top of page

Amélie - Tiến sĩ khoa học “nên duyên" với công việc Truyền Thông tại tổ chức phi lợi nhuận

Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.


Là một tiến sĩ khoa học với 13 năm kinh nghiệm làm việc trong các phòng nghiên cứu của các trường đại học về dược phẩm, và quản lý các dự án liên quan tại Pháp, không ai nghĩ chị Amélie lại rẽ hướng sang làm truyền thông ở nhiều tổ chức khác nhau tại Việt Nam.

  • Vậy đâu là điều giúp chị Amelie - một nhà khoa học, có thể đảm nhiệm tốt công việc truyền thông?

  • Và công việc làm Truyền thông tại tổ chức phi lợi nhuận trông như thế nào?

Mời bạn cùng theo dõi phần phỏng vấn trao đổi với chị Amélie - Hiện đang là Quản lý truyền thông cho tổ chức AIP Foundation (thành lập từ năm 1999) với sứ mệnh phòng chống thương vong xảy ra khi tham gia giao thông đường bộ qua việc phổ cập kiến thức và kỹ năng về an toàn giao thông bền vững cho mọi người, để cùng tìm câu trả lời nhé.

Amélie - Tiến sĩ khoa học “nên duyên" với công việc Truyền Thông tại tổ chức phi lợi nhuận
Amélie - Tiến sĩ khoa học “nên duyên" với công việc Truyền Thông tại tổ chức phi lợi nhuận

Đầu tiên, chị có thể chia sẻ mình đã “nên duyên” với công việc này như thế nào?

Dù làm công việc về truyền thông không phải là thứ chị tính trước, nhưng có sự kết nối sâu sắc với những gì rất tự nhiên trong con người chị. Chị yêu thích việc giao tiếp và kết nối với mọi người, thích lắng nghe và truyền tải thông điệp qua ngôn ngữ nói, viết và hình ảnh, bên cạnh những suy nghĩ có phần sáng tạo nữa. Do đó, chị nghĩ yếu tố đầu tiên giúp chị đảm nhận được công việc này là bản thân có những tố chất phù hợp. Xác định được chúng là bước đầu tiên giúp bạn theo đuổi công việc này dễ dàng hơn.

Amélie - Tiến sĩ khoa học
Amélie - Tiến sĩ khoa học

Trước đây, khi còn ở Pháp, chị dành tới 13 năm làm việc tại các phòng nghiên cứu trong các trường đại học về sinh học, dược phẩm. Trong thời gian này, chị tham gia một khóa học về Khoa học - Công nghệ & Xã hội, nơi chị tiếp cận về vai trò Điều phối - Hoà giải và Giao tiếp. Đây chính là nguồn cảm hứng khiến chị muốn thử làm về Truyền thông để ứng dụng những gì đã học được trong thực tế. Chị nghỉ việc tại phòng thí nghiệm và tới Việt Nam để tìm cho mình không gian mới.

Tại đây, chị bắt đầu bằng công việc quản lý truyền thông cho AsiaMotions, trước khi tiếp tục với nhiều dự án như Copywriting for Good, quản lý cho bản tin Wander & Wonder về văn hoá và sự kiện nghệ thuật. Chị cũng học thêm các khóa học viết chuyên nghiệp từ Trường London School of Journalism, hay đóng góp nội dung cho Petit Journal Saigoneer. Và “nên duyên" với AIP Foundation ở thời điểm hiện tại.

Công việc hiện nay giúp thể hiện rõ khía cạnh “xã hội” trong con người chị: muốn thông qua giao tiếp, truyền thông để đạt được sự thấu hiểu, hợp tác và thay đổi vì những lợi ích chung.

Chị có nghĩ những kinh nghiệm có được khi còn là một tiến sĩ khoa học đang giúp chị làm tốt công việc hiện tại?

Chị cho rằng chính nền tảng là một tiến sĩ Sinh học giúp chị có tư duy sáng tạo để có góc nhìn toàn cảnh hơn; hay tư duy phản biện khi tìm kiếm, phân loại và chọn lọc thông tin; cùng với khả năng tư duy logic để nghiên cứu và triển khai hoạt động một cách có phương pháp.

