Giới trẻ có thể làm gì để thúc đẩy xu hướng “Slow Fashion" (Thời trang chậm) tại Việt Nam?
Một thời gian dài, ngành thời trang đang đi khá chậm trong cuộc chạy đua bền vững so với các ngành nghề và lĩnh vực khác. Đặc biệt, Thời trang nhanh (Fast fashion) đã gây ra nhiều tác động xấu đối với môi trường. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), “Thời trang nhanh” là ngành tiêu thụ nước lớn thứ hai và chịu trách nhiệm về khoảng 10% lượng khí thải carbon trên toàn cầu. Với những thiệt hại trên, nhiều mô hình đề cao xu hướng thời trang bền vững đã được ra mắt.
Bài viết hôm nay là phần chia sẻ của chị Rosi H. Trang Nguyen, nhà sáng lập của Social Change Makers Network và CHANCE Charity Shop. Một giải pháp ý nghĩa vừa thúc đẩy thói quen tốt trong lĩnh vực thời trang và tiêu dùng, vừa giúp những khách hàng trẻ tiết kiệm chi phí khi mua sắm. Hy vọng bài viết có thể giúp các độc giả trẻ hiểu rõ hơn và góp phần vào hành trình phát triển bền vững của mình trong việc mua sắm và tiêu dùng hằng ngày.
Vì sao CHANCE Charity Shop được ra mắt và điều gì đã thôi thúc chị ra mắt sáng kiến này?
CHANCE Charity Shop được tạo ra với mục đích mang lại sự giúp đỡ và hỗ trợ cộng đồng từ nhu cầu mua sắm của khách hàng ngày nay. Đây là mô hình kinh doanh quần áo với giá cả phải chăng, tất cả lợi nhuận thu về sẽ gây quỹ cho các dự án cộng đồng. Một trong những mục tiêu chính của CHANCE chính là thúc đẩy thời trang chậm (Slow Fashion), cùng các nguyên tắc Giảm, Tái sử dụng, Tái chế (Reduce, Reuse, Recycle).
Chị tạo ra CHANCE Charity shop do nhận thức về lối sống bền vững và thời trang chậm tại các quốc gia chị đã sinh sống trước đây. Nhu cầu mua sắm quần áo có hầu hết ở người tiêu dùng, vì thế trách nhiệm thúc đẩy và góp phần vào thời trang bền vững cần thay đổi dần từ nhận thức của khách hàng.
Đối với hầu hết các cửa hàng đồ cũ tại TP.HCM, họ mua quần áo đã qua sử dụng và bán lại với mục đích tạo lợi nhuận. Trong khi đó, CHANCE Charity Shop nhận quyên góp từ cộng đồng không giới hạn các sản phẩm từ quần áo, phụ kiện sách báo, đồ gia dụng và nhiều thứ khác. Các đồ vật quyên góp được bán ra với giá cả hợp lý, nhằm thu hút khách hàng và khuyến khích mọi người mua sắm tại cửa hàng để góp phần vào các hoạt động từ thiện.
Với sự khác biệt này, CHANCE Charity Shop trở thành một nơi không dừng lại với mục đích mua sắm đồ cũ thông thường. Khách hàng đến đây sẽ có cơ hội tìm thấy những món đồ độc đáo với giá cả phải chăng, đồng thời đặc biệt góp phần vào việc hỗ trợ cộng đồng và hoạt động từ thiện.
Theo góc nhìn của chị, xu hướng tiêu dùng “chậm" đang được giới trẻ Việt nhìn nhận như thế nào?
Xu hướng tiêu dùng "chậm" hiện nay đang bắt đầu thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trẻ. Điều này bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc của việc tiêu thụ quá mức theo nhu cầu cá nhân đã ảnh hưởng tiêu cực và không bền vững đến môi trường. Bên cạnh đó, người trẻ dần hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ bản thân khỏi tác động của hoá chất. Vì vậy, giới trẻ bắt đầu chú trọng hơn đến chất lượng, giá trị và nguồn gốc của sản phẩm mà họ tiêu dùng.
