top of page

Nghề tạo tác động xã hội là nghề gì?

Có một xu hướng gọi là tạo tác động xã hội đã tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho các công việc liên quan tới xu hướng này. Vậy công việc tạo tác động xã hội cụ thể là những công việc gì?


Nghề tạo tác động xã hôi
Nguồn: internet

Công việc tác động xã hội sinh ra từ xu hướng


Quay lại về định nghĩa tạo tác động xã hội: hàm ý bất cứ thay đổi đáng kể hay tích cực nào nhằm giải quyết những bất công hoặc thách thức xã hội. Công việc tạo tác động xã hội vì thế là những hoạt động cụ thể, trực tiếp mà cá nhân, tổ chức thực hiện để đạt được những mục tiêu về tác động xã hội đã đề ra: tạo ra tác động tích cực lên cá nhân, cộng đồng, môi trường hay ở những phạm vi rộng lớn hơn như quốc gia hay hệ sinh thái, hành tinh.


Công việc này vì thế không bị giới hạn trong bất cứ lĩnh vực, ngành nghề cũng như khu vực hoạt động. Bạn có thể làm việc trong lĩnh vực giáo dục, năng lượng, y tế, môi trường, học thuật; bạn có thể làm việc cho chính phủ, doanh nghiệp hay các tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, làm một công việc tạo tác động xã hội thường được cho là sẽ xuất phát từ những động lực lớn lao. Động lực xã hội và động lực cá nhân là 2 điều quan trọng mà bạn có thể cần chú ý. Mối quan tâm về các vấn đề xã hội đủ lớn đi kèm với những giá trị cốt lõi nội tại sẽ giúp những bạn trẻ bước đi trên con đường này vững chãi và lâu dài hơn.


Do đó, tuỳ thuộc vào định nghĩa “tác động xã hội” của mỗi cá nhân (phần lớn sẽ đến từ những trải nghiệm được đúc kết qua thời gian cùng mối quan tâm rất cá nhân) mà sự lựa chọn công việc hay phát triển sự nghiệp cũng sẽ rất khác nhau trong xu hướng này.


Trong khuôn khổ bài viết này, Dear Our Community xin giới thiệu tới bạn đọc một số công việc được xem là hình thành trong xu hướng trên.


Phát triển bền vững là một trong những xu hướng tạo tác động xã hội
Nguồn: Internet

Các công việc tác động xã hội về bền vững và phát triển bền vững

Có nhiều góc nhìn về định nghĩa “bền vững” và các công việc liên quan. Tuy nhiên, ngày nay, do các vấn đề môi trường và xã hội đang là những thách thức lớn, thuật ngữ này được ngày càng được sử dụng một cách cụ thể hơn. “Bền vững” theo góc độ này được định nghĩa là các quá trình và hành động mà con người thực hiện để thông qua đó có thể tránh được sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên, nhằm giữ cân bằng sinh thái mà không làm giảm đi chất lượng cuộc sống của xã hội hiện đại.



Theo định nghĩa này thì các công việc về bền vững sẽ hướng đến tạo ra những sự cải tiến trong các công việc liên quan tới khai thác tài nguyên, quản lý hoạt động sản xuất sao cho bền vững, tác động vào quá trình tiêu thụ sản phẩm, lối sống của con người, … để hướng tới mục đích trên.


Công việc này có một số tên gọi mô tả về chức năng như: Cán bộ chương trình bền vững, Quản lý bền vững, kỹ sư môi trường, chuyên viên về phân tích số liệu bền vững, chuyên viên truyền thông,…

Nhiệm vụ điển hình của một người làm về bền vững là:

  • Phát triển và triển khai những dự án về bền vững theo lĩnh vực cụ thể của doanh nghiệp/ tổ chức đó.

  • Phát triển những sáng kiến, mục tiêu liên quan tới phát triển bền vững.

  • Đo lường và đánh giá hiệu quả dự án cũng như những tác động mang lại từ các dự án bền vững.

