top of page
Ảnh của tác giảDear Our Community

11 năm từ nữ thực tập sinh đến Giám đốc Phát triển Bền vững của tập đoàn đa quốc gia

Trải qua nhiều vị trí, với tinh thần kiên trì, ham học hỏi và đam mê với nông nghiệp đã giúp Nguyễn Thu Thuỷ trở thành Giám đốc Phát triển Bền vững khu vực Châu Á và Việt Nam của De Heus - tập đoàn thức ăn chăn nuôi đến từ Hà Lan.


“Đừng làm nông nghiệp, vì làm rồi bạn sẽ bị ghiền”

Là câu cửa miệng của Thu Thuỷ (Emily) khi ai đó hỏi về công việc tại De Heus. Tuy nhiên, ít ai biết xuất phát điểm của Thuỷ lại là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh tại một trường Đại học ở Hà Lan

Nguyễn Thu Thuỷ (Emily), Giám đốc Phát triển Bền vững khu vực Châu Á và Việt Nam của De Heus

Nguyễn Thu Thuỷ (Emily), Giám đốc Phát triển Bền vững khu vực Châu Á và Việt Nam của De Heus


Nhớ lại hồi năm 3 Đại học, Thuỷ bắt đầu tìm công ty thực tập. Cô rải đơn khắp nơi nhưng “bặt vô âm tín” do cạnh tranh khốc liệt. Hai lời mời hiếm hoi đến từ một công ty công nghệ và De Heus - tập đoàn nông nghiệp của Hà Lan. Thuỷ chọn De Heus đơn giản vì cơ hội trở về Việt Nam thực tập, nhưng không ngờ đây là cột mốc đáng nhớ nhất của cô, vào năm 2013.


Dù là thực tập sinh chưa nhiều kinh nghiệm, Thuỷ được giao đề bài nghiên cứu và đề xuất hình thức phát triển chuỗi giá trị cá tra tại Vĩnh Long. Cô gọi dự án này là “con đầu lòng”, gieo mầm cho chặng dài hơi với ngành nông nghiệp và bén duyên con đường Phát triển Bền vững (ESG).

Emily và 2 học viên SIY trình bày business case De Heus tại Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 

Emily và 2 học viên SIY trình bày business case De Heus tại Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 


Kết thúc kỳ thực tập, ấn tượng với tinh thần không ngại khó của cô sinh viên trẻ, và bản thân Thuỷ cũng thấy phù hợp văn hoá công ty, De Heus đã đề nghị cô về Việt Nam làm việc chính thức với vai trò Junior Project Manager, phụ trách dự án đầu tiên là trung tâm nghiên cứu thuỷ sản tại Vĩnh Long. Cô cho biết, ban đầu khá choáng ngợp. Nhưng với tinh thần “không ngại chiến”, sau thời gian làm quen, học thêm nhiều kỹ năng, cô tự tin hơn và hoàn thành nhiệm vụ. 

Tháng 4/2024, Emily, sinh viên Đại học Cần Thơ và Dear Our Community tham quan nhà máy của De Heus tại Vĩnh Long

Tháng 4/2024, Emily, sinh viên Đại học Cần Thơ và Dear Our Community tham quan nhà máy của De Heus tại Vĩnh Long


Tiếp đến, Thuỷ được cử sang Myanmar làm việc với vị trí Project Manager của dự án nhà máy ấp trứng gà trong hai năm. Thời gian xa xứ đã dạy cho cô nhiều điều, nhất là kỹ năng quản lý dự án và tinh thần cởi mở để đón nhận bất cứ sự ngạc nhiên nào nằm ngoài kế hoạch. Ngoài khác biệt văn hoá ra, mỗi ngày, cô ngồi xe 3 tiếng đồng hồ di chuyển từ nơi ở đến chỗ làm việc. Cô tranh thủ học online trên xe để giết thời gian. “Chủ động học hỏi, chủ động nhận việc, thu thập thông tin, luôn nỗ lực và không bao giờ ngại khó là tinh thần đã giúp tôi đứng vững ngay từ khi còn là thực tập sinh”, nữ Giám đốc trẻ chia sẻ với Dear Our Community.


Sau khoảng thời gian lăn xả cùng các dự án xây dựng, Thuỷ trở về Việt Nam và bắt đầu làm việc trong mảng Phát triển kinh doanh cho thị trường Châu Á, nổi bật với dự án sáp nhập một công ty nông nghiệp mà De Heus mua lại tại Indonesia. Do thời điểm thực hiện sáp nhập vào thời điểm Covid, thay vì trực tiếp có mặt tại Indo, mỗi ngày, cô “mài ghế” 12-14h để họp với các đối tác, bộ phận ở Việt Nam - Hà Lan - Indonesia, nhằm điều phối quá trình sáp nhập. Nhưng đây cũng là lúc cô nhận ra thế mạnh của mình đang chưa hoàn toàn đáp ứng được cho công việc làm M&A. Và rồi Thuỷ lại chuyển mình với một bước đệm trong vị trí Marketing, tập trung nhiều hơn về khía cạnh quản lý con người, trước khi dấn thân hoàn toàn làm Phát triển Bền vững.

