top of page
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

Làm phát triển bền vững không chỉ là bảo vệ môi trường

Hơn 10 năm đảm nhiệm nhiều công việc trực tiếp tạo ra những tác động xã hội cả ở doanh nghiệp lẫn tổ chức phi lợi nhuận, với chị Giang, đó là hành trình dấn thân, khám phá và tìm ra “ikigai” cho chính mình.


Nhưng đó cũng là hành trình nhiều với bài học và sự đúc kết, nhiều phản tư và sự can đảm để tiếp tục thử thách mình ở những trọng trách lớn hơn, như chính công việc Trưởng bộ phận Phát triển bền vững chị đang làm tại Biti's.


Chị sẽ có những chia sẻ nào với những bạn trẻ đang bước đầu tìm hiểu về công việc này? Mời bạn cùng theo dõi bài viết mà Dear Our Community thực hiện dưới đây để có được sự hiểu biết chung nhất về nghề.


Bài viết nằm trong series phỏng vấn những người thực hành trong lĩnh vực Tác động xã hội đầu tiên tại Việt Nam mang tên “Mở đường dẫn lối” do Dear Our Community khởi xướng.

Trưởng bộ phận Phát triển bền vững
Trưởng bộ phận Phát triển bền vững

Để làm công việc này, trước hết cần hiểu đúng khái niệm, nhưng khi tìm hiểu em thấy có nhiều định nghĩa khác nhau về Sustainability, vậy đâu là định nghĩa đúng theo góc nhìn của chị?


Trước hết, chị nghĩ cần phải hiểu Sustainability - Bền vững là một khái niệm (concept) mang tính bao trùm. Có thể hiểu đơn giản, Bền vững là đây làm sao để vừa phát triển, nhưng đồng thời cũng vừa sống hài hoà với hành tinh, giảm những tác động tiêu cực lên chính ngôi nhà chung mà chúng ta đang sống.


Ngày nay, do các vấn đề môi trường và xã hội đang là những thách thức lớn, “Bền vững” theo góc độ này được hiểu là các quá trình và hành động mà con người thực hiện để thông qua đó có thể tránh được sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên để lại cho thế hệ sau, nhằm giữ cân bằng sinh thái mà không làm giảm đi chất lượng cuộc sống của xã hội hiện đại.

định nghĩa khác nhau về Sustainability
Định nghĩa khác nhau về Sustainability

Mô hình Bền vững phổ biến hiện nay mà nhiều doanh nghiệp sử dụng là mô hình 3Ps - Triple Bottom Line dựa trên 3 trụ cột chính là Planet - People - Profit. Các doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược phát triển làm sao để hài hoà được lợi ích của 3 yếu tố này. Đây chính là đích đến của tính Bền vững, nhưng thực sự cũng rất “trần ai" để đi đến được cái đích này trong thực tế.


17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs) được xem là một trong những hướng dẫn quan trọng giúp các quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận trong việc thiết kế, điều chỉnh các mục tiêu phát triển của mình để cùng đạt được các mục tiêu chung này. Các cách tiếp cận như CSR (Corporate Social Responsibilities), CSV (Creating Shared Value - Chia sẻ giá trị chung), ESG (Environment - Social - Government) vì thế sẽ là những hướng tiếp cận khác nhau của doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng điều cốt yếu nhất của phát triển bền vững vẫn là sự đầu tư và cam kết mang tính lâu dài.

17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs)
17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDGs)

Khi nghe làm về Bền vững, liên tưởng đầu tiên của em là việc doanh nghiệp có những cam kết và hành động cụ thể đối với môi trường (environment), theo chị, hiểu như vậy có đúng không?


Đúng nhưng chưa đủ, vì đây mới chỉ là một phần trong các hoạt động về Bền vững tại doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp, các hoạt động về Bền vững có thể được chia theo 3 góc độ:

  • Đối với môi trường-xã hội bên ngoài doanh nghiệp. Bao gồm các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất lên môi trường tự nhiên như việc phải đảm bảo các quy trình xử lý chất thải, …; các hoạt động đóng góp cho cộng đồng nơi có các hoạt động sản xuất, kinh doanh (như các hoạt động thiện nguyện, cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng, cư dân khu vực đó, …)

  • Đối với toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp (bao gồm hỗ trợ các nhà cung cấp, đối tác cùng tuân thủ quy trình sản xuất và tiêu thụ bền vững, …)

  • Và chính bên trong doanh nghiệp (nhà máy, phân xưởng, các phòng ban, nhân viên, …) thể hiện trong việc vận hành tối ưu, tiết kiệm năng lượng và tạo ra những sáng kiến tiết kiệm nguồn nguyên liệu sản xuất để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, và nhiều các khía cạnh cụ thể khác.

