top of page

"Không phải cứ trồng thật nhiều cây xanh là trở thành văn phòng bền vững", The Bim Factory

Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.


Tại sự kiện Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2022 do Bộ Xây dựng tổ chức vào tháng 10/2022, các chuyên gia cho rằng công trình xanh, lối sống xanh sẽ là xu hướng tất yếu. Theo thống kê, công trình văn phòng xanh không chỉ tiết kiệmchi phí vận hành, mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh của chính doanh nghiệp trên thị trường tuyển dụng và giữ chân nhân tài trẻ quan tâm về môi trường làm việc tốt hiện nay.



Bài viết hôm nay là phần trao đổi với anh Hoàng Mai Hãn - CEO của THE BIM FACTORY (TBF), hy vọng có thể giúp độc giả trẻ hiểu hơn về khía cạnh phát triển bền vững trong thiết kế, thi công các công trình xanh hiện nay.


Anh Hoàng Mai Hãn, CEO của TBF

Đâu là định nghĩa của TBF về một văn phòng hay một toà nhà có tính bền vững?

Có thể hiểu một toà nhà/ văn phòng có tính bền vững (hay còn được gọi là toà nhà xanh) được thiết kế với tư duy và triết lý có trách nhiệm với môi trường, tối ưu tài nguyên và tiết kiệm chi phí trong quá trình thiết kế, thi công, vận hành và bảo dưỡng trong suốt vòng đời của một tòa nhà.


Một toà nhà có tính bền vững hướng tới giảm thiểu tác động tới môi trường thông qua nhiều cách khác nhau, điển hình như sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và có tính bền vững; sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải và phát thải khí thải nhà kính. Đặc biệt, yếu tố sức khoẻ của người lao động cũng sẽ được tính đến trong quá trình thiết kế, để từ đó, công trình góp phần mang lại phúc lợi chung cho người làm việc tại tòa nhà.

Ngoài ra, một toà nhà xanh có thể xem là sự kết hợp đồng thời các vật liệu thân thiện với môi trường và tái sử dụng các vật dụng có sẵn như cửa hay các vật dụng cũ

thay vì thải bỏ để mua mới.




Hình ảnh: một dự án do TBF thưc hiện



Ngoài nhu cầu theo “xu hướng”, một toà nhà bền vững sẽ giúp gì cho việc giảm thiểu phát thải carbon và cho người sử dụng?


Theo một chia sẻ mới đây tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023, lĩnh vực xây dựng đóng góp khoảng 6% lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam. Lĩnh vực này cũng đang được Chính phủ quan tâm và vạch ra những lộ trình chuyển đổi để góp phần giảm phát thải khí nhà kính nói chung, hướng tới đạt được mục tiêu về Net zero vào năm 2050.

Ở phạm vi nhỏ hơn, tính bền vững được thể hiện cụ thể khi một toà nhà có tính tới các yếu tố môi trường trong quá trình thiết kế, thi công, bảo dưỡng. Bằng cách sử dụng các vật liệu ít phát thải trong chính quá trình xây dựng, tiết kiệm năng lượng sử dụng trong tòa nhà thông qua việc sử dụng hệ thống chiếu sáng, sưởi ấm và làm mát tiết kiệm điện năng sẽ góp phần giảm phát thải carbon vào môi trường.

Bên cạnh đó, các tòa nhà xây dựng theo hướng này cũng thường tính toán tới các yếu tố như lưu thông khí tối ưu, chất lượng không khí tốt, nhiệt độ phù hợp, sử dụng nhiều ánh sáng tự nhiên cũng góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất cho chính người lao động. Đây là những yếu tố quan trọng giúp người lao động giữ được tinh thần tốt tại nơi làm việc vì đa số thường phải dành thời gian nhiều ở văn phòng mỗi ng ày để hoàn thành công việc.

Do đó, có thể thấy xây dựng hướng tới tính bền vững cũng đang là một trong những xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng, đồng thời, cũng góp phần vào mục tiêu chung về giảm phát thải carbon nói chung.




Mô hình BIM của một công trình ở Singapore, làm bởi TBF


Anh có thể chia sẻ những cách hiểu chưa đúng về văn phòng/ tòa nhà bền vững hiện nay tại Việt Nam?

Đúng là hiện nay vẫn còn có nhiều cách hiểu chưa đúng và chưa đầy đủ về thế nào là một toà nhà mang tính bền vững thật sự. Anh liệt kê một số điểm hiểu sai nổi bật như sau:

Đầu tiên, nhiều người thường đánh đồng “bền vững” là “xanh” - tức là tòa nhà nào có thật nhiều cây xanh, mảng xanh tức đó là toà nhà mang tính bền vững. Điều này là chưa đủ vì toà nhà bền vững là tập hợp của nhiều yếu tố như đã đề cập phía trên, cũng như tính bền vững phải có mặt trong toàn bộ quá trình từ thiết kế, xây dựng, vận hành đến bảo dưỡng.