Nền tảng về khoa học cũng cực kì hữu dụng khi giúp chị hiểu được kiến thức đặc thù về kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn đường bộ mà tổ chức chị đang làm. Giao tiếp, trao đổi thông tin không chỉ là viết tốt, mà còn phải có chiến lược để truyền tải thông tin. Và để làm được điều đó, bạn cần dựa vào cách tư duy logic và khả năng quản lý dự án của mình.

Cuối cùng, ngay cả khi một số người vẫn nghĩ rằng khoa học thật khô khan và không có đất cho trí tưởng tượng, thì bạn đã nhầm. Sự sáng tạo mà chị đang có được chính là được rèn luyện từ môi trường đó, bạn luôn phải linh hoạt tìm kiếm giải pháp và sẵn sàng cho các thử nghiệm mới để giải quyết vấn đề mình mong muốn.

Hình ảnh: Chị Amélie trong một sự kiện (thứ 2 từ phải sang)
Hình ảnh: Chị Amélie trong một sự kiện (thứ 2 từ phải sang)

Chị có thể mô tả về vai trò của các vị trí trong bộ phận Truyền thông của tổ chức hiện tại không?

Trước hết, cần hiểu làm Truyền thông cho tổ chức phi lợi nhuận là làm gì. Hiểu đơn giản nhất, truyền thông là truyền tải nội dung và thông điệp qua những hình thức sáng tạo và phù hợp tới đối tượng mục tiêu nhằm:

  • Xây dựng hình ảnh và nhận thức tích cực cho tổ chức bên trong lẫn bên ngoài

  • Thúc đẩy các bên liên quan hành động;

  • Gây quỹ;

  • Vận động chính sách.

“Truyền thông tạo ảnh hưởng lên nhận thức của các bên liên quan về vấn đề hay nội dung bạn muốn truyền tải”

Ngày càng nhiều tổ chức quan tâm đến vai trò quan trọng của truyền thông, và công việc truyền thông tại tổ chức phi lợi nhuận cũng không khác biệt nhiều so với các lĩnh vực khác.

Về mô tả cụ thể công việc hiện tại của mình thì chị sẽ đặt nó trong tương quan so sánh với vị trí khác nữa để các bạn có sự hình dung:


Vị trí

Quản lý

truyền thông


Nhân viên

truyền thông


Nhân viên

thiết kế


Thực tập sinh truyền thông

Vai trò

Phát triển, xây dựng chiến lược và ý tưởng Quản lý đội nhóm thực hiện dự án Đảm bảo sự nhất quán về hình ảnh tổ chức trong các hoạt động/ tài liệu truyền thông Kiểm tra và đảm bảo chất lượng của các ấn phẩm truyền thông

Làm việc trực tiếp với các phòng ban đối tác Thực hiện các chiến dịch truyền thông số Thực hiện sản xuất các ấn phẩm truyền thông như Thông cáo báo chí, nội dung mạng xã hội, …

Thiết kế hình ảnh, bộ nhận diện cho các chương trình. Đảm bảo thiết kế và hình ảnh tuân thủ theo bộ nhận diện thương hiệu của tổ chức và các đối tác Thiết kế nhận diện thương hiệu mới cho tổ chức

Thực hiện nội dung newsletter nội bộ Tìm kiếm các ứng dụng và công cụ hỗ trợ số (digital tools) cho tổ chức Hỗ trợ đội nhóm trong nhiều công việc khác nhau

Kỹ năng

Quản lý dự án Quản lý nhân sự Tích hợp tầm nhìn của tổ chức vào các hoạt động cụ thể

Xây dựng và duy trì mối quan hệ Quản lý dự Kỹ năng viết

Thiết kế, tư duy về hình ảnh, bố cục, và tính thẩm mỹ

Quản lý dự án



Chị Amélie trong một hoạt động với học sinh.  Nguồn hình ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Amélie trong một hoạt động với học sinh. Nguồn hình ảnh: Nhân vật cung cấp

Với vai trò là quản lý truyền thông, chị đánh giá đâu là những kỹ năng quan trọng mà các bạn trẻ muốn thử nghiệm công việc này tại một tổ chức phi lợi nhuận nên biết?

