top of page

Quên Phuket đi, đây là Phú Quốc, niềm hy vọng của du lịch Việt Nam

Hòn đảo lớn nhất Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tham vọng du lịch quốc gia, với người đàn ông giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch xây một khu nghỉ dưỡng dự kiến trị giá 2,8 tỷ đô la Mỹ.


Nhưng quá tải du lịch là một vấn đề, khi hệ thống thoát nước của hòn đảo bị quá tải và rác thải trôi dạt vào những bãi biển đẹp như tranh vẽ.


Tác giả: Sen Nguyễn, xuất bản ngày 25/4/2021

Lặn biển ở đảo Phú Quốc, Việt Nam.
Lặn biển ở đảo Phú Quốc, Việt Nam.

Vào một buổi chiều muộn tại Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam, các cặp đôi và gia đình thư giãn nằm dài trên ghế lười tại một quán bar bên bãi biển phong cách Trung Đông, cụng ly trước hoàng hôn. Cách đó vài mét, trẻ em xây lâu đài cát, nhảy sóng và đắm mình đùa giỡn cùng làn nước biển.


Một cảnh như thế này vào tháng 4/2021 có vẻ quá xa vời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành và gia tăng đột biến tại châu Á và châu Âu trong cùng thời gian này.


Nhưng đây là một thực tế ở Việt Nam, nơi cuộc sống gần như trở lại bình thường nhờ nhiều chiến lược chống dịch, bao gồm cả việc đóng cửa biên giới trừ với công dân về nước, các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nhân từ tháng 3 năm 2020.

Hai cha con tắm biển tại một bãi biển công cộng trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn
Hai cha con tắm biển tại một bãi biển công cộng trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn

Mặc dù động thái này đã giúp người dân được an toàn, nhưng nó lại giết chết du lịch quốc tế, vốn đang có biểu đồ tăng trưởng hai con số trước đại dịch. Khi đất nước đang có xu hướng mở cửa, chính phủ đang hy vọng Phú Quốc có thể giúp đưa Việt Nam trở thành “ông lớn” trong ngành du lịch khu vực và toàn cầu.


Tháng 5 năm 2020, các quan chức đã thảo luận về việc mở cửa một số hòn đảo đã được chọn lọc từ trước, bao gồm Phú Quốc, cho du khách toàn cầu, trong khi những người tham gia một hội nghị du lịch trên đảo đã đưa ra ý tưởng sử dụng Phú Quốc để khởi động dự án thí điểm cho những người có “hộ chiếu vắc-xin”. Phó Chủ tịch thành phố đảo Phú Quốc Phan Văn Nghiệp tại hội nghị cho biết đảo đã sẵn sàng chào đón khách du lịch quốc tế và ông được Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam hỏi về việc có thể mở cửa cho những người Ấn yêu thích hòn đảo này hay không, theo nguồn tin từ cổng thông tin Chính Phủ.


Trong số hàng trăm dự án phát triển được lên kế hoạch cho Phú Quốc có một dự án liên quan đến người đàn ông giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, người đã xây dựng “siêu khu phức hợp không ngủ đầu tiên ở Việt Nam” với chi phí 2,8 tỷ đô la Mỹ.


ĐẸP NHƯNG QUÁ TẢI


Trong bối cảnh tham vọng nâng tầm quốc tế của Phú Quốc, hòn đảo này đã là một ví dụ điển hình về sự nguy hiểm của quá tải du lịch.


Hòn đảo nằm ở phía tây nam, có diện tích khoảng 567 km vuông - tương đương khoảng 3/4 diện tích của Singapore - sở hữu những bãi biển, rạn san hô và thác nước đẹp như tranh vẽ. Theo nghĩa đen, Phú Quốc có nghĩa là “đất nước màu mỡ”, hầu như mọi nơi đều có cây xanh, với Vườn quốc gia Phú Quốc bao phủ hơn một nửa diện tích phía bắc của hòn đảo.

Thác Suối Tranh ở Phú Quốc, Việt Nam. Tệp ảnh
Thác Suối Tranh ở Phú Quốc, Việt Nam. Tệp ảnh

Mặc dù chưa có được vị thế du lịch như Phuket của Thái Lan và Bali của Indonesia, nhưng Phú Quốc đã bị quá tải vì lượng khách du lịch.