Thứ hai, “bền vững" đi kèm với “chi phí đắt đỏ" so với những cách xây dựng truyền thống thông thường. Đây là một trong những lầm tưởng phổ biến nhất hiện nay. Không thể phủ nhận việc xây dựng một toà nhà bền vững cần một nguồn đầu tư ban đầu không nhỏ, nhưng đây lại là sự lựa chọn tối ưu khi cho thấy khả năng tiết kiệm năng lượng và nguồn lực trong dài hạn. Do đó, đây cũng là một điểm đáng cân nhắc đối với những ai quan tâm về sự bền vững.

Thứ ba, xây dựng bền vững chỉ dành cho những công trình hay dự án mới và có quy mô lớn. Trên thực tế, các tòa nhà hiện tại vẫn có thể cải thiện tính bền vững của mình thông qua việc trang bị và cải tạo thêm. Ngoài ra, một công trình bền vững không bị giới hạn ở quy mô của nó. Một ngôi nhà bình thường vẫn có thể được thiết kế và xây dựng theo hướng bền vững nếu gia chủ mong muốn tính bền vững được tích hợp vào từng chi tiết nhỏ trong ngôi nhà của mình.

Cuối cùng, thiết kế bền vững thường đơn điệu và không nổi bật. Đây là một quan niệm không chính xác. Trong thực tế, việc sử dụng các vật liệu tự nhiên vật liệu tái chế, tạo không gian xanh góp phần tạo nên tính thẩm mỹ riêng cho tòa nhà ấy, cũng như nêu bật được cá tính riêng biệt của tòa nhà trong rất nhiều toà nhà hiện nay có thiết kế khá giống nhau.



Văn phòng TBF trong một buổi làm việc

Vậy giải pháp BIM mà anh và cộng sự đang thực hiện có thể giúp các tòa nhà trở nên bền vững hơn ra sao?

Trước hết có thể hiểu BIM (Building Information Modeling - Mô hình Thông tin Công trình) là một trong trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, cho phép bạn quản lý khối lượng thông tin khổng lồ và có tính đa dạng cao như không khí, nước, năng lượng, sức khỏe và an toàn, … và tính toán được các thông số khi xây dựng một toà nhà. Và do đó, có thể góp phần không nhỏ để thiết kế và xây dựng thực tế các tòa nhà theo hướng bền vững hơn.



Từ thiết kế tới thực tế. Nguồn: TBF



Phối hợp thiết kế công trình tại văn phòng TBF

Trên thực tế, Bộ Xây Dựng vừa trình cho Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt lộ trình áp dụng BIM cho Việt Nam. Lộ trình này được đề xuất không chỉ dựa trên những lợi ích chứng minh bằng con số, mà còn là sự sẵn sàng của ngành xây dựng về việc áp dụng BIM khi đã thử nghiệm thí điểm từ năm 2018. Báo cáo cho thấy BIM giúp tiết kiệm 15~35% thời gian thiết kế và 12~15% thời gian thi công, trong khi tiết giảm sử dụng vật liệu, máy móc & nhân công, tương đương với mức tiết kiệm chi phí lên đến 12%.

Kể từ 2023, các dự án đầu tư công cấp I và cấp đặc biệt, ví dụ như công trình dân dụng trên 25 tầng hoặc 30,000 m2 sàn, đều phải áp dụng BIM. Từ năm 2024, các dự án tư nhân có quy mô tương tự sẽ nối bước theo. Đối với các công trình cấp II, lộ trình áp dụng cũng sẽ tương tự: dự án công từ 2025, và 2026 là dự án vốn tư nhân.



Ban chỉ đạo BIM - Bộ Xây Dựng họp bàn về Lộ trình BIM tại TBF

Một nơi làm việc bền vững và thân thiện với môi trường cũng giúp thu hút và giữ chân những bạn trẻ tài năng quan tâm tới môi trường và trách nhiệm xã hội. Anh đồng ý với góc nhìn này như thế nào và vì sao?

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Ngày nay, người lao động có nhiều sự tự chủ hơn trong chính quyết định của mình. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay sẵn sàng thể hiện sự quan tâm cá nhân về các vấn đề xung quanh như bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ hơn nhiều so với các thế hệ trước. Điều này không chỉ đến từ việc ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm mà mỗi cá nhân và tổ chức cần có lên môi trường sống hàng ngày, mà còn đến từ chính việc lựa chọn công ty có giá trị phù hợp để làm việc. Do đó, việc tạo ra một môi trường làm việc thân thiện và bền vững góp phần không nhỏ để thu hút những nhân tài có chung hệ giá trị với công ty.