Truyền thông sẽ cần những kỹ năng có phần đặc thù như dưới đây:

Kỹ năng lấy nguồn và phản biện khi tiếp nhận thông tin: Với sự xuất hiện và vai trò đang khó thay thế của mạng xã hội, ngày nay, thông tin xuất hiện khắp mọi nơi và chúng ta phải xử lý rất nhiều, đặc biệt là với công việc về Truyền thông. Vì vậy biết cách tìm kiếm, phân loại và kiểm chứng tính xác thực của thông tin là cực kỳ quan trọng. Nếu bỏ qua bước này, bạn đã bỏ qua rủi ro tiềm ẩn của việc sử dụng thông tin chưa qua kiểm chứng. Tư duy phản biện khi tiếp nhận thông tin vì thế là một kỹ năng quan trọng để có những nhận định ban đầu về thông tin đó. Đặc biệt, khi chủ đề có tính nhạy cảm, thì việc phản biện, kiểm chứng và đối chiếu thông tin lại càng quan trọng.

Truyền tải thông tin dễ hiểu và dễ tiếp cận cho nhiều đối tượng khác nhau. Đã có những trường hợp chị gặp phải những văn bản dài, nhưng đọc xong thì không rút ra được thông điệp hay thông tin hữu ích nào. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xác định rất rõ về mục đích của nội dung, đối tượng hướng tới và cách thức truyền tải thông tin để đạt được mục tiêu mong muốn. Không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn thông qua sự hiểu biết bài bản khi thiết kế những nội dung truyền thông.

Sự trung thực và minh bạch khi truyền tải thông tin ra bên ngoài. Lấy ví dụ về một công ty sản xuất các sản phẩm chưa hoàn toàn thân thiện với môi trường. Thì khi truyền thông, thay vì truyền thông tẩy xanh (greenwashing) nói hơn những gì mình đã làm được, hãy nêu rõ những cố gắng và lộ trình cải thiện sản phẩm ra sao. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin từ khách hàng, đối tác và công chúng tốt hơn.

Sự sáng tạo là một yếu tố không thể thiếu. Bạn có thể cùng lúc tham gia thiết kế hình ảnh; lên ý tưởng cho sự kiện; hoặc tạo ra nhiều cách tiếp cận cho cùng một nội dung để phù hợp hơn với các nền tảng. Do đó, sự sáng tạo và linh hoạt là rất cần thiết với người làm truyền thông.

Ngoài ra, về kiến thức, bạn cần trang bị kiến thức nền tảng về marketing, đặc biệt là về marketing trên nền tảng số, biết đọc số liệu và có thể đưa ra những kế hoạch, chiến lược phù hợp dựa trên những hiểu biết đó, là điều không thể thiếu khi muốn làm công việc này hiện nay.

Trước đây, chị có một sự phân biệt khá rạch ròi giữa truyền thông và marketing. Dù vậy, bây giờ lại xuất hiện thuật ngữ Marcom (marketing communications) nhằm ám chỉ những người làm truyền thông, đồng thời vẫn phải biết cách để tiếp thị nội dung đó một cách hiệu quả (nếu xem nội dung chính là sản phẩm của bạn). Vì thế, chị phải tiếp tục học hỏi nhiều hơn mỗi ngày.

“Nội dung hay chưa đủ, tiếp thị tới đúng đối tượngtác động đến hành động của họ là nhiệm vụ lớn của truyền thông ngày nay”

Một chương trình truyền thông về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho học sinh cấp 3 - Nguồn hình ảnh: Website AIP Foundation
Một chương trình truyền thông về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cho học sinh cấp 3 - Nguồn hình ảnh: Website AIP Foundation

Vậy đâu là cơ hội cũng như thách thức đối với công việc này tại một tổ chức phi lợi nhuận?

Về cơ hội:

Chị nghĩ khi đảm nhận vị trí này tại tổ chức phi lợi nhuận, bạn sẽ có cơ hội để thử nhiều thứ mới mẻ, và học hỏi từ những điều đó. Môi trường tại các tổ chức phi lợi nhuận cũng khá cởi mở để bạn có thể trực tiếp trao đổi với quản lý hay ngay cả CEO về các hoạt động, ý tưởng và sẽ nhận được những góp ý nhanh chóng.

