top of page

Nỗi niềm Freelancer: Làm gì để cha mẹ hiểu?

Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dùng. Chính vì thế, một xu hướng việc làm mới dần xuất hiện và trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, đó là freelancer. Tuy nhiên dù kiếm được nhiều tiền và có nhiều cơ hội thăng tiến nhưng những freelancer lại vấp phải ý kiến trái chiều từ gia đình và bạn bè.

Freelancer thế hệ Gen Z – Thế hệ "làm chủ"

Tiếp xúc với mạng internet càng nhiều, thế hệ trẻ ngày nay càng có xu hướng đưa ra những yêu cầu “cơ bản” của mình về một nơi làm việc lý tưởng. Lấy ví dụ trong một trạng thái được đăng tải tại trang “Insight mất lòng” đã nhận được nhiều sự đồng tình của người theo dõi. Có thể thấy được, ngày nay, bên cạnh những nhận thức về sức khỏe tinh thần của bản thân, gen Z còn chủ động đưa ra yêu cầu về chất lượng nơi làm việc, chế độ lương thưởng hay thậm chí là cơ hội việc làm của chính mình.


“Việc tìm kiếm một nơi làm việc tôn trọng các giới hạn và nhu cầu của nhân viên rất quan trọng với thế hệ ngày nay”, Lauren Stiller Rikleen, Chủ tịch Rikleen Institute for Strategic Leadership (Viện nghiên cứu lãnh đạo chiến lược Rikleen) chia sẻ với Insider. “Điều đó sẽ không thay đổi. Với mỗi thế hệ mới, điều đó sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn”. [1]


Và một khi mà công ty, doanh nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu đó của thế hệ trẻ ngày nay, họ sẽ không ngần ngại mà tìm kiếm một công việc khác phù hợp hơn. Cũng chính lúc này, vị thế của nhân viên gen Z trở thành thế chủ động hơn trong công việc, họ chủ động tìm kiếm việc làm, chủ động đưa ra yêu cầu đãi ngộ tương ứng trong công việc đồng thời chủ động nghỉ việc vào thời điểm mà họ cảm thấy không còn phù hợp nữa.


Cha mẹ mong muốn gì ở con?


Trong văn hoá gia đình Á Đông, cha mẹ thường có xu hướng bảo bọc con, mong con đi theo con đường mà cha mẹ cho là đúng đắn. Ông bà ta ngày xưa có câu: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” để cho thấy được thái độ chở che, mong muốn theo sát và thay con quyết định những con đường mà con “phải đi mới là tốt cho con”. Vì vậy, trong mắt cha mẹ, nghề nghiệp của con cũng nằm trong phạm vi cần được cha mẹ xét duyệt. 


Theo như nội dung trong hình có thể biết được trong mắt cha mẹ, sáng đến công ty, chiều đi về nhà, đi làm theo giờ hành chính là có công ăn việc làm ổn định. Còn những người freelancer, thời gian làm việc không giới hạn, suốt ngày chỉ ru rú ở nhà “làm việc” là thất nghiệp, lông bông, không hề ổn định chút nào. 


Freelancer - Cơ hội hay rào cản


Freelance, hay còn gọi là nghề tự do. Những người làm việc freelance, được gọi là freelancer. Freelancer sẽ không bị giới hạn bởi những quy định của công ty, môi trường hay địa điểm và thời gian làm việc.

Một trong những lý do khiến xu hướng làm việc tự do xuất hiện và phổ biến là thời đại internet phát triển nhanh chóng khiến cho việc tìm kiếm và bàn giao công việc qua mạng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là khi có khá nhiều bạn trẻ trong thế hệ trẻ ngày nay không chấp nhận những điều lệ trong quy định của công ty, mong muốn làm việc thoải mái, cân bằng giữa việc đi làm và đi chơi. Chính vì thế mà xu hướng freelancer bắt đầu phổ biến rộng rãi và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây.