Năm 2020, hòn đảo này đã đón hơn 3,5 triệu lượt khách và đạt doanh thu khoảng 5,6 nghìn tỷ đồng (243 triệu USD), theo số liệu chính thức. Năm 2019, ghi nhận hơn 5,1 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm trước. Hầu hết du khách là công dân Việt Nam.


Số lượng du khách gấp hàng chục lần dân số của Phú Quốc là 146.000 người. Năm 2021, hòn đảo đặt mục tiêu thu hút 2 triệu người với các gói khuyến mãi.


Nhưng những lo ngại về cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ của Phú Quốc, ô nhiễm chất thải, khan hiếm nước và lũ lụt đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của các kế hoạch phát triển kinh tế và du lịch của hòn đảo này.


Đặng Minh Hưng, 27 tuổi, hướng dẫn viên du lịch kiêm quản lý tại một công ty du lịch có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Phú Quốc là điểm đến quen thuộc đối với khách hàng của anh, chủ yếu là người Việt trung lưu làm việc văn phòng từ 20 đến 40 tuổi.


Nhưng Hưng, người đã dẫn khoảng 1.000 du khách đến đảo từ năm 2017, cho biết các khoản đầu tư gần đây của các nhà phát triển đã thu hút sự tò mò của khách du lịch và tăng chi phí điều hành tour.


“Do sự phát triển mạnh của Vingroup và Sun Group trên đảo, chi phí cho các chuyến du lịch trở nên phụ thuộc rất nhiều vào những nơi này. Ví dụ, một bữa ăn của một người ở nơi khác sẽ có giá 130.000 đồng, nhưng một bữa ăn ổn ở những nơi đó sẽ có giá 150.000 đồng”, anh cho biết thêm rằng sự phổ biến ngày càng tăng ở các khu phức hợp du lịch này có thể khiến các di tích lịch sử và văn hóa trên hòn đảo ít được chú ý hơn. Trong đó có nhà tù thời Chiến tranh chống Mỹ, nơi có khoảng 40.000 người bao gồm cả tù nhân cộng sản và chính trị bị giam giữ, tra tấn và giết hại từ năm 1967 đến năm 1973.


Tính đến tháng 6 năm 2020, có 321 dự án phát triển, bao gồm du lịch, giải trí và các dịch vụ khác, với tổng vốn đăng ký 340 nghìn tỷ đồng, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam. Bộ này kỳ vọng Phú Quốc sẽ trở thành “trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới”, theo trang web của Bộ.


Theo thông cáo báo chí của Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, họ nhắm biến hòn đảo trở thành “điểm đến quốc tế mới ở châu Á”.


Kể từ khi chính thức khai trương vào tuần này, khu phức hợp Phú Quốc United Centre mở ra cánh cổng vào một thế giới hoàn toàn khác với bảo tàng gấu Teddy, kênh đào theo mô hình Venice, các tác phẩm nghệ thuật châu Âu, người mẫu mặc trang phục lễ hội chụp ảnh lưu niệm cùng du khách, cùng với khu nghỉ dưỡng 24/7, các dịch vụ giải trí, ăn uống và các dịch vụ xa xỉ khác.

Kênh đào ven sông tại Phú Quốc United Center, một dự án phát triển của tập đoàn lớn nhất  Việt Nam Vingroup. Ảnh: Sen Nguyễn
Kênh đào ven sông tại Phú Quốc United Center, một dự án phát triển của tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup. Ảnh: Sen Nguyễn

Dự án, với quy mô hơn 1.000 ha, là dự án mới nhất của Vingroup ở khu vực phía Bắc của hòn đảo, với một công viên giải trí và một công viên bảo tồn động vật bán hoang dã và các cơ sở hạ tầng khác. Thống lĩnh phía Nam của hòn đảo là Tập đoàn Sun Group, nhà phát triển bất động sản và vận hành du lịch Việt Nam, đã và đang điều hành một khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp từ năm 2018.


Khu phức hợp có cáp treo ba dây dài nhất thế giới. Công ty cũng vận hành khu nghỉ dưỡng 5 sao JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa, nơi tổ chức đám cưới của một cặp tỷ phú đến từ Ấn Độ vào năm 2019.

