top of page

Gen Z trưởng thành qua dự án cộng đồng - Long Khánh on the road (Long Khanh on the road)

Bài viết nằm trong chuỗi bài Những dự án xã hội ấn tượng bởi Gen Z thuộc Series Mở Đường Dẫn Lối, được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.


Ấn tượng đầu tiên về Thu Thảo là một bạn trẻ nhiều năng lượng, tháo vát và chuyên nghiệp. Dù đang là sinh viên năm 3 đại học Fulbright Việt Nam, Thảo đã kịp bỏ túi cho mình nhiều trải nghiệm đa dạng mà qua cảm nhận của người đối diện là đã giúp bạn chững chạc và trông trưởng thành hơn tuổi.


Trong bài viết hôm nay, mời bạn cùng theo dõi phần trao đổi với bạn Trần Thị Thu Thảo - Trưởng dự án Long Khánh on the road - được thành lập với mục tiêu đồng hành cùng người trẻ địa phương tạo nên những hoạt động ngoại khoá chất lượng cho học sinh THCS & THPT.

Một bạn nữa đang chia sẻ về Hướng nghiệp cho các bạn học sinh cấp 3
Thu Thảo trong buổi chia sẻ về Hướng nghiệp cho học sinh cấp 3

Thảo có thể chia sẻ lý do bạn muốn thành lập một dự án chuyên về việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh không?


Ý tưởng dự án đến từ những quan sát và những trải nghiệm rất cá nhân của mình khi chuyển lên Tp. HCM học đại học. Tại đây, mình đã khá “ngợp” khi nhận thấy các bạn cùng lớp rất năng động và được trang bị rất nhiều kỹ năng mềm ngay từ cấp 2 hay cấp 3. Đây là điều mà mình đã không có được tại môi trường học tập tại Long Khánh (Đồng Nai). Do đó, mình thấy bản thân khá thụ động và có phần lép vế so với các bạn tại thành phố. Điều này thôi thúc mình muốn làm một điều gì đó để tạo ra nhiều cơ hội, nhiều sân chơi hơn tại chính địa phương. Đó là xuất phát điểm của Long Khánh on the road.


Dự án được thành lập năm 2021, tới nay có 3 nhóm hoạt động chính như sau:

  • Tổ chức chương trình hướng nghiệp: bao gồm sự kiện hướng nghiệp online/offline; lớp học hướng nghiệp với sự tương tác giữa thầy cô và học sinh; học tập/thực hành tại doanh nghiệp địa phương. Đây là sản phẩm cốt lõi hiện nay của dự án.

  • Tổ chức trại hè địa phương: bao gồm hoạt động làm dự án để khám phá bản thân; tiếp xúc với những kiến thức xã hội. Trong khuôn khổ chương trình này, dự án còn tổ chức cuộc thi sáng tạo, tranh biện để giúp các bạn học sinh nâng cao kỹ năng mềm.

  • Cố vấn hoạt động cộng đồng: Đồng hành cùng các đơn vị tại địa phương thực hiện các chương trình cộng đồng, đặc biệt là trường học.

Học sinh đang tập trung dưới sân trường
Một buổi chia sẻ về Hướng nghiệp tại trường THPT Văn Hiến

Bạn có thể chia sẻ một hoạt đồng gần đây mà dự án đã thực hiện không?


Hồi đầu năm nay, một trường cấp 3 tại Long Khánh muốn tổ chức một Lễ hội Xuân và muốn các bạn học sinh tham gia tổ chức. Dưới góc độ cố vấn thì dự án tụi mình đã cung cấp lộ trình, cách thức làm việc với học sinh để các bạn có đủ khả năng tham gia tổ chức: như việc cần tập huấn cho học sinh; thực hiện những khảo sát và báo cáo cho trường; đề xuất các sáng kiến như thành lập một câu lạc bộ Sự kiện trong trường chẳng hạn; và thầy cô đồng hành giám sát ra sao với hoạt động. Đây là cách mà nhóm đã đồng hành cùng nhà trường để tạo ra sân chơi cho chính các bạn học sinh.