Chị thấy rằng tiêu dùng “chậm” có tiềm năng trở thành một xu hướng phổ biến trong tương lai khi giới trẻ bắt đầu có sự quan tâm nhiều hơn đến những sản phẩm tái chế, sử dụng lại và lựa chọn đồ dùng có vòng đời lâu dài. Tuy nhiên, rào cản chính đối với xu hướng này là sự ảnh hưởng của quảng cáo mạnh mẽ về thời trang nhanh và áp lực từ xã hội.
Thế nên, để phát triển và giúp xu hướng tiêu dùng “chậm” trở thành điều bình thường, chúng ta cần thay đổi trong suy nghĩ và hành động của xã hội qua việc tăng cường giáo dục, tạo ra những lựa chọn tiêu dùng bền vững và xây dựng một cộng đồng hỗ trợ nhau trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng.
Chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ muốn hình thành thói quen tiêu thụ “thời trang chậm” và bảo vệ môi trường?
Mua sắm thông minh: Hãy cân nhắc kỹ và đặt câu hỏi về chất liệu, nguồn gốc và quy trình sản xuất của sản phẩm. Hãy chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, bền và thời gian sử dụng lâu dài.
Mua sắm cần cù: Tìm kiếm những mẫu thiết kế cổ điển và không lỗi thời thay vì mua sắm theo xu hướng. Điều này giúp tránh việc sản xuất hàng loạt sản phẩm mới và giảm lượng rác thải từ ngành công nghiệp thời trang.
Thanh lý, trao đổi và mua hàng secondhand: Mua sắm hàng secondhand hoặc tham gia các hoạt động thanh lý, trao đổi đồ cũ tại CHANCE Charity Shop là một cách tuyệt vời để tái sử dụng và giảm lượng rác thải.
Tái chế: Sáng tạo quần áo và phụ kiện có tính ứng dụng cao từ những đồ cũ hoặc không sử dụng nữa. Bạn có thể tạo ra những mẫu thiết kế độc đáo và đồng thời giảm sự lãng phí và mức tiêu thụ.
Chia sẻ và mượn đồ: Chia sẻ đồ dùng của bạn với gia đình và bạn bè, và hãy mượn đồ từ họ khi cần thiết. Điều này giúp giảm nhu cầu mua sắm mới và tận dụng tối đa khả năng sử dụng của mỗi món đồ.
Tìm hiểu về những thương hiệu bền vững: Hãy tìm hiểu và ủng hộ các thương hiệu thời trang bền vững và handmade do người địa phương sản xuất. Điều này vừa giúp được các doanh nghiệp nhỏ từ người địa phương, vừa khuyến khích các công ty thời trang quan tâm, áp dụng quy trình sản xuất và kinh doanh bền vững hơn.
Như vậy, có thể thấy rằng thời trang bền vững rất cần sự chung tay của người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ. Để duy trì xu hướng thời trang “Slow Fashion" này một cách lâu dài, các bạn trẻ có thể góp phần giảm tác hại của thời trang nhanh qua những hành động nhỏ qua chính thói quen mua sắm và tiêu dùng thường ngày của mình, cũng như tham gia cộng đồng tiêu dùng bền vững và ủng hộ các cửa hàng như CHANCE Charity Shop.
Cảm ơn chị Rosi H. Trang Nguyen đã chia sẻ và hy vọng CHANCE Charity Shop sẽ thật vững mạnh để tạo tác động tích cực lâu dài đến thói quen mua sắm thời trang tại Việt Nam.
Xem thêm: Khóa học e-Learning cung cấp kiến thức kỹ năng cho người trẻ thực hành công việc tạo tác động xã hội bền vững. Và chờ đón khoá học online về ESG chuẩn bị ra mắt. Các bạn tham gia vào group Sự Nghiệp Hạnh Phúc để cùng với DOC lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau phát triển thật bền vững nhé. |
Kommentarer