Để phòng chống xâm hại tình dục không chỉ là thông điệp - Dự án Chấm Bi Đỏ
Khi chia sẻ về chủ đề mà dự án Chấm Bi Đỏ đang hướng tới - Phòng chống xâm hại tình dục - không khó để nhận ra rằng đây vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm, ít khi được nhắc tới trong các nội dung giáo dục phổ thông và trong gia đình. Chính vì việc tránh đề cập hay thảo luận, nhiều trẻ em, người vị thành niên hoặc cả người đã trưởng thành có thể không nhận ra đâu là những hành vi mang yếu tố xâm hại; đồng thời, cũng sẽ không biết cách tự bảo vệ mình hay lên tiếng khi cần thiết.
Vậy làm cách nào để người trẻ hôm nay có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này, và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, mời bạn cùng lắng nghe phần trò chuyện với bạn Huỳnh Ngọc Tường Vân (sinh năm 2002) - hiện đang điều hành dự án Chấm Bi Đỏ để cùng có câu trả lời nhé.
Bài viết nằm trong chuỗi bài phỏng vấn Những dự án xã hội ấn tượng bởi Gen Z do Dear Our Community khởi xướng.
Như đề cập ở trên, xâm hại tình dục vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm trong cộng đồng, vậy thì lý do nào thôi thúc bạn “nên duyên" với Chấm Bi Đỏ?
Trước hết, mình xin chia sẻ qua một chút về Chấm Bi Đỏ để các bạn có sự hình dung. Dự án có tuổi đời còn khá trẻ, thành lập năm 2021 với hình ảnh những chấm bi - đại diện cho tiếng nói và sự lan tỏa trong cộng đồng về vấn đề còn khá nhức nhối này. Dự án theo đuổi sứ mệnh góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về chủ đề Phòng chống xâm hại tình dục. Thông qua việc cung cấp những nội dung về Giáo dục giới tính, và các kiến thức, thông tin về chủ đề Phòng chống xâm hại tình dục, dự án hy vọng có thể giúp các bạn trẻ tự bảo vệ bản thân, và sẵn sàng lên tiếng khi cần.
Đối với cá nhân, từ trước đến giờ, mình khá quan tâm đến các vấn đề xã hội. Khi bắt đầu trở thành sinh viên, có nhiều cơ hội tìm hiểu về các dự án cộng đồng để tham gia, mình biết đến Chấm Bi Đỏ, và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về vấn đề mà dự án đang hướng tới giải quyết.
Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020, phát hiện 1.945 vụ xâm hại 2008 trẻ em, trong đó 1.506 bị xâm hại về tình dục (chiếm tới 70% tổng số vụ được phát hiện); 97% số vụ bị phát hiện đối tượng đều có quen biết với nạn nhân, và gia đình của nạn nhân; để lại hậu quả nặng nề cho người bị hại. Đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng, khi ở nhiều nơi, trẻ em, trẻ vị thành niên còn ít được bảo vệ.
Do đó, mình cũng nhận thấy, giáo dục trong gia đình về chủ đề trên là rất quan trọng. Thông qua việc truyền thông cho chính đối tượng trực tiếp - các bạn học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 16-25, dự án mong muốn có thể gián tiếp lan tỏa tới chính gia đình của các bạn về vấn đề trên. Mỗi bạn trẻ tiếp cận thông tin từ Chấm Bi Đỏ có thể hoàn toàn là một đại sứ thông tin, truyền đi những thông điệp tích cực, những thông tin đúng đắn, để giúp cộng đồng nâng cao sự hiểu biết và đẩy lùi những hành vi không phù hợp và vi phạm pháp luật kia. Chính vì rất ấn tượng với mục tiêu cao đẹp ấy của dự án mà mình đã quyết định tham gia Chấm Bi Đỏ. Hiện tại, mình đang là Phó Ban tổ chức của dự án.
Hình thức hoạt động chính của dự án là truyền thông trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, vì đây là nơi tập hợp đông đảo nhất đối tượng mà tụi mình đang hướng tới. Các hoạt động có tương tác cao nhất hiện tại là những dạng nội dung kể chuyện (storytelling) và những hội thảo (workshop) được tổ chức trực tuyến tại Fanpage của Chấm Bi Đỏ, thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Sau 2 năm thành lập và hoạt động, Fanpage hiện có tới hơn 27,000 lượt thích và theo dõi nội dung. Đây là một trong những thành công nho nhỏ, khích lệ tụi mình tiếp tục triển khai dự án trong các năm sau.