Đâu là điểm khác biệt của Long Khánh on the road so với các dự án cùng chủ đề khác?


Mình nghĩ có hai điểm lớn mà dự án đã và đang tạo ra cho các học sinh nơi đây.

  • Tạo ra động lực: Đối với hầu hết các bạn học sinh ở địa phương như Long Khánh thì giai đoạn cấp 3 là giai đoạn tập trung 100% vào việc học để có được điểm số tốt nhất. Nhưng theo góc nhìn của mình, các bạn có thể biến lợi thế có được từ việc tham gia các hoạt động ngoại khoá để bổ sung cho hồ sơ du học, cạnh tranh trực tiếp với các bạn đến từ thành phố lớn một cách tự tin. Đồng thời, việc trang bị kỹ năng mềm từ sớm giúp các bạn chủ động và có khả năng nắm bắt cơ hội tốt hơn.

  • Tạo ra môi trường: Dự án chủ động tạo ra cơ hội để các bạn tiếp xúc với nhiều hoạt động ngoại khóa ngay tại địa phương mình. Bản thân mình đánh giá cao vai trò của các hoạt động trực tiếp giúp cải thiện những kỹ năng xã hội như giao tiếp, trình bày, tạo ảnh hưởng đến người khác, và quan trọng là không phải di chuyển quá xa để tham gia, từ đó, giúp các bạn có thể cam kết nhiều hơn.

Một người phụ nữ đang diễn thuyết
Trần Thị Thu Thảo - Trưởng dự án Long Khánh on the road

Trước khi thành lập dự án Long Khánh thì Thảo đã đã thực hiện dự án nào hay có những trải nghiệm nào trước đó chưa? Có những bài học nào bạn có được để áp dụng vào dự án mới này không?


Cuối năm lớp 12, mình cùng các bạn đã thực hiện dự án mang tên Book citizens, cũng với mục đích muốn giúp các bạn học sinh ở Long Khánh có thể tiếp cận tới các hoạt động thú vị ở Tp. HCM. Tuy nhiên, lúc này, vì thiếu năng lực quản lý, cũng như việc thấu hiểu về cộng đồng còn hạn chế nên dự án thất bại sau một năm thành lập.


Sau thất bại đó, mình quyết định dành 2 năm tiếp theo để trải nghiệm thêm nhiều hoạt động. Như việc trở thành thành viên của nhiều dự án thâm niên để được quan sát cách tổ chức hoạt động, làm việc với cộng đồng; hay chủ động gặp gỡ và học hỏi từ các anh chị đi trước để được chỉ dẫn - đó là những trải nghiệm quan trọng giúp mình trưởng thành hơn.


Mình rất tâm đắc với chia sẻ về góc nhìn phát triển cộng đồng, đó là Đừng bao giờ nghĩ làm dự án cộng đồng là mình đang đứng ở vai trò cho đi một điều gì đó, mà hãy nghĩ mình là một người bạn đồng hành với chính cộng đồng để cùng nhìn nhận lại vấn đề, hoặc cùng tìm ra giải pháp phù hợp với tất cả mọi người. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp mình định hướng rõ vị trí và vai trò của bản thân khi thành lập Long Khánh on the road.


Tuy nhiên, bắt đầu hành trình thật không đơn giản, nhóm đã trải qua 6 tháng đầu tiên “bất ổn" theo đúng nghĩa đen khi loay hoay đi tìm “câu hỏi lớn" cho tổ chức của mình: Tổ chức hoạt động với sứ mệnh và mục đích gì?


