top of page
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

Có một xu hướng gọi là tạo tác động xã hội?

Tác động xã hội là gì? Vì sao chúng ta cần tạo tác động xã hội? Vì sao những mục tiêu phát triển hướng đến tạo tác động xã hội dù nghe vĩ mô nhưng lại liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi cá nhân chúng ta? Mời bạn cùng đọc bài viết sau.


Cội nguồn của từ khóa “tác động xã hội"

Cội nguồn của từ khóa “tác động xã hội"
Nguồn ảnh: Internet

Thuật ngữ “Tác động xã hội" (social impact) được cho là lần đầu tiên được sử dụng tại một hội thảo về trách nhiệm đạo đức của các nhà đầu tư diễn ra tại trường Đại học Yale năm 1969 - nơi các lãnh đạo của hội thảo trao đổi và cân nhắc về khía cạnh xã hội và môi trường từ các hoạt động đầu tư, bên cạnh lợi nhuận thu được. Tuy nhiên, lúc này thuật ngữ vẫn mang ý nghĩa là những tác động có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên xã hội và môi trường.


Khái niệm này tiếp tục được quan tâm và trở thành 1 xu hướng chủ đạo mang ý nghĩa tích cực hơn khi hàm ý những hành động tạo ra tác động tốt cho xã hội từ năm 1972 nhờ công lớn của Bill Drayton. Doanh nhân này được vinh danh là 1 trong 25 người lãnh đạo xuất chúng nước mỹ năm 2005, cha đẻ của thuật ngữ “doanh nhân xã hội" (social entrepreneur) và bản thân ông cũng đã theo đuổi tạo tác động xã hội thông qua các hoạt động kinh doanh hay thành lập các quỹ từ thiện trong suốt cuộc đời mình.


Bước sang thế kỷ 21, “tác động xã hội” đã được ghi nhận và báo cáo bởi một số lượng lớn các công ty, doanh nghiệp về nỗ lực của họ trong việc giải quyết những vấn đề mà trước đây chỉ do chính phủ thực hiện như điều kiện làm việc cho lao động, bình đẳng giới hay các vấn đề về môi trường. Qua thời gian, sự quan tâm dành cho “tác động xã hội" đã chuyển từ việc làm sao để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực sang việc tạo ra nhiều tác động tích cực hơn. Cộng đồng doanh nghiệp ở quy mô lớn hơn (đặc biệt với sự ra đời phương pháp tiếp cận “Tạo Giá Trị Chung" - Creating Shared Values - CSV của Michael Porter) đã bắt đầu đề cập nhiều hơn về các giá trị xã hội tích cực, hướng tới cộng đồng địa phương, nhân viên hay môi trường được tạo ra từ chính các hoạt động của doanh nghiệp đó.


Vậy Tác động xã hội là gì?


Có nhiều định nghĩa về tác động xã hội, tuy nhiên, về bản chất, hàm ý bất kỳ thay đổi đáng kể hay tích cực nào nhằm giải quyết những bất công hoặc thách thức của xã hội.


Tác động xã hội có thể được tạo ra từ các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Khu vực công, tư, hay các tổ chức phi lợi nhuận đều có thể đóng góp và tạo ra được tác động xã hội theo một cách riêng và với vai trò khác nhau. Các doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể đạt được những mục tiêu này thông qua những nỗ lực có chủ ý trong quá trình hoạt động của mình, nói cách khác, tác động xã hội sẽ là một trong những yếu tố hay giá trị được thể hiện trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, tổ chức đó.


Vì sao tác động xã hội được quan tâm mạnh mẽ?


Trên thế giới, vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, từ khoá này đã được tìm kiếm một cách đặc biệt. Theo công cụ phân tích của Google, mối quan tâm về tác động xã hội đã tăng liên tục từ năm 2008, và đạt đỉnh điểm năm 2019. Lợi nhuận tài chính không còn được xem là tất cả. Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy mong muốn, nói cách khác là sức ép của xã hội, cụ thể hơn là người tiêu dùng lên doanh nghiệp, buộc họ phải cam kết nhiều hơn về các tác động cụ thể phi lợi nhuận và bền vững hơn.

