top of page
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

2023 có phải là “thời" của các công việc về tác động xã hội?

Quan sát và nhạy bén trong việc nắm bắt các xu hướng sẽ giúp bạn trẻ không bỏ lỡ các cơ hội công việc về tạo tác động xã hội trong năm nay.


Nếu năm 2022 được xem là năm mà từ khóa “tác động xã hội", “phát triển bền vững”, “kinh doanh tạo tác động", các sự kiện liên quan được diễn ra với tần suất lớn và được xem là năm bản lề tạo ra những trao đổi và định hướng tích cực hướng đến sự phát triển bền vững nói chung ở Việt Nam, thì 2023 hứa hẹn sẽ là một năm mà các công việc liên quan cụ thể sẽ bắt đầu được mở ra. Do đó, nhìn nhận những cơ hội đang tồn tại và cách nắm bắt chúng như thế nào trong năm nay là điều quan trọng giúp các bạn trẻ không bỏ lỡ xu hướng công việc này.

Hình ảnh: Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia với các hoạt động trồng rừng nhằm ứng phó lại quá trình biến đổi khí hậu. Chương trình được sự tham gia và hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp trong năm 2022 vừa qua
Hình ảnh: Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia với các hoạt động trồng rừng nhằm ứng phó lại quá trình biến đổi khí hậu. Chương trình được sự tham gia và hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp trong năm 2022 vừa qua

Hiểu đúng về “tác động xã hội”


Có nhiều định nghĩa về tác động xã hội, tuy nhiên, về bản chất, hàm ý bất kỳ thay đổi đáng kể hay tích cực nào nhằm giải quyết những bất công hoặc thách thức của xã hội.

Tác động xã hội có thể được tạo ra từ các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau. Khu vực công, tư, hay các tổ chức phi lợi nhuận đều có thể đóng góp và tạo ra được tác động xã hội theo một cách riêng và với vai trò khác nhau. Các doanh nghiệp hoặc tổ chức có thể đạt được những mục tiêu này thông qua những nỗ lực có chủ ý trong quá trình hoạt động của mình, nói cách khác, tác động xã hội sẽ là một trong những yếu tố hay giá trị được thể hiện trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, tổ chức đó.


Theo báo cáo của Deloitte, 86% thế hệ Y (Millennials) tin rằng các doanh nghiệp nên có tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố tới thị trường lao động, cũng như nhu cầu tuyển dụng nhân sự có chuyên môn, năng lực và định hướng rõ ràng trong việc tạo ra nhiều thay đổi tích cực và đáng kể hơn cho doanh nghiệp theo hướng bền vững.


Cơ hội nghề nghiệp “tạo tác động xã hội"


Đây là một lĩnh vực rộng lớn và có nhiều con đường nghề nghiệp khác nhau. Dưới đây là một nhóm công việc phổ biến nhất khi theo đuổi về “tạo tác động" mà bạn đã có thể bắt đầu tìm hiểu từ hôm nay:


1/ Làm việc cho các doanh nghiệp tạo tác động:

Các doanh nghiệp tạo tác động tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hoặc tổ chức mới nhằm giải quyết một vấn đề xã hội và tạo ra sự thay đổi tích cực. Theo Mạng lưới Đầu tư Tác động Toàn cầu (GIIN), thị trường đầu tư tác động đã vượt qua con số 1 nghìn tỷ USD trong năm 2022 vừa qua.


2/ Làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận:

Đây là một trong những lĩnh vực được gợi nhớ ngay khi nhắc tới các công việc về tạo tác động xã hội, khi mục đích của họ là phi lợi nhuận và hướng tới các giải pháp bền vững. Đối tượng thụ hưởng mà các tổ chức này hướng đến thường là các cá nhân, cộng đồng yếu thế trong xã hội, có nhu cầu đặc biệt mà có thể nhà nước sẽ không quan tâm hết được. Hiện nay ở Việt Nam có khoảng hơn 7000 tổ chức phi lợi nhuận đã đăng ký hoạt động theo Tạp chí khoa học công nghệ (2021).

Các công việc đặc thù thường thấy trong các tổ chức phi lợi nhuận là Quản lý chương trình, Gây quỹ & xây dựng mối quan hệ với đối tác; Truyền thông và Đo lường tác động (M&E). Và “nhu cầu tuyển dụng các bạn trẻ có năng lực và phù hợp vẫn rất cao”, theo chia sẻ của chị Võ Ngọc Tuyền - sáng lập Dear Our Community.

