top of page
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

Phân biệt chủng tộc giảm đi khi chúng ta lắng nghe nhau – Vũ Thị Thanh Vân

Tình trạng phân biệt đối xử với cộng đồng người châu Á ở các nước phương Tây đã gia tăng trong những năm gần đây và Covid-19 đã đẩy con số đó lên một mức đáng kể. Vậy thì nguyên nhân gì đã thúc đẩy những hành động này? Có phải là sự bất đồng về quan điểm? Sự khác biệt của vẻ bề ngoài? Hay vì chúng ta không nói chung một thứ tiếng?   


Ai cũng cần được lắng nghe. Bất kể ta sinh ra ở đâu, thuộc dân tộc nào, chúng ta đều có những câu chuyện, những suy nghĩ khác nhau cần được chia sẻ. Chị Vũ Thị Thanh vân, CEO kiêm nhà sáng lập của theMay sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, luôn bị cuốn hút bởi những người bạn đồng trang lứa. 


Những người bạn cùng chung tiếng nói nhưng sở hữu đôi mắt, sóng mũi và nước da hơi khác mình, họ còn diện những bộ trang phục bắt mắt khi đến lớp. Đó chính là lần đầu tiên trong đời chị được tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam và nét văn hoá đặc sắc của họ. Khi vào năm 3 đại học, chị là một trong 2 thí sinh Việt Nam may mắn được công ty dầu khí hàng đầu Nhật Bản Asahi Kase mời sang Nhật làm việc qua chương trình tuyển dụng toàn cầu. Khoảng thời gian đó đối với chị là một trải nghiệm vô cùng thú vị nhưng có phần bối rối bởi rào cản ngôn ngữ và phong tục tập quán tạo khoảng cách vô cùng lớn giữa chị và người bản địa. Việc chuyển sang một nơi và người Việt Nam là số ít đã tạo ra cho chị một cú sốc văn hoá. Như các nền văn hoá khác, riêng người Nhật với nhau có những cách ứng xử đặc biệt trong các bối cảnh thường ngày mà hiếm những người nhập cư thiểu số như chị Vân hiểu được, khiến chị cảm thấy lép vế và lẻ loi. 


Và rồi chị cũng sớm hiểu ra rằng, cảm giác lép vế, lẻ loi này cũng chính là điều mà bao nhiêu dân tộc thiểu số ở chính quê hương Việt Nam của mình đã và đang phải chịu đựng bấy lâu nay. Chỉ khi ta đã trải qua cảm giác là bộ phận người thiểu số, ta mới thấy đồng cảm với họ – đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam và những vất vả, nỗ lực của họ. Từ đó, ta thấy được một vấn đề, một câu hỏi được đưa ra: Làm thế nào để tập thể số đông chưa từng trải qua cảm giác ấy có thể thấu hiểu được hoàn cảnh và nỗi khổ tâm của những người đồng bào này?


Họ thuộc thiểu số chỉ vì họ khác ta. Nhưng sự khác biệt ấy phải chăng chính là thứ dựng nên sự phong phú về văn hoá, giá trị con người và hơn hết là suy nghĩ, quan niệm của mỗi chúng ta. Chị Vân tin rằng, một khi ta có được sự bình đẳng trong tiếng nói giữa các dân tộc với nhau, ta sẽ nhận được rất nhiều bài học bổ ích từ họ. Thay vì nhìn nhận một cách chủ quan, phiến diện, ta nên đứng ở một góc nhìn tổng quan, qua một lăng kính toàn diện hơn.


Khoảng thời gian ở Nhật, chị đã gặp khó khăn tìm những sản phẩm mang tính chất dân tộc Việt Nam để có thể giới thiệu cho bạn bè bản địa về văn hoá của mình. Đây lại là một rào cản văn hoá giữa cộng đồng đa số và thành phần thiểu số. Đó là lý do tại sao chị đã thành lập theMay, một hãng thời trang nhằm đại diện và tôn vinh nét đẹp văn hoá của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam qua các mẫu trang sức thủ công sử dụng các chất liệu truyền thống. 


Chị không có ý muốn diễn thuyết, trình bày cho người mua hàng ở theMay rằng tại sao sản phẩm này đẹp, giá trị truyền thống và câu chuyện đằng sau nó là gì. Thay vào đó, nhiệm vụ của theMay là lan toả vẻ đẹp và lòng yêu mến, trân trọng văn hoá của những nhóm dân tộc thiểu số. Một khi mọi người thấy yêu thích, họ sẽ chủ động tìm hiểu, học hỏi. Đây cũng là một giải pháp dài hạn để ngày càng nhiều người Việt có thể thấu hiểu được nỗi lòng của người đồng bào thiểu số nơi quê hương mình.


Bạn có thể nghe lại toàn bộ câu chuyện trải nghiệm này của Vân trên podcast Dear Our Community tại đây: https://dearourcommunity.com/podcast/episole-1-khi-chung-ta-lang-nghe-nhau-vu-thi-thanh-van/

Tác giả: Minh Cao

Hiệu đính: Võ Ngọc Tuyền


0 bình luận

Xem nhiều

bottom of page