Sự thay đổi kỳ vọng của thế hệ millennials (Gen Y) khi lựa chọn công ty để gắn kết, cũng như sự thay đổi về nhận thức tiêu dùng khi mà ⅓ người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường cho thấy xu hướng quan tâm mạnh mẽ về các tác động xã hội (cả tích cực và tiêu cực). (Theo The Global Sustainability Study 2021)

Vì sao tác động xã hội được quan tâm mạnh mẽ

Tại Việt Nam, xu hướng quan tâm về tạo tác động xã hội cũng không đi khác với xu thế chung của thế giới, dù có phần chậm hơn. Điều này phản ánh rõ về những áp lực, thách thức hiện hữu mà Việt Nam đang phải đối diện.


Theo Báo cáo Global Climate Risk Index công bố tháng 1/2021, Việt Nam là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Một báo cáo khác của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng những thách thức về môi trường ở Việt Nam thực sự lớn hơn rất nhiều so với những gì được ghi nhận. Theo số liệu trong vòng 10 năm qua, hơn 1,7 triệu lao động đã di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long vì thiếu đất canh tác do xâm nhập mặn (ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu), họ không có việc làm ổn định và tỉ lệ di cư này cao gấp 2 lần trung bình cả nước. Điều này cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác.


Đây được xem là một trong những thực tế khiến từ khóa “tạo tác động xã hội" ở Việt Nam được quan tâm mạnh mẽ gần đây. Đặc biệt là sau cam kết của Việt Nam tại hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.


Điều này buộc doanh nghiệp, nhà đầu tư, các quỹ, tổ chức phi lợi nhuận và cả chính phủ phải cân nhắc yếu tố tạo tác động xã hội trong các hoạt động, mục đích của mình, cũng như đưa vào chiến lược phát triển của công ty, tổ chức.


Những ví dụ điển hình tạo tác động xã hội


Ở cấp độ quốc gia ghi nhận nỗ lực của chính phủ trong việc hình thành khung thể chế toàn diện tạo điều kiện thuận lợi phát triển nền kinh tế tuần hoàn thay thế cho nền kinh tế tuyến tính đã tồn tại nhiều năm và đang cho thấy rất nhiều vấn đề, đặc biệt về môi trường.

ví dụ điển hình tạo tác động xã hội
Nguồn ảnh: Internet

Ở cấp độ doanh nghiệp, ngày càng nhiều đơn vị quan tâm và chú trọng vào xây dựng và tích hợp các tiêu chí phát triển bền vững ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) cho doanh nghiệp mình bên cạnh việc tạo sức hút đầu tư, còn nhằm giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, tạo được thiện cảm từ người tiêu dùng và thu hút nhân tài thông qua một phần lớn đến từ những tác động tích cực mà doanh nghiệp tạo ra cho cộng đồng, xã hội.

ví dụ điển hình tạo tác động xã hội
Nguồn ảnh: Internet

Đối với các tổ chức phi lợi nhuận, đa phần các hoạt động đều hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững SDGs của Liên Hợp Quốc. Rất nhiều các tổ chức, các sáng kiến từ cá nhân, cộng đồng đã và đang tạo ra những tác động xã hội tích cực.

17 mục tiêu phát triển bền vững bản tiếng việt của UN - Liện Hợp Quốc United Nation
Nguồn ảnh: Liên Hợp Quốc Việt Nam

Đơn cử như một số chương trình/ dự án dưới đây:

  • Chương trình DiF (Development Incubator Fellowship) được tài trợ bởi Oxfam cung cấp kiến thức nền tảng cho các cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề xã hội, phát triển cộng đồng, phát triển bền vững ở Việt Nam.

  • Common Good Alliance - Mạng lưới những nhà lãnh đạo các tổ chức phi lợi nhuận nhằm trao đổi chuyên môn, kỹ năng, kiến thức để hỗ trợ nhau làm tốt lĩnh vực của mình.

  • Mạng lưới Ung Thư Vú - Tổ chức phi lợi nhuận về nâng cao nhận thức của cộng đồng bệnh ung thư vú. Với nhiều chiến dịch truyền thông trong năm, như chiến dịch Ngày hội nón hồng sẽ diễn ra vào ngày 30/10 tới đây, tổ chức đã tạo ra được những tác động xã hội rất thực tế và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng.

Thuật ngữ “tác động xã hội” đã xuất hiện được 50 năm đi cùng với sự hiểu biết và ý thức rõ rệt về trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng và môi trường xung quanh mình. Đây sẽ là xu hướng không chỉ của những cấp độ tổ chức, mà sẽ trở thành xu hướng của mỗi cá nhân ngay từ hôm nay. Vậy bạn đã sẵn sàng hoà mình vào xu hướng này chưa?


Nguồn tham khảo:


0 bình luận

Xem nhiều

bottom of page