Việc trả lời được câu hỏi đó sẽ là kim chỉ nam dẫn lối các hoạt động của tổ chức. Lúc đó, câu trả lời của mình là: Giúp các bạn học sinh địa phương có thể tiếp cận tới các hoạt động ngoại khoá đa dạng ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh hoặc các bạn có thể tự tạo ra sân chơi cho chính mình, ngay tại Long Khánh. Tuy nhiên, cũng mất tới 2 năm sau đó để dự án thử sai và hoàn thiện về các khung sườn hoạt động cơ bản, cách vận hành và đội ngũ nhân sự. Tới năm nay, dự án mới tự tin hơn khi các chương trình được thiết kế trọng tâm và đáp ứng đúng nhu cầu của các bạn học sinh.

Một người phụ nữ đang chia sẻ về Hướng nghiệp
Một buổi chia sẻ về Hướng nghiệp tại trường THPT Văn Hiến

Theo góc nhìn của bạn, đâu là các bước để thực hiện một dự án?


Thay vì chia theo các bước thì cá nhân mình thấy có thể chia thành ba giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn dò đường: Bắt đầu tìm hiểu về cộng đồng mà dự án hướng tới và tìm kiếm hướng đi phù hợp. Đây cũng là giai đoạn mọi thứ sẽ khá bất ổn: từ nhân sự, chương trình, hay việc xác định mình sẽ cần những kết nối nào, nguồn lực nào để hỗ trợ tổ chức … Cũng là lúc chính người đi đầu có nhiều nghi ngờ về bản thân, và dự án có thể bị lạc lối, chết yểu (trong trường hợp xấu nhất). Do đó, điều cần nhất lúc này đó chính là sự kiên trì để vượt qua.

  • Giai đoạn hoàn thiện mô hình tổ chức và các sản phẩm của dự án: Đây là giai đoạn tiếp tục trả lời những câu hỏi chi tiết hơn về cách thức vận hành, quản trị dự án, xây dựng đội ngũ, văn hoá làm việc, xây dựng sản phẩm ra sao. Nếu giai đoạn trước bạn cần sự kiên nhẫn, thì giai đoạn này bạn sẽ cần sự tập trung tối đa để xây dựng và hoàn thiện ở mức độ cụ thể nhất.


Thay vì tìm kiếm xung quanh những mô hình tương tự, hay so sánh với nhiều dự án khác, thì mình lại chọn cách tập trung cao độ vào dự án của mình và tránh xao nhãng nhất có thể. Có những ngày mình chỉ mở đúng trang dự án của mình trên máy tính và làm trên đó, rồi tìm kiếm những tài liệu liên quan trong quá trình nghiên cứu để hoàn thiện mô hình tổ chức và sản phẩm.


  • Giai đoạn khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực đó: Đây là lúc bạn có thể mang sản phẩm ra thị trường, tiếp cận với đối tượng mục tiêu. Long Khánh on the road đang nằm trong giai đoạn này. Lúc này, bạn sẽ cần phải liên tục cập nhật, quan sát, điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn qua những phản hồi từ nhóm đối tượng mục tiêu và các đối tác khi tiếp cận. Kiên định quyết đoán là 2 điều bạn cần có trong giai đoạn này.


Một lưu ý nhỏ là đừng bao giờ xem sản phẩm của mình là nhất, mà luôn trong tâm thế học hỏi để xem những dự án khác đã làm tốt điều gì, và mình có thể làm tốt điều gì để phát huy mạnh hơn.


Nếu xét về góc độ cá nhân thì Thảo thấy vai trò của mình là gì trong dự án?


Bên cạnh vai trò chủ chốt là trưởng dự án trong thời gian qua, mình thấy mình rõ nhất trong vai trò kết nối nguồn lực. Mình nhận ra là nguồn lực và nhu cầu kết nối ở khắp mọi nơi, từ những chuyên gia đầu ngành, các anh chị làm phát triển cộng đồng, các bạn học sinh giàu nhiệt huyết nhưng chưa tìm được định hướng, hay các thầy cô cần sự hỗ trợ trong việc tổ chức hoạt động ngoại khoá. Do đó, làm sao để tối ưu nguồn lực đang có để giải quyết những vấn đề hiện tại là điều mình rất quan tâm. Và mình thấy bản thân làm tốt nhất khi ở vai trò này với Long Khánh on the road.