Dù ở góc độ nào, thì các công việc về Bền vững cũng sẽ hướng đến tạo ra những cải tiến trong toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh, quản lý sao cho tối ưu, giảm lãng phí, giảm tác động tới môi trường; hướng đến tạo ra những thay đổi tích cực trong chính cộng đồng, xã hội nơi mà doanh nghiệp đang hoạt động và phụ thuộc.

 công việc về Bền vững cũng sẽ hướng đến tạo ra những cải tiến
công việc về Bền vững cũng sẽ hướng đến tạo ra những cải tiến


Theo góc nhìn của chị, công việc liên quan tới Bền vững tại Việt Nam đang phát triển ra sao?


Hiện tại công việc này phổ biến ở các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vì những chính sách, chương trình liên quan tới phát triển bền vững đã được xây dựng và phát triển ở quy mô tập đoàn và toàn cầu. Do đó, các quốc gia mà doanh nghiệp đó có hoạt động kinh doanh, phần lớn sẽ tuân thủ theo những chính sách đã có. Sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và tình hình địa phương, nhưng nhìn chung, sẽ đi theo chiến lược chung của tập đoàn.


Bên cạnh nhóm doanh nghiệp này, các công ty khởi nghiệp hiện nay cũng được xem là nhóm quan tâm các vấn đề về Bền vững từ sớm, do khả năng tiếp cận các thông tin nhanh chóng, vì thế, họ nhìn thấy cơ hội về xu hướng tích hợp các yếu tố liên quan tới Bền vững vào định hướng và chiến lược phát triển của công ty ngay từ khi mới bắt đầu.


Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam truyền thống lại chưa có sự quan tâm đúng mức về khía cạnh Bền vững khi xét về mức độ ưu tiên trong doanh nghiệp và chủ yếu vẫn đang dừng lại ở CSR, trong đó, tập trung nhiều ở khía cạnh từ thiện, thiện nguyện.


Tính bền vững được xem là nền tảng quan trọng cho sự tồn tại của doanh nghiệp, vì suy cho cùng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang phụ thuộc rất lớn vào các nguồn tài nguyên hiện có tại địa phương, nói rộng hơn là trên hành tinh. Vì thế, các hoạt động hướng về Bền vững chính là hoạt động nhằm bảo vệ và giúp doanh nghiệp sử dụng hợp lý chính nguồn tài nguyên có hạn đó.

Tính bền vững được xem là nền tảng quan trọng cho sự tồn tại của doanh nghiệp, vì suy cho cùng, doanh nghiệp đang phụ thuộc vào chính nguồn tài nguyên hiện có để phát triển".
 

Thực tế chứng minh, những doanh nghiệp làm tốt các khía cạnh về Bền vững góp phần rất lớn vào cải thiện doanh thu, giúp thu hút và giữ chân nhân tài cũng như gia tăng vị thế của thương hiệu đối với người tiêu dùng; thì mặt khác, đây cũng là hoạt động đòi hỏi sự đầu tư mang tính lâu dài cần thời gian để đo lường hiệu quả, tác động.

 sự đầu tư mang tính lâu dài và cần thời gian để đo lường hiệu quả, tác động.
Sự đầu tư mang tính lâu dài và cần thời gian để đo lường hiệu quả, tác động.

Chương trình hỗ trợ cung cấp nước uống sạch cho các hộ gia đình có thu nhập thấp tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên, Biti's tập trung vào đối tượng là chính nhân viên và gia đình của họ. Nguồn: Website Biti’s


Nếu em muốn theo đuổi công việc về Bền vững này trong tương lai, em nên học gì?


Công việc làm về Bền vững trong doanh nghiệp đòi hỏi những hiểu biết liên ngành, vì em sẽ phải làm việc với rất nhiều phòng ban, lĩnh vực khác nhau, nhưng tựu chung có thể chia thành hai nhóm hiểu biết chính, bao gồm (1) Hiểu biết về các vấn đề xã hội - môi trường và (2) Hiểu biết về kinh doanh. Đây là hai yếu tố không thể tách rời khi thiết kế các kế hoạch, chương trình về Bền vững.