Bạn và dự án có gặp phải những khó khăn nào khi thực hiện hoạt động truyền thông về chủ đề trên?
Tất nhiên là rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến việc khi chọn Facebook là nơi để truyền tải thông tin, nội dung của tụi mình phải đi qua “bộ lọc" của Facebook, và đôi khi những từ ngữ nhạy cảm sẽ bị chặn ngay. Do đó, tụi mình phải suy nghĩ rất cẩn thận mỗi khi đăng tải nội dung nào đó. Tất cả thành viên khi đã tham gia vào dự án thì đều cùng chung một suy nghĩ: Nếu vì nhạy cảm mà giữ im lặng, thì các nạn nhân sẽ cảm thấy sợ hãi và kẻ ác cứ thể lấn tới. Do đó, tụi mình sẽ tìm những cách phù hợp và tinh tế nhất để truyền tải nội dung, nhằm thay đổi nhận thức về xâm hại tình dục và giúp các bạn đã từng bị xâm hại có thể cởi mở để lên tiếng nhiều hơn.
Ngoài ra, khi làm về chủ đề này, nhóm cũng phải tự tìm hiểu và học hỏi thêm rất nhiều. Quấy rối hay xâm hại là những phạm trù rộng và bao hàm nhiều hành vi, hình thức khác nhau. Ví dụ như quấy rối thì có thể bằng lời nói, không bằng lời nói, hoặc bằng sự đụng chạm thể chất. Quấy rối trên mạng internet cũng trở nên phổ biến hơn, điển hình là những bình luận khiếm nhã hướng tới một đối tượng yếu thế. Xâm hại tình dục là mức độ nghiêm trọng nhất. Do đó, nhóm luôn cố gắng trau dồi thêm và tự “training” (tập huấn) thêm đội nhóm của mình mỗi ngày để đảm bảo thông tin cung cấp mang tính chính xác cao, và những nội dung truyền thông thực sự phù hợp.
Vân nghĩ sao về câu nói "Không có lửa làm sao có khói", hay còn gọi là "đổ lỗi cho nạn nhân" (victim blaming)", bạn có nghĩ đây cũng là một rào cản trong nhận thức của một bộ phận cộng đồng khi nhìn nhận về vấn đề trên. Và Chấm Bi Đỏ đã làm gì để thay đổi suy nghĩ đó?
Thay vì tập trung lên án hành vi sai lệch, nhiều người thường có xu hướng đổ lỗi cho người yếu thế vì họ dễ bị bắt nạt và ít có khả năng phản kháng hơn. Trong các vụ bạo hành, xâm hại…, người ta mới quy kết là nạn nhân ăn mặc thiếu đứng đắn nên mới khiến thủ phạm nảy sinh ý đồ xấu,… Điều này một mặt khiến nạn nhân phải chịu những định kiến vô lý, gánh nặng tâm lý không đáng có, mặt khác khiến những người lâm vào tình cảnh tương tự không dám lên tiếng tố cáo, không đủ dũng khí đối diện với dư luận và tội phạm. Do đó, thay vì ngăn ngừa tội ác, việc đổ lỗi cho nạn nhân lại tạo điều kiện cho cái ác xảy ra nhiều hơn.
Đây cũng là điều mà tụi mình lo lắng xảy ra với các nạn nhân. Mọi mũi dao đều chĩa vào họ, trong khi hung thủ mới là kẻ cần phải lên án. Chấm Bi Đỏ, vì thế, mong muốn thay đổi nhận thức của cộng đồng chính bằng cách lên tiếng mạnh mẽ và thường xuyên hơn, dù điều này không phải một sớm một chiều. Điều này lại khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của giáo dục trong gia đình về các vấn đề nêu trên.
Từ góc nhìn cá nhân, Vân nghĩ các bạn trẻ hiện nay có quan tâm đến vấn đề xã hội không? Và theo bạn, tham gia các dự án xã hội có mang lại nhiều lợi ích cho các bạn trẻ không?
Theo quan sát của mình thì vẫn còn khá ít các bạn trẻ quan tâm và có mong muốn góp phần giải quyết vấn đề xã hội trong khả năng của mình. Nếu chỉ đọc tin tức mỗi ngày thì mình nghĩ chưa đủ. Bạn quan tâm là khi bạn thể hiện qua những hành động cụ thể, với sự nghiêm túc và nhận thức sâu về vai trò của bản thân cũng như về vấn đề mình muốn tham gia giải quyết.