Ngoài ra, những công ty ưu tiên tính thân thiện và bền vững dường như được yêu thích hơn trong công chúng và người tiêu dùng trẻ. Đây cũng là một điểm giúp tạo nên danh tiếng cho tổ chức, thu hút nhân tài và truyền cảm hứng để chính họ tạo ra những tác động tích cực.

Một không gian thể hiện sự thân thiện và tính bền vững còn góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, điều này dẫn tới sự hài lòng của chính họ với công ty, từ đó, mức độ gắn bó cũng cao hơn. Ví dụ, một không gian ưu tiên cho ánh sáng tự nhiên và nhiều mảng xanh có thể giúp giảm căng thẳng cho người lao động khi làm việc.

Cuối cùng, đây cũng được xem là lợi thế cạnh tranh cho chính công ty đó. Và điều này đặc biệt đúng đối với những bạn trẻ quan tâm về yếu tố môi trường, thì đây là một trong những “keyword” mà họ sẽ thêm vào trong quá trình tìm việc.



Chia sẻ về văn phòng TBF cho đoàn Kiến trúc sư UAP (Philippines)

Chúng ta nên xem xét những yếu tố nào để xác định liệu không gian có được thiết kế với tư duy bền vững hay không?

Có nhiều yếu tố khác nhau, ở đây, tôi có thể liệt kê một số khía cạnh để các bạn tham khảo.

  • Hệ thống chiếu sáng và thiết bị tiết kiệm năng lượng: Việc tiêu thụ khối lượng lớn điện năng trong toà nhà gián tiếp tác động tới nhu cầu sản xuất năng lượng, quá trình này gây phát thải CO2 tương đối cao. Một thống kê năm 2019 cho thấy ngành năng lượng chiếm tới 68% lượng khí nhà kính của đất nước. Do đó, tối ưu năng lượng sử dụng có thể được xem là một tư duy thiết kế mang tính bền vững.

  • Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Sử dụng điện có nguồn gốc tái tạo như điện mặt trời, điện gió,… góp phần giảm lượng điện tiêu thụ từ nguồn gốc nhiên liệu hoá thạch.

  • Sử dụng nước hiệu quả: Không gian bền vững cũng nên được thiết kế để tiết kiệm nước. Sử dụng vòi rửa với lượng nước thấp, tái sử dụng nguồn nước trong tòa nhà cho các mục đích khác để tận dụng tối đa nguồn nước thải cũng là một cách thể hiện trách nhiệm với tài nguyên nước.

  • Sử dụng vật liệu bền vững: Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc rõ ràng, được tái chế hoặc có lượng khí thải carbon thấp như tre, gỗ, nhựa tái chế góp phần tạo không gian mang tính bền vững.

  • Quản lý chất thải hợp lý: Không gian bền vững hướng đến giảm chất thải bằng cách hạn chế các sản phẩm sử dụng một lần (như nhựa); triển khai các hệ thống tái chế và ủ phân hiệu quả, tận dụng nguồn rác thực phẩm trong tòa nhà để tạo ra giá trị cho những hoạt động khác.

  • Chất lượng không khí, lưu thông gió bên trong tòa nhà, khả năng tiếp cận với ánh sáng tự nhiên hay có nhiều mảng xanh trong toà nhà cũng là một yếu tố có thể quan sát để đánh giá mức độ bền vững của tòa nhà.

  • Khả năng tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng, có chỗ để xe đạp cho nhân viên cũng như một số hạng mục khác như nhà tắm, khu dốc cho xe lăn,… cũng cho thấy mức độ quan tâm tới nhu cầu đa dạng của người lao động.


Một buổi trình bày của anh Hãn cho các bạn trẻ về định hướng của công ty.

Cảm ơn anh vì phần chia sẻ trên.

Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam. Hãy tiếp tục đón đọc những bài viết tiếp theo về chủ đề Phát triển bền vững phỏng vấn các đại diện từ các công ty và tổ chức khác trong thời gian tới bạn nhé!



Anh Hoàng Mai Hãn là đồng sáng lập THE BIM FACTORY với tầm nhìn tạo ra một công ty tư vấn BIM & công nghệ xây dựng tiên tiến nhất tại Việt Nam. Anh tốt nghiệp trường MIT (Mỹ) với bằng Thạc sĩ Khoa học về Kiến trúc. Mục tiêu nghề nghiệp chính của anh là hợp nhất các hoạt động thiết kế, xây dựng và quản lý kiến trúc, vốn đã bị chia cắt từ lâu, thành một quy trình BIM thống nhất và gắn kết. Tìm hiểu thêm về anh Hoàng Mai Hãn tại đây. THE BIM FACTORY được thành lập năm 2014, cung cấp công cụ và chuyên môn cho các đơn vị tư vấn, nhà thầu và chủ đầu tư quốc tế để triển khai thiết kế và chuyển đổi kỹ thuật số. Tìm hiểu thêm về THE BIM FACTORY tại đây.


Đội ngũ nhân sự tại TBF


0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page