Cáp treo ở Phú Quốc. Ảnh: Mark Footer
Cáp treo ở Phú Quốc. Ảnh: Mark Footer

Nhưng quy mô du lịch đang gây áp lực quá lớn lên cơ sở hạ tầng của hòn đảo. Thống kê từ văn phòng tài nguyên và môi trường địa phương cho thấy hòn đảo tạo ra gần 200 tấn rác thải và 18.000 mét khối nước thải mỗi ngày trong khi công suất thu gom chỉ khoảng 60%, theo một báo cáo năm 2019 được công bố bởi tạp chí của Cục Môi trường Việt Nam. Báo cáo cho biết thêm rằng bãi chôn lấp đã hết công suất, trong khi chất thải không được thu gom và chưa được xử lý đang xâm lấn đường phố, kênh, sông, suối và đổ ra biển.


Người dân địa phương thấy rác thải, hầu hết là nhựa, trôi dạt vào các bãi biển công cộng như bãi Khem ở phía Nam hoặc Dinh Cậu ở phía Bắc, tùy thuộc thời điểm trong năm. Ngược lại, các bãi biển riêng tại các khu nghỉ dưỡng có người quản lý được giữ tốt hơn. Từng có một nhà máy xử lý rác với công suất 200 tấn rác/ngày nhưng năm 2018, chính quyền thành phố đã dừng vì vấn đề kỹ thuật. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin một công ty khác đã tiếp quản nhà máy và đang trong quá trình xin phép thành phố để vận hành một thí điểm khác.


Theo một báo cáo quốc gia năm 2019 của Bộ Môi trường, cuộc đấu tranh với rác thải của hòn đảo phản ánh một vấn đề quốc gia - Việt Nam thải ra khoảng 64.700 tấn rác thải sinh hoạt đô thị mỗi ngày vào năm 2019 - hơn 2/3 lượng rác thải được chôn trong các bãi chôn lấp, trong khi phần còn lại được đốt hoặc biến thành phân hữu cơ.

Một phụ nữ đứng trên bãi Ông Lang đầy rác thải trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn
Một phụ nữ đứng trên bãi Ông Lang đầy rác thải trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn

Đảo cũng bị ngập lụt đáng kể trong mùa mưa làm quá tải hệ thống thoát nước. Vào tháng 8 năm 2019, Phú Quốc đã hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hàng trăm gia đình phải đi sơ tán, trong khi các quan chức địa phương cho rằng nguyên nhân là do biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh.


Vào mùa khô, hòn đảo này phải đối mặt với tình trạng thiếu nước với một phần lớn dân cư, chủ yếu là ở các vùng nông thôn, vẫn phụ thuộc vào nguồn nước ngầm để sử dụng trong sinh hoạt, theo kết quả được công bố vào tháng 3/2021 của Trung tâm Quản lý Môi trường Quốc tế (ICEM) có trụ sở ở 6 thành phố châu Á trong đó có Hà Nội.


Trung tâm cũng nêu rõ áp lực mực nước ngầm đang chịu do sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, với việc khai thác được điều tiết kém từ các khách sạn và nhà hàng trên khắp hòn đảo.

Hình ảnh: SCMP
Hình ảnh: SCMP

'KHÔNG CÓ HƯỚNG ĐI RÕ RÀNG'


Soline Linh Le, giảng viên du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết một trong những thách thức đáng quan tâm nhất mà ngành du lịch Phú Quốc phải đối mặt là thu hút và giữ chân nhân lực tài năng.


Soline nói vấn đề một phần là do thiếu đầu tư cho các nhu cầu cơ bản như giáo dục cộng đồng và chăm sóc sức khỏe. Vị giảng viên cho rằng so với các điểm đến hàng đầu Việt Nam như Đà Lạt hay Đà Nẵng, đảo Phú Quốc thiếu bản sắc.


“Dễ nhận thấy các kiểu kiến trúc khác nhau đang cố gắng trộn lẫn vào một nơi. Không có hướng đi rõ ràng”, cô nói. “Cần có các chính sách xây dựng thương hiệu điểm đến cũng như nhiều quy định hơn về sử dụng đất và xây dựng, nhưng vì sự phát triển đang diễn ra, cũng cần phải có sự linh hoạt ”.


Một sự chuyển đổi đang được diễn ra. Kể từ năm 2018, WWF đã thúc đẩy phong trào giảm thiểu chất thải nhựa ở cấp chính thức, tư nhân và công cộng. Năm 2019, Phú Quốc trở thành thành phố đầu tiên ở Việt Nam tham gia sáng kiến ​​Thành phố thông minh về nhựa của tổ chức nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2030.