Tất nhiên, tùy theo ưu tiên của mỗi bạn vào từng giai đoạn cụ thể để quyết định xem có nên tham gia vào một dự án nào đó không, nhưng với mình, việc tham gia dự án xã hội như Chấm Bi Đỏ khi còn là sinh viên đã giúp mình lớn lên rất nhiều, bên cạnh việc học chính khoá. Không chỉ về lượng kiến thức về chủ đề mà mình đọc và xử lý mỗi ngày, mà còn là khoảng thời gian để mình trau dồi thêm nhiều kỹ năng mà trước đây còn khá yếu như nói chuyện trước công chúng, kỹ năng trình bày, thuyết trình, mình cởi mở hơn nhiều so với trước đây, vì thế, mình cũng trở nên mạnh dạn hơn, gặp gỡ nhiều người hơn và học hỏi từ họ.
Khi thực hiện dự án, mình rèn được kỹ năng làm việc đội nhóm, tư duy phản biện và cả cách để nghiên cứu thị trường, đối tượng mục tiêu. Ngoài ra, việc làm dự án cũng giúp mình tích lũy nhiều trải nghiệm thực tế, giúp mình trở nên linh hoạt hơn, biết việc mình cần làm và có góc nhìn tổng quát hơn về sự việc.
Do đó, mình nghĩ, một khi đã xác định quan tâm về một vấn đề cụ thể, và bắt tay vào làm, thì hãy làm thật nghiêm túc và có trách nhiệm. Rất nhiều dự án hoạt động ngắn hạn, không chất lượng, và dù có trình bày những ý tưởng cao đẹp, nhưng trong thực tế bạn đã không thể tạo ra những giá trị thực nào. Đó là một sự lãng phí.
Trong các năm tới, Chấm Bi Đỏ có kế hoạch phát triển như thế nào?
Nhóm mong muốn xây dựng nhiều sự kiện trực tiếp (offline) ở thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo ra những giá trị thiết thực hơn. Chấm Bi Đỏ đang kết nối với One Body Village (OBV), một tổ chức giải cứu, nuôi dưỡng và hỗ trợ xây dựng tương lai cho những trẻ em là nạn nhân hoặc có nguy cơ là nạn nhân của xâm hại, khai thác tình dục. Trong năm nay, nhóm sẽ tổ chức cuộc thi vẽ, bán tranh, bán áo lưu niệm để gây quỹ cho các em ở OBV.
Để làm được những điều này, nhóm cũng đang nỗ lực hoàn thiện về bộ máy. Về cơ bản, dự án có các phòng ban như Truyền thông, Xây dựng nội dung, Đối ngoại và Ban điều hành. Các thành viên làm việc trao đổi và chủ yếu học hỏi lẫn nhau. Dù vậy, tụi mình cũng nhận thấy nếu có sự hướng dẫn và kiến thức bài bản cho từng bộ phận, đặc biệt cho bộ phận Xây dựng nội dung/chương trình, và có thể là cả về Gây quỹ sau này nữa, thì có thể tụi mình sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tận dụng được nhiều nguồn lực và có khả năng mở rộng hơn.
Về mặt cộng đồng, tụi mình rất hy vọng, dự án sẽ có nhiều thêm những chấm bi cùng đồng hành với Chấm Bi Đỏ để lan tỏa những nội dung tích cực, góp phần giảm thiểu những trường hợp không đáng có xảy ra. Bằng những hoạt động bền bỉ hôm nay, tụi mình tin có thể góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực mà có thể đo đếm được trong tương lai.
Cảm ơn Vân vì buổi trò chuyện hôm nay.
Những dự án xã hội ấn tượng bởi Gen Z là tuyến nội dung nhằm giới thiệu những cá nhân và những dự án xã hội mới do các bạn trẻ thực hiện, nhằm mục đích truyền cảm hứng, khơi gợi sự quan tâm và đóng góp giải pháp từ các bạn trẻ. Tuyến bài nằm trong series “Mở đường dẫn lối" do Dear Our Community khởi xướng. Bạn có tò mò về cách xây dựng chương trình thành công cho dự án của mình? Hãy Theo dõi Dear Our Community để cập nhật nhanh chóng về những khóa học sắp sửa ra mắt về Xây dựng chương trình, Gây quỹ và Truyền thông bạn nhé. |
留言