Doanh nghiệp lớn cần tiên phong dẫn dắt hành trình tham gia thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, việc giảm lượng khí thải nhà kính đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới. Thị trường tín chỉ carbon, một công cụ kinh tế để khuyến khích giảm phát thải, đang xuất hiện như một xu hướng tất yếu. Khám phá về thị trường này là một trong những chiến lược giúp các doanh nghiệp xây dựng lộ trình giảm phát thải toàn diện và hiệu quả. Và trong cuộc chơi này, các doanh nghiệp lớn đang đóng vai trò tiên phong, không chỉ vì lợi ích kinh doanh mà còn vì một tương lai bền vững chung.
Thực trạng và tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam
Thị trường tín chỉ Carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Các công ty hoặc cá nhân có thể sử dụng thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua tín dụng carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính. Khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng lại có tiềm năng phát triển rất lớn khi nước ta có nguồn lực rừng phong phú, đa dạng các dự án giảm phát thải trong nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải.
Theo kế hoạch của Chính phủ, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025, khung pháp lý dự kiến được hoàn thiện vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức hoạt động từ năm 2028. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp lớn sẽ cần bắt đầu xây dựng kế hoạch “đặt chân” vào thị trường tín chỉ carbon.
Dù thị trường tín chỉ carbon chưa chính thức vận hành tại Việt Nam nhưng các dự án tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế độc lập đang dần được triển khai
De Heus và hành trình vẽ bản đồ xanh
Trong cuộc đua chống biến đổi khí hậu toàn cầu, các doanh nghiệp lớn không chỉ là những người chơi quan trọng mà còn là những người dẫn đường, định hình tương lai của thị trường tín chỉ carbon. Với nguồn lực dồi dào, ảnh hưởng rộng lớn và tầm nhìn chiến lược dài hạn, các doanh nghiệp này đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Tiêu biểu phải kể đến De Heus – một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam – đã nhận thức rõ điều này và đang tích cực chuẩn bị để đón đầu cơ hội.
De Heus Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan), là một trong những tập đoàn dẫn đầu ngành Thức ăn chăn nuôi với hơn 110 năm kinh nghiệm
Nhận thấy được tiềm năng to lớn của thị trường tín chỉ carbon, De Heus kết hợp với Chương trình Ươm mầm phát triển bền vững (Sustainability Incubator with Youth) để cùng nghiên cứu và xây dựng kế hoạch tham gia. Chương trình được tổ chức bởi Dear Our Community, là sân chơi hội tụ các bạn trẻ mong muốn xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Tại khuôn khổ chương trình, các bạn học viên đã cùng De Heus thực hiện một báo cáo nghiên cứu sâu rộng về tín chỉ carbon tại Việt Nam gồm: các loại tín chỉ carbon phổ biến, các thị trường hiện hành và sẽ được thành lập trong vòng 5 năm tới trong nước lẫn quốc tế. Nghiên cứu này không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quan về thị trường mà còn đưa ra những gợi ý cụ thể để De Heus triển khai các dự án bền vững, đặc biệt với ý tưởng biến các phụ phẩm, phế phẩm từ trang trại thành nguồn tín chỉ carbon tiềm năng.
Các bạn trẻ tham quan trang trại và lắng nghe chia sẻ từ phía De Heus về các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững trong chăn nuôi
Mời gọi các đối tác vào cuộc chơi xanh
Báo cáo nghiên cứu do các bạn học viên thực hiện không chỉ là tấm bản đồ phục vụ định hướng nội bộ của De Heus mà còn là một công cụ để giúp các đối tác và khách hàng cùng khám phá con đường tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, De Heus đang đóng vai trò là một người dẫn đường, giúp các đối tác khác cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững. Trong đó, phải kể đến dự án tiêu biểu của De Heus là nuôi tôm kết hợp rừng ngập mặn. Đây là nỗ lực của doanh nghiệp trong hành trình giúp người dân chuyển đổi sang mô hình nuôi tuần hoàn, bền vững hơn. Dự án này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện chất lượng môi trường.