Làm freelancer, các bạn trẻ có nhiều thời gian bên gia đình hơn, không bị gò ép trong một môi trường làm việc hay những quy củ bắt buộc phải tuân theo.  Tính chất làm việc tự do và thoải mái của freelancer hiện nay đã thu hút nhiều sự chú ý về cơ hội việc làm không chỉ cho thế hệ trẻ mà còn thu hút cả những nhà tuyển dụng khi họ không cần phải chi trả những chi phí bảo hiểm nào cho những nhân sự freelancer. 


Tuy nhiên, freelancer vẫn là một lĩnh vực khá mới tại Việt Nam, không quá nhiều người có thể hiểu nó một cách tường tận được. 


Freelancer - Làm gì để cha mẹ hiểu?


1. Nỗi sợ đến từ đâu?

Có thể nói, việc bạn có thể gắn bó dài lâu với một công việc phụ thuộc ít nhiều vào sự ủng hộ của gia đình. Trong tập 1 của podcast mùa 3 Thử Thành Thật, khách mời Hà Thiên Kim đã chia sẻ về quyết định bỏ học tại trường Nhân Văn đã nhận được sự phải đối từ cha mẹ mình “Muốn làm gì thì làm, phải học cho xong để lấy cái bằng đi đã.”

Bởi vì trong mắt bất kỳ vị phụ huynh nào, sự ổn định là trên hết, những quyết định về việc làm freelancer thường không ổn định về giờ giấc, nơi làm việc đã trở thành một cái nghề hết sức “lông bông” trong mắt cha mẹ. Chính vì vậy, biết được nguồn cơn nỗi lo lắng của cha mẹ sẽ có thể giúp bạn thuyết phục được họ.


2. Xây dựng niềm tin

Sau khi đã hiểu được nguồn gốc của nỗi lo sợ của cha mẹ về nghề freelancer, hãy tiến hành xây dựng niềm tin với bậc phụ huynh của mình. 

Nếu cha mẹ lo lắng về vấn đề tài chính của bạn, hãy chứng minh cho cha mẹ mình bằng cách cho họ xem về chế độ lương thưởng mà bạn nhận được cũng như cơ hội việc làm và kế hoạch làm việc mà bạn đã có được khi làm tại vị trí freelancer.

Nếu vấn đề làm cha mẹ lo lắng lại là giờ giấc sinh hoạt của bạn khi làm freelancer, hãy nói cho cha mẹ hiểu những lợi ích về thời gian mà freelancer có thể đạt được, một trong số đó là có nhiều thời gian bên gia đình hơn.


Còn nếu như cha mẹ lo lắng về việc liệu bạn có thể bị đuổi việc hay thất nghiệp khi làm freelancer không thì hãy giải thích cho cha mẹ rằng cơ hội việc làm của freelancer là cực kỳ to lớn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng freelancer không chỉ vì kinh nghiệm làm việc của họ mà còn suy xét đến những chi phí mà công ty không cần phải chi trả như nhân viên toàn thời gian.


3. Thoả hiệp với sự thật

Và cuối cùng, khi đã giải bài toán lo lắng của phụ huynh, nếu như cha mẹ chấp nhận và ủng hộ bạn, thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Nhưng nếu, cha mẹ vẫn không đồng ý với bạn thì sao? Điều duy nhất cần làm lúc đó là khi được hỏi thăm về công việc freelancer, hãy khéo léo trả lời những điều được cho là ổn định trong mắt cha mẹ như vấn đề lương thưởng hay đơn giản là việc các bạn vẫn đang cảm thấy hạnh phúc và thoải mái với chính công việc freelancer hiện tại của mình.


Đây chỉ là một vài giải pháp mà bạn có thể tham khảo để có thể thuyết phục được gia đình của mình về nghề nghiệp mà bạn lựa chọn. Tuy nhiên, “mỗi nhà mỗi cảnh” không phải lúc nào cũng có thể áp dụng các phương pháp trên để giải quyết sự không đồng thuận từ phía gia đình. Điều quan trọng nhất trong quá trình này là sự cảm thông, thấu hiểu và tôn trọng. Bởi lẽ, trong con đường hành trình sự nghiệp, sự ủng hộ của gia đình sẽ là động lực và là hậu phương vững chắc cho mỗi người.


Nguồn tham khảo:

0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page