Trải nghiệm làm dự án đã mang lại cho bạn những gì?


Dự án đã mang lại cho mình rất nhiều thứ, mà ở đây mình xin đề cập 3 điều quan trọng.

  • Các mối quan hệ chất lượng và đủ sâu để có thể tiếp tục cộng tác, phối hợp trong tương lai. Trong quá trình làm dự án, mình có cơ hội gặp gỡ với rất nhiều các anh chị lớn, và mình luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt nhất có thể qua cách làm việc của mình. Chính vì thế, sau này mình có cơ hội làm việc từ chính những mối quan hệ đó, và họ còn sẵn sàng giới thiệu mình qua những nơi đang có nhu cầu tuyển dụng phù hợp.

  • Sự tự tin về năng lực và kỹ năng để có thể ngay lập tức đảm nhận các vị trí chính thức tại các tổ chức/ công ty mà không cần qua vị trí thực tập. Điều này có được là vì mình đã xác định rất rõ về mục tiêu và thái độ khi làm. Nói thật, làm thật, chứ không phải khi rảnh thì mới làm. Nghiêm túc và cam kết trong tất cả các kế hoạch/ hoạt động đề ra.

  • Cơ hội để định hình về sự nghiệp cho bản thân. Quãng thời gian thực hiện dự án cho mình cơ hội quan sát cách các bộ phận vận hành, nhìn nhận những khúc mắc, và suy nghĩ về cách thức giúp sự phối hợp trở nên hiệu quả hơn. Những quan sát đó giúp mình tự định hướng cho chính mình về công việc sau này. Mình nhận ra mình rất thích về quản lý dự án, về cách sắp xếp nguồn lực và triển khai hoạt động sao cho hiệu quả nhất. Thông qua dự án, mình tìm được định hướng lâu dài cho chính mình. Suy cho cùng, làm dự án là quá trình tìm mình và hiểu mình rất quan trọng của mỗi người.


Nếu chọn một lời khuyên cho các bạn trẻ mong muốn trở thành trường dự án trong tương lai, Thảo sẽ chia sẻ điều gì?


Mình nghĩ các bạn cần sự nhất quán trong chính bản thân. Điều này thể hiện qua việc: mọi suy nghĩ, lời nói, hành động nhất quán với nhau. Bằng cách trả lời các câu hỏi như: Đâu là niềm tin của bạn? Cách bạn làm việc với cộng đồng ra sao? Nguyên tắc làm việc của bạn là gì? Bạn có sống được với những gì bạn đã trao đổi với đồng đội của mình hay không? Nhất quán giữa điều bạn nói và thứ bạn làm. Bạn cần hiểu rằng sự nhất quán chính là hình ảnh chân thật nhất mà cộng đồng, hay những người ủng hộ đang nhìn nhận về bạn.


Và vì thế, đây cũng là điều khó khăn nhất khi làm trưởng một dự án. Nhưng nếu chịu luyện tập thường xuyên, biến nó thành thói quen, thành phong cách cá nhân, thì mình tin, nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Chính bản thân mình đã và đang nhận được rất nhiều giá trị từ chính sự nhất quán đó. Mình hy vọng, các bạn trẻ sẽ luôn nỗ lực để trở thành phiên bản tốt hơn của mình và để thực sự tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng. Điều này giúp chúng ta trở nên trưởng thành.

Khám phá khóa học trực tuyến về Gây Quỹ Bền Vững và Truyền Thông Tạo Tác Động Xã Hội! Học cách xây dựng chiến lược gây quỹ hiệu quả và lan truyền thông điệp tích cực. Được dẫn dắt bởi các chuyên gia hàng đầu, khóa học này giúp bạn nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để tạo ra tác động xã hội thực sự. Đăng ký ngay để khám phá tiềm năng của bạn và góp phần thay đổi cộng đồng!



0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page