  • Tích hợp các nội dung về bền vững vào các chương trình để truyền thông tới người tiêu dùng,…


Các công việc tác động xã hội về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR - Corporate social responsibility)

Theo một nghiên cứu, người ta thấy có tới 37 định nghĩa khác nhau về CSR. Nhưng nhìn chung, CSR được hiểu là những quyết định, hoạt động của tổ chức thể hiện trách nhiệm của họ với với xã hội & môi trường thông qua các hành vi đạo đức, tính minh bạch hướng tới sự phát triển bền vững và phúc lợi chung của xã hội.


Tại Việt Nam, mô hình kim tự tháp về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của Giáo sư Archie B. Carroll, Đại học Georgia năm 1991 thường được áp dụng phổ biến để xây dựng các chiến lược hay hoạt động CSR tại doanh nghiệp. Theo đó, mô hình gợi ý rằng doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội ở bốn khía cạnh bao gồm: kinh tế, pháp lý, đạo đức và thiện nguyện.

trách nhiệm xã hội doanh nghiệp - CSR
Nguồn: Internet

Tuỳ thuộc vào lĩnh vực hoạt động và định hướng của doanh nghiệp, mà công việc CSR cũng có sự khác biệt ở các doanh nghiệp khác nhau. Nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các nhiệm vụ như:

  • Phát triển và thực thi các chương trình CSR và đánh giá tính hiệu quả sau chương trình.

  • Phát triển, xây dựng các quy định, chính sách liên quan tới trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm về phát triển bền vững và môi trường cho công ty.

  • Nâng cao nhận thức của cộng đồng về các cam kết trách nhiệm xã hội của công ty thông qua các chương trình truyền thông, tiếp thị.

  • Đảm bảo công ty có tác động tích cực đến cộng đồng địa phương, môi trường.

  • Khuyến khích các sáng kiến về cộng đồng trong nhân viên của doanh nghiệp.

  • Quản lý ngân sách để mang lại kết quả phù hợp với các mục tiêu đã hoạch định.


Công việc này đòi hỏi sự hiểu biết rộng ở nhiều góc độ như đạo đức, kinh doanh, marketing, môi trường, cùng các kĩ năng như: khả năng tạo được ảnh hưởng tới người khác, giao tiếp, xây dựng mối quan hệ hợp tác, lắng nghe, quản lý dự án, đánh giá & đo lường.


Công việc tại các tổ chức phi lợi nhuận

Đây là một trong những lĩnh vực được gợi nhớ ngay khi nhắc tới các công việc về tạo tác động xã hội, khi mục đích của họ là phi lợi nhuận và hướng tới các giải pháp bền vững. Các tổ chức phi lợi nhuận rất đa dạng, có mặt trong nhiều lĩnh vực từ giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, động vật hoang dã,… đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội-kinh tế-môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp tới một cộng đồng, hay một quốc gia cụ thể. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng hơn 7000 tổ chức phi lợi nhuận đã đăng ký hoạt động theo Tạp chí khoa học công nghệ (2021).

Đối tượng thụ hưởng mà các tổ chức này hướng đến thường là các cá nhân, cộng đồng yếu thế trong xã hội, có nhu cầu đặc biệt mà có thể nhà nước sẽ không quan tâm hết được. Ví dụ, các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không tiếp cận được các nguồn vốn có tính linh hoạt cao để hỗ trợ làm sản xuất. Các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực này sẽ tiếp cận và hỗ trợ họ (Trích dẫn từ Chương trình Quỹ cộng đồng Rút ngắn khoảng cách của Trung Tâm LIN) 
hỗ trợ dân tộc thiểu số
Nguồn: Internet

Công việc trong lĩnh vực này thực ra cũng không quá khác biệt so với các ngành khác: bao gồm chức năng vận hành hoạt động như kế toán, quản lý dự án, truyền thông, nhân sự và chức năng chuyên môn (sẽ mang tính đặc thù tuỳ lĩnh vực mà tổ chức đó đang hoạt động), ví dụ như: chuyên viên công tác xã hội, quản lý môi trường, lâm nghiệp, chuyên môn về động vật hoang dã, …


Ngoài ra, một số vị trí quan trọng khác mà bạn có thể quan tâm trong các tổ chức này đó là: cán bộ chương trình, cán bộ gây quỹ & xây dựng quan hệ đối tác, cán bộ đánh giá & quản lý chất lượng chương trình. Các công việc này sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc thù hơn.


Nguồn tham khảo:
0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page