“Ét o ét” – Làm gì khi Trái Đất kêu cứu biến đổi khí hậu?
Trong mấy thập kỷ qua, nhân loại đã và đang trải qua các biến động bất thường của khí hậu toàn cầu. Hiểm họa biến đổi khí hậu này làm xáo động môi trường sinh thái, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy với đời sống loài người. Đã đến lúc, con người cần đứng lên đáp lại lời “cầu cứu” của Trái Đất.
Nhìn chung về biến đổi khí hậu trên thế giới
Bên cạnh đại dịch Covid-19 bùng nổ từ năm 2019, một vấn đề nhức nhối hơn được đặt lên bàn cân: Trái Đất đang cầu cứu. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trái Đất cất lên tiếng nói của mình. Các công trình nghiên cứu quy mô toàn cầu về hiện tượng này đã được các nhà khoa học ở những trung tâm nổi tiếng trên thế giới tiến hành từ đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX.
Hội nghị quốc tế do Liên hiệp quốc triệu tập tại Rio de Janeiro năm 1992 đã thông qua Hiệp định khung và Chương trình hành động quốc tế nhằm cứu vãn tình trạng “xấu đi” nhanh chóng của bầu khí quyển Trái đất, vốn được coi là nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng hiểm họa.Tổ chức nghiên cứu liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC) đã được thành lập, thu hút sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học quốc tế. Tại Hội nghị Kyoto năm 1997, Nghị định thư Kyoto đã được thông qua và đầu tháng 2/2005 đã được nguyên thủ 165 quốc gia phê chuẩn.[1]
Nghị định thư Kyoto 1997 được phê chuẩn cho thấy mối hiểm hoạ về biến đổi khí hậu vẫn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Liên Hợp Quốc. Được biết rằng, Việt Nam là một nước đang phát triển không nằm trong phụ lục trọng tâm các nước phải cam kết cắt giảm khí thải. Nhưng là một trong các nước thành viên, Việt Nam cũng phải tuân thủ thực hiện các cam kết bắt buộc theo Điều 10 dành cho tất cả các Quốc gia thành viên. Các cam kết này được xây dựng dựa trên các cam kết của Điều 4 UNFCCC và cụ thể hóa chúng.[2]
Nhiệt độ khí hậu của Trái Đất theo dữ liệu từ NASA (1979 & 2019). Nguồn: NASA Climate.
Thực trạng biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Theo thống kê toàn cầu, Việt Nam đứng top 20 quốc gia có chỉ số rủi ro trước biến đổi khí hậu, đồng thời xếp thứ 6 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Các tác động biến đổi do khí hậu ảnh hưởng tới hơn 74% dân số, đặc biệt là nhóm người không có điều kiện, thiếu khả năng phục hồi sau những thảm hoạ do thiên tai.[3]
Đồng bằng Sông Cửu Long vốn được coi là mũi nhọn kinh tế không chỉ ở vùng Nam Bộ mà còn là cả nước Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trước mối nguy hại về biến đổi khí hậu, chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề khiến hạn mặn diễn ra hằng năm dần nghiêm trọng hơn bao giờ hết.
Hạn hán đe doạ mùa màng ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường.
Đỉnh điểm hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu có thể thấy là cột mốc mùa lũ năm 2020 ở miền Trung Việt Nam, thiệt hại kinh tế lên đến 36.000 tỷ đồng [4]. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020, với tốc độ dâng cao của mực nước biến và đường bờ biển chạy dài khắp hầu hết chiều dài đất nước, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với việc mất đi 12,2% diện tích lãnh thổ và đe doạ chỗ sinh sống của 17 triệu người dân [1]. Nếu mực nước biển dâng lên 1 mét, sẽ nhấn chìm 47,29% diện tích ĐBSCL, khoảng 17,15% diện tích TP.HCM, 13,20% diện tích Đồng bằng sông Hồng… [5]
Bão chồng bão, lũ chồng lũ tại miền Trung năm 2020. Nguồn: Báo Chính phủ
Trái Đất đã kêu gọi biến đổi khí hậu– Làm gì để phản hồi?
