Đứng trước tin giả và biến thông tin thành kiến thức
Với lượng tin giả, bịa đặt tràn lan trên mạng xã hội hiện nay và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt tạo ra nhiều hệ luỵ khác nhau cho nhiều người, khả năng để phân tích thông tin giữa muôn trùng thông tin thật giả lẫn lộn sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt hơn nữa là làm sao chúng ta phân biệt được giữa Thông tin (information), Kiến thức (knowledge) và Trí tuệ (wisdom)? Làm sao biến thông tin thô trở thành kiến thức hữu ích cho sự phát triển bản thân? Từ kinh nghiệm cá nhân, mình có vài chia sẻ hy vọng sẽ bổ ích cho ai đó đang đọc bài viết này:
"Biến Thông tin Kiến thức": Để thông tin biết thành kiến thức, chúng ta cần biết:
Bước 1: Đặt câu hỏi – thông tin đó nguồn gốc từ đâu (uy tín hay không uy tín), tại sao nó lại xuất hiện vào thời điểm này, thông điệp nó mang đến là gì (sự bao dung, tử tế hiểu biết hay sự thúc đẩy sự thù ghét, kỳ thị)
Bước 2: Sự phù hợp – Thông tin đó có phù hợp cho việc học hỏi của mình không? Nếu không hãy bỏ qua hay unfollow để đỡ tốt thời gian quý báu của mình (mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 tiếng)
Bước 3: Biến thông tin thành kiến thức – Cái này cần nền tảng của kiến thức về lĩnh vực mình đang quan tâm để có thể xác định sự chính danh, hợp lý của thông tin. Nếu chúng ta có kiến thức về chủ đề đang trao đổi thì có thể đóng góp, lan toả thêm dựa trên kiến thức của mình, nếu không biết gì về chủ đề đó thì ta cần phải đọc thêm, học thêm, nghiên cứu thêm để tích luỹ kiến thức về chủ đề này cho bản thân.
Bước 4: Không lan toả tin giả, thất thiệt khi chưa có sự kiểm chứng – Khi ta lan tin giả khi chưa kiểm chứng sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ xấu cho người xung quanh mình, đặc biệt những người quan trọng đối với chúng ta như cha mẹ, anh chị, cô chú đọc những gì ta chia sẻ hàng ngày.
"Biến Kiến thức Trí tuệ": Để biết kiến thức thành trí tuệ, chúng ta cần có thêm nền tảng triết học, hệ giá trị và kinh nghiệm sống.
Bước 1: Xây dựng và nuôi dưỡng nền tảng giá trị cá nhân – Bước này đến rất nhiều từ trải nghiệm cá nhân và sàng lọc các giá trị phù hợp cho bản thân mình. Hãy bước ra ngoài, hãy trải nghiệm, hãy dám mở lòng để học hỏi, để chấp nhận sự thất bại, chấp nhận là chúng ta chưa biết nhiều để có thể thay đổi và hiểu sâu sắc về giá trị của đời sống. Hệ giá trị cá nhân có thể hay đổi theo thời gian và thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện tại, tuy vậy hệ giá trị sẽ luôn mang tính phổ quát (có nghĩ là không phải chỉ vùng này có, mà vùng kia không có, quốc gia đó có mà quốc gia này không có). Có đôi khi ta cảm thấy có nhiều giá trị mang tính quá xa với xã hội mình sinh sống, nhưng không có nghĩa là nó không quan trọng và cần thiết. Chúng ta hãy nhớ rằng, mọi thứ đều có thể thay đổi.
Bước 2: Tiếp tục học hỏi và học hỏi – Từ ngàn năm xưa nhân loại đã đặt vô số câu hỏi, đưa ra nhiều giải thích về trí tuệ, chúng được đúc kết thành nhiều loại bài học, triết lý và ngụ ngôn nhằm truyền lại cho thế hệ tương lai, vì vậy chúng ta hãy tìm đọc các triết lý nền tảng của nhân loại về lịch sử triết học cả phương Tây và phương Đông để xây dựng nền tảng triết lý phù hợp với hệ giá trị của mình, hiện nay trên mạng có nhiều loại Ebook miễn phí có thể dễ dàng tìm đọc và giúp ta biết áp dụng kiến thức vào đúng nơi cần và phù hợp.
Chúng ta hãy cùng nhớ một điều cực kỳ quan trọng, kiến thức, trí tuệ không thể dùng phương pháp mì ăn liền, tức là chỉ mong đợi người ta dọn sẵn cho mình ăn, mà phải bỏ công sức và thời gian rất nhiều để ta có thể nấu món ăn bổ ích cho chính mình.
Mình hy vọng những chia sẻ của mình hữu ích cho các bạn. Có được những nền tảng vững chắc sẽ khiến chúng ta có thể vững vàng tiếp nhận đủ loại thông tin từ bên ngoài.
コメント