Về kỹ năng công việc, quan trọng nhất là các kỹ năng quản lý dự án, quản lý chi phí, kỹ năng quan sát và phân tích vấn đề, để từ đó đưa ra những giải pháp trọng tâm và phù hợp. Tuy nhiên, chị mong các bạn cũng cần đề cao kỹ năng tự học, vì đây là lĩnh vực cần phải liên tục trau dồi và bổ sung kiến thức mới. Ví dụ như em làm Bền vững ở một công ty sản xuất sẽ khác, làm ở công ty về bán lẻ sẽ khác. Khi thay đổi môi trường, em cần phải tự học rất nhiều để bắt kịp tốc độ nơi đó và để làm công việc của mình hiệu quả hơn.


Ngoài ra, mindset - cách em suy nghĩ & tư duy cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Không quá để nói tất cả bắt đầu từ mindset. Mindset về khái niệm Bền vững, cách làm bền vững theo những “best practices”, mô hình phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty, về những thực tế, thách thức lớn của công việc như tính cam kết trong một thời gian dài mới mang lại hiệu quả,… Có như vậy, em sẽ hiểu bản chất công việc của mình tốt hơn, tránh ảo tưởng và để chân mình chạm đất hơn.


Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng có thể hiểu bản chất và áp dụng tốt các kỹ năng này. Do đó, việc học tập và tìm kiếm các cơ hội rèn luyện kỹ năng từ sớm chính là một trong những cách mà bạn hoàn toàn có thể làm được ngay bây giờ để hoàn thiện bộ kỹ năng.


Khi tìm kiếm công việc cho vị trí “entry level”, em không tìm thấy nhiều cơ hội, em nên tìm thêm ở đâu và bắt đầu như thế nào?


Trước hết, các công việc về Bền vững thường sẽ cần người đã có kinh nghiệm tại các nơi làm việc trước đó, và có thể sẽ ít các vị trí cho entry level. Vì thế, để tiếp tục theo đuổi công việc trên, chị đề xuất một số hướng tham khảo như sau:

  • Bắt đầu bằng các công việc không quá liên quan trực tiếp nhưng sẽ giúp em tham gia vào doanh nghiệp, quan sát, học hỏi và tìm kiếm cơ hội. Các công việc này có thể là marketing, truyền thông, CSR, quản lý dự án, …

  • Mở rộng tìm kiếm trên Linkedin - đây hiện được xem là kênh tìm kiếm thông tin về công việc này khá hiệu quả.

  • Đối với các nền tảng việc làm khác thì đa phần, những thông tin tuyển dụng về công việc này chưa thực sự được làm rõ. Do đó, chị nghĩ em sẽ cần đọc kỹ bảng Mô tả công việc (Job description) để nhặt ra những “từ khóa” liên quan ví dụ như: quản lý dự án, trách nhiệm xã hội, quản lý môi trường,... và có thể chủ động ứng tuyển và thảo luận chi tiết trong buổi phỏng vấn về công việc.


Cảm ơn chị rất nhiều về buổi chia sẻ hôm nay. Tò mò một chút về hành trình hơn 10 năm qua, chị có thể chia sẻ câu chuyện cụ thể của mình được không?


Các em có thể nghe lại câu chuyện cá nhân cụ thể ở podcast mà Dear Our Community đã phỏng vấn chị năm 2021 nhé! Còn trong khuôn khổ bài viết hôm nay, chị hy vọng đã giúp các bạn có bước đầu hiểu biết về công việc và những yêu cầu cơ bản. Có nền tảng vững chắc, bạn sẽ tự tin bước đi.


Chúc các bạn thành công.


(Còn tiếp - Case study về sáng kiến phát triển bền vững mà chị Giang xây dựng tại Biti's)

 
Làm sao để đọc tiếp về chủ đề & trao đổi sâu hơn với chị Giang?
  • Cách 1: Theo dõi & gửi câu hỏi trực tiếp với chị Giang Nguyễn qua series video đang ghi hình mới toanh Mở Đường Dẫn Lối. Hạn chót gửi câu hỏi: 23/2/2023. Series phát sóng tập 1 ngày 2/3/2023.

  • Cách 2: Tiếp tục theo dõi loạt bài phỏng vấn tiếp theo trong thời gian tới về các công việc ESG, Quản lý Chương trình, Gây quỹ và Truyền thông.

  • Cách 3: Theo dõi thông tin & đăng ký các khóa học về kiến thức và kỹ năng xây dựng chương trình từ Dear Our Community, do chị Giang trực tiếp xây dựng giáo trình & giảng dạy. Dự kiến ra mắt vào tháng 4/2023.

  • Cách 4 (quan trọng lắm nè): Nhấn theo dõi Dear Our Community và tham gia cộng đồng bạn trẻ dấn thân với các công việc tạo tác động xã hội TẠI ĐÂY để không bỏ lỡ những cập nhật mới nhất.

 

0 bình luận

Xem nhiều

bottom of page