ơn được thể hiện công khai, nó cũng có thể nâng cao danh tiếng của người cố vấn của bạn tại nơi làm việc. Hãy nghĩ về tác động của bạn khi bạn cảm ơn người cố vấn của mình trước đồng nghiệp và cấp trên, chia sẻ những cách bạn đã tiến bộ dưới sự hỗ trợ của anh ấy hoặc cô ấy.


Khi mạng lưới mối quan hệ (Networking) của bạn được thúc đẩy bởi những sở thích được chia sẻ, nó sẽ có cảm giác chân thực hơn.

Hai người đàn ông đang bắt tay nhau
Nghĩ rộng về những gì bạn có thể trao đi

Mọi người cảm kích người có thể hiểu giá trị và bản sắc của họ và khiến họ cảm thấy được thuộc về. Juan, một giám đốc điều hành người Argentina có trụ sở tại văn phòng Toronto của một công ty quản lý tài sản Canada, kể cho chúng tôi về Hendrik, một nhân viên cấp dưới đến từ Đức, người đã tập hợp mọi người trong văn phòng tham gia một loạt trận bóng đá do anh ta tự tay tổ chức. Bởi vì lực lượng lao động của công ty rất đa dạng về quốc tịch, nên những người tham gia bao gồm cả người nước ngoài, đồng nghiệp của anh ấy và có rất nhiều người khác cũng đến. Cuối cùng anh cũng có điều gì đó thú vị để làm với các đồng nghiệp của mình, và địa vị và các mối quan hệ của Hendrik ngay lập tức tăng vọt. Bất chấp vị trí quyền lực thấp của mình, anh ấy đã mang đến một điều gì đó mới mẻ.


Bạn cũng có thể có những hiểu biết hoặc kiến thức độc đáo có thể hữu ích cho những người mà bạn đang Networking. Ví dụ, những người cấp dưới thường được thông tin tốt hơn so với các đồng nghiệp cấp cao của họ về các xu hướng thế hệ cũng như các thị trường và công nghệ mới. Grunitzky là một ví dụ điển hình. “Tôi biết mình có thể mang lại điều gì đó cho [Jefferson Hack], đó là chuyên môn về hiphop,” anh nói. Mối quan hệ này được xây dựng theo hướng hai chiều qua lại.


Khi bạn nghĩ nhiều hơn về những gì bạn có thể cho người khác hơn là những gì bạn có thể nhận được từ họ, thì việc Networking sẽ mang cảm giác ít tự quảng cáo và ít vị kỷ hơn, do đó điều này xứng đáng hơn với thời gian của bạn.


4. Tìm Mục Đích Cao Hơn (Học cách yêu thích Networking)

Năm nhân viên đang họp với nhau
Tìm Mục Đích Cao Hơn

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến sự quan tâm và hiệu quả của mọi người trong việc Networking là mục đích chính mà họ nghĩ đến khi thực hiện Networking. Trong công ty luật mà chúng tôi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng các luật sư tập trung vào lợi ích tập thể của việc tạo mối quan hệ (“hỗ trợ công ty” và “giúp đỡ khách hàng”) thay vì lợi ích cá nhân (“hỗ trợ hoặc giúp đỡ sự nghiệp của tôi”), điều này cho cảm giác chân thực hơn và ít vị kỷ hơn khi Networking, những người này có nhiều khả năng Networking hơn và kết quả là có nhiều giờ làm việc được tính phí hơn.


Bất kỳ hoạt động công việc nào cũng trở nên hấp dẫn hơn khi nó được liên kết với một mục tiêu cao hơn. Vì vậy, hãy đóng khung Networking của bạn theo những thuật ngữ đó. Chúng tôi đã thấy cách tiếp cận này giúp các giám đốc điều hành nữ vượt qua sự khó chịu của họ khi xây dựng mối quan hệ với các nhà báo và cơ quan truyền thông. Khi chúng tôi nhắc nhở với họ rằng tiếng nói của phụ nữ không được đại diện đúng mức trong kinh doanh, rằng sự chú ý của giới truyền thông về lãnh đạo nữ có được từ việc họ xây dựng mạng lưới mối quan hệ này có thể giúp chống lại định kiến giới, từ đó sự miễn cưỡng sâu xa của họ trong việc xây dựng mối quan hệ với các nhà báo và cơ quan truyền thông thường giảm bớt.


Andrea Stairs, giám đốc điều hành của eBay Canada, đã có một sự thay đổi quan điểm như vậy. Cô ấy nói với chúng tôi: “Tôi đã phải vượt qua cảm giác rằng việc đưa bản thân mình ra đến giới truyền thông là mang tính tự quảng bá và không phù hợp. Tôi nhận ra rằng hình ảnh xuất hiện của tôi thực sự tốt cho công ty của tôi và cho hình ảnh của phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh nói chung. Khi xem sự hiện diện của mình trên phương tiện truyền thông như một cách để hỗ trợ đồng nghiệp nữ và những phụ nữ đi làm khác đã giúp tôi tự do hành động và nắm lấy những mối quan hệ mà trước đây tôi không chủ động vun đắp.”


Nhiều người nếu không muốn nói là hầu hết chúng ta đều mơ hồ về Networking. Chúng ta biết rằng điều đó rất quan trọng đối với sự thành công trong nghề nghiệp của mình, nhưng lại thấy điều đó rất khó chịu và không dễ dàng. Những chiến lược này có thể giúp bạn vượt qua ác cảm của mình về Networking. Bằng cách chuyển sang tư duy “thăng tiến”, xác định và khám phá những sở thích chung, mở rộng quan điểm của bạn về những gì bạn có thể trao đi và thúc đẩy bản thân với một mục đích cao cả hơn, bạn sẽ trở nên hào hứng và hiệu quả hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ mang lại kết quả cho tất cả mọi người.

​Mạng lưới quan hệ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc gây quỹ để xây dựng và phát triển các dự án cộng đồng. Hiện nay, DOC đã mở bán khóa học "Gây quỹ bền vững - Bắt đầu từ đâu?". Khóa học tập trung chia sẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp bạn và tổ chức gây quỹ bền vững, bao gồm phân tích về các nguồn quỹ bạn có thể tiếp cận và những cách thức tiếp cận phù hợp. Đăng kí ngay tại đây.


0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page