Tuy nhiên, có rất nhiều trở ngại. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, quản lý dự án tại chương trình Các khu bảo tồn biển chống lại nhựa của WWF, một trong số đó là cơ sở hạ tầng quản lý chất thải không phát triển cùng tốc độ với việc tiêu thụ nhựa do quá trình đô thị hóa và phát triển gần đây trong lĩnh vực du lịch gây ra.


Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cũng đang làm việc cùng nhau để hoàn thiện một quy hoạch tổng thể có tên là Dự án Quản lý Nước bền vững Phú Quốc, nếu được thông qua, dự kiến ​​trị giá khoảng 174 triệu đô la Mỹ, lấy vốn từ ngân hàng và các nguồn ngoài ngân hàng.


Đề xuất dự án này được coi là một phần của gói kích thích tài chính và phục hồi kinh tế sau Covid-19 của chính phủ, nhằm tăng cường an ninh nguồn nước của đảo Phú Quốc với kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước và hỗ trợ cơ sở hạ tầng có khả năng cấp, thoát nước, ngăn lũ và chất thải, quản lý nước và chất thải rắn tại các khu vực mục tiêu.

Việt Nam hy vọng sức hấp dẫn của Phú Quốc có thể thúc đẩy hồ sơ du lịch quốc tế của mình. Ảnh: Getty Images
Việt Nam hy vọng sức hấp dẫn của Phú Quốc có thể thúc đẩy hồ sơ du lịch quốc tế của mình. Ảnh: Getty Images

David Lord, Trưởng dự án và Chuyên gia cấp cao về vệ sinh và cấp nước của Ngân hàng Thế giới cho biết: “Các khoản đầu tư theo kế hoạch có liên quan nhiều đến sự phát triển bền vững của Phú Quốc, tăng cường khả năng tiếp nhận và hỗ trợ du lịch của hòn đảo như một điểm đến chất lượng.”


Một báo cáo năm 2019 tập trung vào phát triển du lịch do Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam “đang ở một thời điểm quan trọng trong phát triển du lịch và có nguy cơ trượt khỏi quỹ đạo dẫn đến việc khai thác quá mức và gây thiệt hại cho các tài nguyên là sự thu hút mà du lịch cần”. Bản Báo cáo đề nghị Việt Nam hành động quyết liệt để định vị lại ngành du lịch của mình để tăng trưởng bền vững hơn.


Ba Hùng, một nông dân nuôi ong làm việc và sống tại một trang trại gần Vườn Quốc gia Phú Quốc, đang cố gắng nâng cao nhận thức của khách du lịch và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên, đặc biệt tập trung vào loài ong, loài thụ phấn quan trọng nhất trên thế giới.


“Không thể nuôi ong như những loài khác bằng lồng. Ong rất thông minh, chúng kiểm tra môi trường xung quanh và nếu không tốt, chúng sẽ bỏ đi ”, anh Hùng nói, đứng trong trang trại cây trồng đầy tiếng chim hót và ong vo ve.

Ba Hùng, một người nuôi ong trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn
Ba Hùng, một người nuôi ong trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Sen Nguyễn

“Ở đây, bên mình không nuôi ong, mình giữ ong ở đây với mình bằng cách tạo ra một môi trường thuận lợi cho nó,” anh nói. “Một thìa mật ong bạn vừa ăn, bằng 12 con ong làm việc cả đời đấy”.


Trang trại do gia đình quản lý cho khách tham quan trang trại miễn phí và các khóa học về đời sống của ong và lợi ích của mật ong. Người đàn ông đến từ đồng bằng sông Cửu Long cho biết trang trại của anh mang đến một trải nghiệm khác lạ cho du khách ở Phú Quốc, giúp họ đánh giá cao thiên nhiên của hòn đảo và thu hút họ quay trở lại.


Anh nói thêm rằng anh hiện đang nghiên cứu một sản phẩm bao bì thực phẩm có thể tái sử dụng làm từ sợi tre và sáp ong, đồng thời hy vọng các nhà hàng và khách sạn địa phương sẽ coi nó như một giải pháp thay thế cho màng thực phẩm.


Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây:

0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page