Sức mạnh của các doanh nghiệp lớn không chỉ nằm ở việc thực hiện các cam kết của riêng mình mà còn ở khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích mọi người cùng tham gia vào hành trình xanh. Tiêu biểu là các bạn trẻ trong Chương Trình Ươm Mầm Phát Triển Bền Vững.
Bạn Đỗ Thị Thanh Thương, học viên của chương trình chia sẻ về hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng bổ ích khi giải quyết business case của De Heus: “Ban đầu, mình cảm thấy choáng ngợp khi đối mặt với một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, chính sự thiếu hụt kiến thức ban đầu đã trở thành động lực thúc đẩy mình không ngừng học hỏi và khám phá.”
Với sự hỗ trợ tận tình từ các chuyên gia và đội ngũ của Dear Our Community, các bạn học viên nhanh chóng nắm bắt được vấn đề, từ đó hình thành những ý tưởng giải pháp thiết thực, đóng góp vào mục tiêu chung của dự án.
“Càng tìm hiểu, mình càng hình dung rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và cách các doanh nghiệp lớn như De Heus có thể góp phần bảo vệ môi trường, từ đó đã mở rộng tầm nhìn và tư duy của mình. Trải nghiệm này không chỉ giúp mình trang bị kiến thức về thị trường carbon mà còn rèn luyện khả năng thích ứng, tư duy phản biện và làm việc nhóm hiệu quả.”
Kết quả nghiên cứu của các bạn học viên sẽ được chia sẻ ở Dutch Pavilion tại sự kiện Green Economy Forum & Exhibition 2024. Đây là một trong những cơ hội giúp các bạn trẻ kết nối với doanh nghiệp, tổ chức uy tín về phát triển bền vững mà Chương Trình Ươm Mầm Phát Triển Bền Vững xây dựng. Việc được đồng hành cùng một doanh nghiệp lớn và tiên phong trong lĩnh vực tại chương trình đã tạo điều kiện để các bạn học hỏi, khám phá một xu hướng mới trong phát triển bền vững.
Hành trình bền vững cho doanh nghiệp lớn: Kết hợp song song mua tín chỉ carbon và tự cắt giảm phát thải
Việc De Heus, một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chủ động tham gia vào thị trường tín chỉ carbon và tạo động lực khích lệ các đối tác tìm hiểu là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để hành trình hướng đến kinh tế xanh thực sự hiệu quả, việc mua tín chỉ carbon cần được triển khai song song với nỗ lực tự giảm thiểu lượng phát thải của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp lạm dụng tín chỉ carbon như “lá bùa xanh” để che đậy các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, đánh bóng hình ảnh “xanh” mà không thực sự đầu tư vào các giải pháp bền vững. Điều này không chỉ gây hiểu lầm về cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu quả của thị trường tín chỉ carbon. Để hành trình hướng đến kinh tế xanh thực sự bền vững, doanh nghiệp lớn cần ưu tiên cắt giảm phát thải từ chính trong hoạt động sản xuất của mình.
Điển hình như De Heus, doanh nghiệp này đã chủ động triển khai các chương trình nâng cao hiệu suất sản xuất, đầu tư vào năng lượng tái tạo để giảm thiểu lượng phát thải carbon. Việc De Heus tìm hiểu về thị trường tín chỉ carbon thông qua chương trình Ươm Mầm Phát Triển Bền Vững cũng nhằm mục đích xây dựng kế hoạch bù trừ lượng phát thải không tránh được, đồng thời hỗ trợ khách hàng của mình, đặc biệt là các hộ chăn nuôi, xác định cơ hội hưởng lợi từ các dự án chăn nuôi bền vững.
Cách tiếp cận song song này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường một cách thiết thực mà còn nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Ứng dụng hiệu quả chiến lược cắt giảm phát thải, doanh nghiệp lớn dần trở thành những người dẫn dắt, định hình tương lai của một nền kinh tế xanh. Mong rằng sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp lớn sẽ tạo ra một hiệu ứng domino, thúc đẩy nhiều cá nhân và tổ chức cùng hướng đến phát triển bền vững.
(Theo Ivy+ Partners)
Comentarios