5 năm tới: Cơ hội và thách thức trong tuyển dụng nhân sự thời đại 'Chuyển đổi Xanh'
Đến năm 2030, ‘Chuyển đổi Xanh’ sẽ tạo ra tới 30 triệu cơ hội việc làm mới, đồng thời thị trường lao động cũng đối mặt nhiều thách thức trong tuyển dụng và đào tạo.
Trong bối cảnh “Chuyển đổi Xanh” (Green Transition) ngày càng trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, dự đoán khoảng 5 năm tới, thị trường lao động sẽ có những thay đổi to lớn cả về cơ hội việc làm lẫn đào tạo nhân viên. Để đón đầu làn sóng này, không chỉ nhân sự trẻ mà doanh nghiệp cũng cần phải dần chuyển mình theo thời đại.
Báo cáo mới đây của Manpowergroup cho thấy một con số “khó có thể tin” là khoảng 70% doanh nghiệp trên thế giới đang hoặc đã lên kế hoạch tuyển dụng “nhân tài xanh” (những người làm việc liên quan đến Phát triển Bền vững), để thích ứng với xu hướng mới. Trong đó nêu lên 5 lĩnh vực hiện có nhu cầu tuyển dụng “nhân sự xanh” cao nhất bao gồm: Sản xuất và chế tạo; Vận hành và logistics; Công nghệ thông tin và Phân tích dữ liệu; Bán hàng và Tiếp thị; Kỹ thuật.
Tương tự, tại thị trường Việt Nam, nhân lực một số ngành nghề liên quan đến Phát triển Bền vững, nổi bật là Năng lượng tái tạo cũng đang được săn đón. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam sử dụng điện nhiều thứ hai Đông Nam Á. Dự báo trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo tại đây khoảng 20%, mở ra cơ hội đầu tư lớn. Người trong ngành cho rằng nhu cầu lao động tăng khi đang có những tín hiệu chính sách tích cực gần đây, cùng với sự chuyển mình tất yếu về kinh tế xanh và cam kết Net Zero của Chính phủ.
Song song đó, phần lớn người lao động cũng đang tìm kiếm những công việc mang lại tác động tích cực cho xã hội và môi trường. Thống kê cho thấy 64% người lao động muốn nghề nghiệp của họ có tác động tích cực đến xã hội. Trong khi đó, 68% sẵn sàng nhận công việc tại những tổ chức họ nhận định là có tính chất bền vững.
Dù nhu cầu tuyển dụng “nhân tài xanh” ngày càng cao, đồng thời nhiều người muốn làm những công việc liên quan đến Phát triển Bền vững, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt không ít thách thức như khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có kỹ năng phù hợp, xây dựng các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động… Và tính toán lợi nhuận từ việc đào tạo “nhân tài xanh” cũng khiến nhiều doanh nghiệp đắn đo.
Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo cho thấy một thực tế là chỉ 19% Gen Z và 17% Millennial tin rằng các doanh nghiệp đang thực sự hành động để bảo vệ môi trường. Điều này chỉ ra rằng các doanh nghiệp phải có những hành động rõ ràng và thuyết phục hơn trong chiến lược Phát triển Bền vững.
Những dữ liệu này cho thấy tầm quan trọng của quan điểm người lao động trong quá trình chuyển đổi xanh và tác động của nó đến việc thu hút nhân tài. Nếu doanh nghiệp không thể thu hút và giữ chân đội ngũ nhân sự tương lai cần thiết, họ sẽ khó đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh và các tham vọng kinh doanh khác.
Ngược lại, lực lượng lao động trẻ cũng cần chủ động trang bị thêm kỹ năng về Phát triển Bền vững để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Muốn ‘up skill’ trong lĩnh vực này, bạn không nhất thiết tốn 4-5 năm trên giảng đường Đại học. Cái bạn cần là những va chạm thực tế từ chính công việc đang làm, hay tham gia những chương trình, khóa học ngắn hạn về Phát triển Bền vững và sẵn sàng bước vào nghề với tinh thần chủ động học hỏi, cầu tiến.
Khi được hỏi về cảm xúc đối với chuyển đổi xanh, 65% người lao động bày tỏ thái độ tích cực, trong đó 29% cảm thấy tự tin về tác động của quá trình này đối với sự nghiệp của họ. Đáng chú ý, nhân viên văn phòng tỏ ra lạc quan hơn so với nhóm lao động phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đáng kể bày tỏ thái độ trung lập (34%) hoặc tiêu cực (15%) về tương lai của chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy các doanh nghiệp cần tập trung truyền thông rõ ràng và xây dựng niềm tin cho người lao động về lợi ích của chuyển đổi xanh đối với sự nghiệp của người lao động lẫn xã hội.
Yanie Ha
Khóa học e-Learning cung cấp kiến thức kỹ năng cho người trẻ thực hành công việc phát triển bền vững. Và chờ đón khoá học những khoá học online tiếp theo chuẩn bị ra mắt. |
Comments