Dự án Nhà chống lũ - thực hiện bởi Tổ chức Sống Foundation. Hình ảnh: VTV
Dự án Nhà chống lũ - thực hiện bởi Tổ chức Sống Foundation. Hình ảnh: VTV

3/ Làm việc tại doanh nghiệp:

Tuỳ thuộc vào loại hình, lĩnh vực hoạt động và định hướng phát triển của công ty mà doanh nghiệp sẽ chọn làm CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp); CSV (tạo giá trị chia sẻ chung); ESG (làm về Môi trường - Xã hội - Quản trị) hay làm về Sustainability (Phát triển bền vững).

  • Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là công việc lên kế hoạch, triển khai và đo lường những tác động các hoạt động của doanh nghiệp nhằm thể hiện trách nhiệm của họ đối với xã hội, môi trường, qua đó thể hiện cam kết của doanh nghiệp hướng tới yếu tố bền vững bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Trong một báo cáo năm 2019, Forbes cũng chỉ ra có tới 62% thế hệ Z yêu thích các thương hiệu thể hiện tính bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của CSR đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

  • Creating Shared Value – Tạo ra các giá trị chia sẻ chung: là mô hình kinh doanh đồng thời tạo ra giá trị xã hội và giá trị kinh tế một cách bền vững với cả doanh nghiệp và cộng đồng. Nếu CSR được cho là được thúc đẩy từ các yếu tố bên ngoài thì CSV được tạo dựng từ bên trong doanh nghiệp, là tâm điểm của chiến lược kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. CSR thiên về trách nhiệm; CSV thiên về tạo ra giá trị và được xem là bước phát triển bao quát hơn CSR.

  • ESG là cụm từ viết tắt của E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Làm về ESG là làm sao phát triển bộ đo lường và tích hợp chúng vào các hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển bền vững trong dài hạn mà còn giúp thu hút đầu tư.

  • Sustainability - Bền vững: Tính bền vững mô tả việc tập trung đáp ứng nhu cầu của con người trong giai đoạn hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Khái niệm về tính bền vững bao gồm ba trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Chính vì thế đây được xem là một khái niệm báo trùm, và người làm lĩnh vực này đòi hỏi sự hiểu biết liên ngành, hiểu biết về xã hội, đồng thời hiểu về mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp mình đang sử dụng để xây dựng các chương trình, chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đưa ra nhiều sáng kiến, chương trình hành động nhằm thu gom, tái chế nhựa nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Đây là một trong nhiều nỗ lực thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, và đóng góp vào phát triển bền vững. Hình ảnh: internetv
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đưa ra nhiều sáng kiến, chương trình hành động nhằm thu gom, tái chế nhựa nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Đây là một trong nhiều nỗ lực thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, và đóng góp vào phát triển bền vững. Hình ảnh: internet

4/ Làm việc tại các quỹ đầu tư tác động:

Con đường sự nghiệp này liên quan đến việc đầu tư vào các công ty, tổ chức có tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Các nhà đầu tư tác động tìm cách tạo ra lợi nhuận tài chính song song với việc tạo tác động xã hội tích cực.


Nắm bắt cơ hội tại thị trường việc làm Việt Nam

Thị trường việc làm tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với nhiều cơ hội dành cho những bạn trẻ quan tâm đến sự nghiệp tạo ra tác động xã hội. Để nắm bắt những cơ hội này, điều quan trọng là phải hiểu rõ về các kỹ nănghiểu biết cần thiết để thành công trong từng con đường sự nghiệp. Ngoài ra, chủ động kết nối và xây dựng mối quan hệ với các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực bạn quan tâm từ sớm sẽ giúp bạn có nhiều lợi thế & giúp bạn tìm kiếm các cơ hội phù hợp.


Trong bối cảnh Việt Nam đang thể hiện mối quan tâm lớn tới các mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng các chương trình phát triển xung quanh các mục tiêu này, thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin tìm kiếm cho mình những cơ hội việc làm đóng góp nhiều hơn và tạo ra nhiều tác động hơn về cả xã hội, kinh tế và môi trường, hướng tới mục tiêu chung là Phát triển bền vững.

Tiếp tục theo dõi nội dung tại Dear Our Community sẽ giúp bạn có được những hiểu biết & kỹ năng để tạo dựng cho mình con đường sự nghiệp về tạo tác động xã hội. 
0 bình luận

Xem nhiều

bottom of page