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon đã phát biểu “Biến đổi khí hậu là thách thức xác định của thời đại chúng ta”[6]. Chính vì vậy đã đến lúc chúng ta cần có trách nhiệm và ý thức đối với mối nguy hại từ biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Trước hết, chúng ta cần tham gia một cách chủ động và tích cực vào các chiến dịch, chương trình do Liên hiệp quốc chủ trì về biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Tôi chọn lối sống bền vững”
Lối sống bền vững được định nghĩa là cách sống nhằm giảm thiểu dấu chân carbon (carbon footprint) của mỗi người lên trái đất. Nói cách khác, lối sống bền vững là hình thức giảm thiểu những gánh nặng mà mỗi người đặt lên thiên nhiên và các tài nguyên khác của trái đất. [7]
Nhà bảo vệ môi trường Hoàng Thị Minh Hồng đã từng nói trong một bài phỏng vấn: ““Cai” đồ nhựa cũng khó như bỏ thuốc lá!”.[8] Có thể nói, việc thay đổi mức sống và thói quen sử dụng nhựa, hướng đến một lối sống bền vững không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được. Không cần phải làm những điều gì hết sức to lớn, chúng ta có thể bắt đầu từ những bước nhỏ. Sau đây là 2 việc đơn giản mà mỗi người chúng ta có thể làm để giảm thiểu dấu chân carbon:
1. Tái sử dụng.
Nếu như có thể, chúng ta nên nói không với việc sử dụng nhựa. Tuy nhiên, con số không tròn trĩnh là việc không thể nào thực hiện ngay lập tức được mà cần có một khoảng thời gian để tập dần và thích nghi. Chính vì thế, nếu “trót lỡ” sử dụng nhựa, hãy tái sử dụng chúng cho những lần sau đó. Lợi ích của việc tái sử dụng nhựa không chỉ có thể kéo dài được tuổi thọ của đồ nhựa mà còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho chúng ta.
2. Tránh lãng phí thực phẩm.
Điều này nghe có vẻ vô lý. Nhưng theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), ước tính khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất trên toàn thế giới không bao giờ được tiêu thụ. Nhiều người cho rằng thực phẩm có thể phân huỷ được nên không được cho là “rác”. Chính vì vậy mà khi thực phẩm dư thừa bị bỏ đi, chôn xuống đất để phân huỷ đã phát sinh ra khí metan CH4, đây là dạng khí gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần khí carbon, góp phần ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu.
Một tấm gương điển hình cho lối sống bền vững có thể kể đến Helly Tống. Sống đúng khẩu hiệu, với mong muốn trái đất có một hệ sinh thái cân bằng hơn, Helly Tống đã gắn bó với lối sống thanh tịnh trong nhiều năm – ăn chay trường, thiền định và luôn hành động vì môi trường.
Hiện nay, Helly Tống (1995) được khán giả biết tới với nhiều vai trò khác nhau. Cô vừa là người mẫu, vừa là diễn giả truyền cảm hứng, vừa là doanh nhân thành công với The Yên Concept và Lại Đây Refill Station, đồng thời là người ươm mầm cho những dự án xanh khi là Giám đốc Truyền Thông của Sống Foundation.
Có lẽ vì thế mà dường như Helly Tống đã trở thành một nguồn cảm hứng cho giới trẻ ngày nay về lối sống xanh. Đồng thời những thành tựu mà cô gặt hái được trong lĩnh vực này phần nào đã giúp cho cô trở thành một đại diện tiêu biểu của lối sống bền vững và có sức lan tỏa.
Điều này, phần nào đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng từ các bạn trẻ – thế hệ tương lai của đất nước. Và chính vì thế, những nỗ lực chia sẻ của Châu Bùi đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi hành vi của cộng đồng.
Vì vậy, còn chần chờ gì mà không đáp lại lời cầu cứu của Trái Đất. Và sẽ không bao giờ là muộn khi bắt đầu bắt tay thực hiện lối sống bền vững từng bước một, cứu lấy “mảng xanh” của Trái Đất và hướng đến lối sống bền vững. Tất nhiên, không chỉ bản thân độc giả mà thậm chí chính chúng tôi Dear Our Community sau khi viết bài này cũng bắt đầu thực hiện nỗ lực trả lời tiếng gọi của môi trường.
Nguồn tham khảo:
Comments