Emily tại Lễ tổng kết Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững mùa 2

Emily tại Lễ tổng kết Chương trình Ươm mầm Phát triển Bền vững mùa 2


Làm phát triển bền vững phải có kỹ năng mềm

Trải qua nhiều vị trí khác nhau đã giúp Thuỷ tích luỹ nhiều kỹ năng. Tuy nhiên, theo cô, người làm Phát triển Bền vững không nhất thiết am hiểu hay giỏi mọi thứ, nhưng kỹ năng mềm là điều thiết yếu vì bạn phải làm việc với con người khá nhiều.


Ban đầu, cô hơi hoang mang do chưa hình dung được thế nào là “Phát triển Bền vững”. Đây là khái niệm không mới, nhưng chưa quá phổ biến tại Việt Nam. Ba tháng đầu, cô phải tự tìm lời giải cho bản thân, sau đó đơn giản hoá mọi thứ thật dễ hiểu rồi mới truyền tải đến mọi người. Và cô nhận ra hiểu biết về business trong quá trình làm project manager và M&A, hay những kỹ năng khác như: quản lý, truyền thông… chính là mảnh ghép hoàn hảo cho công việc hiện tại. 

Emily (giữa) cùng Kelly Vo, founder của Dear Our Community, tại gian hàng De Heus trong GEFE

Emily (giữa) cùng Kelly Vo, founder của Dear Our Community, tại gian hàng De Heus trong GEFE


Từ kinh nghiệm của một người làm marketing, cô đặt quan tâm lớn tới việc truyền tải hiệu quả những tác động, giá trị mà De Heus đang làm đến mọi người, hay cách kể chuyện để thuyết phục người khác đồng hành cùng mình. 


Đặc biệt, rất nhiều hoạt động tại De Heus cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn của châu Âu, trong đó có yếu tố quan trọng liên quan tới đánh giá về những tác động của De Heus với môi trường bên ngoài, và ngược lại (Double Materiality). Nhưng muốn mọi người hiểu và cùng chung tay, cô phải chọn cách tiếp cận chủ đề thật khéo léo. Một trong những cách Thuỷ thường dùng là để mọi người tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Dự án này liên quan đến cuộc sống của bạn như thế nào?”.


Khó nhất khi làm Phát triển Bền vững chính là việc biến mục tiêu, kế hoạch trên trang giấy trở thành hành động cụ thể, và để thuyết phục đồng nghiệp của mình thấy hào hứng, chủ động với kế hoạch. Bí quyết của Thuỷ là hãy tìm điểm liên quan và tác động của dự án lên chính người mình muốn thuyết phục.

Đại diện De Heus chia sẻ chủ đề Phát triển Bền vững tại buổi công chiếu Mở Đường Dẫn Lối mùa 2, đến các sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.

Đại diện De Heus chia sẻ chủ đề Phát triển Bền vững tại buổi công chiếu Mở Đường Dẫn Lối mùa 2, đến các sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.


Cô cho biết, nhằm giảm thải khí nhà kính, cuối tháng 12 năm nay, De Heus Việt Nam có kế hoạch thay toàn bộ hệ thống xe nâng trong nhà máy thành xe nâng điện. Đây là bước khá quan trọng. Và một trong những việc cần làm là phải thuyết phục một số bác tài xe nâng vốn quen với xe chạy dầu vì nghĩ máy mạnh, chạy khỏe hơn xe điện. Phải nhắc để mọi người nhớ rằng, chạy xe điện bảo vệ môi trường, giảm khí nhà kính và mặt khác nó cũng bảo vệ sức khoẻ chính họ. Cuối cùng, dự án được thông qua.


Sau hơn một thập kỷ làm việc tại De Heus, Thuỷ chia sẻ, may mắn nhất của cô chính là được trao quyền và có những mentor tận tâm, luôn tạo cơ hội để cô thử sức và đúc kết những bài học đáng giá. Tuy nhiên, bản thân cô cũng phải là người chủ động nắm lấy cơ hội và nói ra mong muốn của mình. “Nếu có tư duy này thì dù ở đâu bạn vẫn có thể phát triển tốt”, Thuỷ nói.

Học viên tham gia nghiên cứu về các thị trường carbon hiện tại và dự báo trong 5 năm tới tại Việt Nam và toàn cầu

Học viên tham gia nghiên cứu về các thị trường carbon hiện tại và dự báo trong 5 năm tới tại Việt Nam và toàn cầu


Dù về nước hay làm ESG đều không phải dự định ban đầu của cô, nhưng tất cả mọi thứ như được định sẵn. “Chung thuỷ” với De Heus hơn 11 năm, đạt những thành tựu nhất định, và cũng có những lần thất bại, nhưng với Thuỷ tất cả đều là trải nghiệm đáng giá, để rồi bây giờ cô tự tin nói rằng: “Rời Hà Lan về Việt Nam làm ESG ở De Heus là quyết định đúng đắn nhất”.


Yanie Ha


“Mở Đường Dẫn Lối” là series phỏng vấn những người làm nghề tạo tác động xã hội đầu tiên tại Việt Nam. Trong mùa 2 lần này, series sẽ chia sẻ những giải pháp phát triển bền vững của các doanh nghiệp và tổ chức tiên phong, thông qua câu chuyện làm nghề của các khách mời. 


Hiện series đã phát sóng các tập về các công ty và tổ chức như Sanofi, Ngân hàng Standard Chartered, Nhang Lộc Thành, DrD... Đừng quên đăng ký kênh Youtube của Dear Our Community để không bỏ lỡ những nội dung thú vị khác nhé!


0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Bài viết mới nhất
Xem nhiều