Về khó khăn:

Có thể kể đến yếu tố khách quan như sự giới hạn trong nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình truyền thông lớn. Điều này có thể hiểu được khi các nhà tài trợ đóng góp cho tổ chức sẽ luôn muốn dùng chi phí đó cho việc thực hiện chương trình, tạo ra lợi ích trực tiếp cho người thụ hưởng hơn. Nhìn ở góc độ này, bạn có thể thấy bộ phận Truyền thông có thể đang chưa có được những nguồn lực như mong muốn. Dù vậy, chị sẽ luôn nhìn ở lăng kính tích cực, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính các mối quan hệ xung quanh để triển khai chiến dịch truyền thông một cách tối ưu nhất. Để làm được điều đó, bạn cần sự kiên nhẫn, kiên trì để vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Làm ở tổ chức phi lợi nhuận hay doanh nghiệp thì đều có những thuận lợi và khó khăn rất riêng. Tuy nhiên, làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận giúp bạn nhận thức rõ hơn về vai trò xã hội của mình, nhất là khi bạn mong muốn tạo ra thay đổi trực tiếp thông qua việc phát huy năng lực vốn có và chuyên môn của mình.

Chị hy vọng, các bạn sẽ tìm được cho mình câu trả lời và cho mình cơ hội dấn thân vào con đường tạo tác động xã hội ngay hôm nay. Và biết đâu đấy, bạn có thể tìm được cho mình tiếng gọi từ chính trái tim.

 Nguồn hình ảnh: Website AIP Foundation
Nguồn hình ảnh: Website AIP Foundation

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ.


Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" của Dear Our Community, tập trung phỏng vấn những người thực hành trong lĩnh vực Tác động xã hội đầu tiên tại Việt Nam. Series “Mở Đường Dẫn Lối" được đồng hành bởi ngân hàng Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.


(Còn tiếp - Cách triển khai một chiến dịch truyền thông & Xử lý sự cố truyền thông trong thực tế như thế nào?)

Làm sao để đọc tiếp về chủ đề & trao đổi sâu hơn với chị Amelie:

Cách 1: Tiếp tục theo dõi series video phỏng vấn những anh chị thực hành lâu năm trong lĩnh vực tạo tác động xã hội tại Mở đường dẫn lối ngay hôm nay. Cách 2: (quan trọng lắm nè): Nhấn theo dõi Dear Our Community để cập nhật thông tin những khoá học mới nhất, bao gồm cả khóa học về công việc Truyền thông được thiết kế bởi Dear Our Community và những chuyên gia trong ngành.


​Chị Amélie Huynh Le Maux hiện đang là Quản lý bộ phận Truyền thông của tổ chức phi lợi nhuận AIP Foundation với vai trò thiết kế và mang đến các hoạt động truyền thông sáng tạo cho tổ chức. Chị đam mê nghiên cứu về thành phố thông minh và cách nghệ thuật công cộng - đặc biệt là nghệ thuật đường phố - có thể trở thành một phương tiện để cải thiện phúc lợi đô thị. Tìm hiểu thêm về chị Amélie tại đây.


AIP Foundation được thành lập năm 1999, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ tại Châu Á với nhiều chương trình tạo tác động tích cực tại 33 quốc gia. Trong suốt 24 năm hoạt động, AIP Foundation đã hợp tác với nhiều chính phủ, tập đoàn và tổ chức để thực hiện các biện pháp can thiệp cứu sống và bảo vệ những người dễ bị tổn thương do tai nạn giao thông. AIP Foundation cũng đã thiết lập nhiều quan hệ đối tác có giá trị, nhận được nhiều giải thưởng và giúp nhiều người tự bảo vệ mình thông qua các sáng kiến và hoạt động của mình. Năm 2022, tổ chức đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của 9.025.536 thanh niên dễ bị tổn thương, phụ huynh, giáo viên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, v.v. Tìm hiểu thêm về tổ AIP Foundation tại đây.


Viết bài: Trang Vũ

Biên tập: Dear Our Community


0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page