top of page
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

Người tiêu dùng trả tiền nhiều cho sản phẩm chưa hẳn là điều tốt cho doanh nghiệp - John Ditty, KPMG


Người tiêu dùng trả tiền nhiều cho sản phẩm chưa hẳn là điều tốt cho doanh nghiệp - John Ditty, KPMG
Người tiêu dùng trả tiền nhiều cho sản phẩm chưa hẳn là điều tốt cho doanh nghiệp - John Ditty, KPMG

 

Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.


Theo Báo cáo Trải nghiệm khách hàng hướng tới Tương lai bền vững năm 2022 do KPMG thực hiện, có tới 93% người tiêu dùng được khảo sát nói rằng họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm và dịch vụ tích hợp ESG.


Liệu sự trưởng thành trong nhận thức của người tiêu dùng, người lao động có phải là một áp lực khiến các công ty cân nhắc tính cần thiết của việc thực hiện thường niên và thực chất các báo cáo Phát triển bền vững không? Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trao đổi với ông John Ditty - Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam & Campuchia về chủ đề trên.

Nguồn hình ảnh: Website KPMG
Nguồn hình ảnh: Website KPMG

Ông đánh giá thế nào về vai trò của người tiêu dùng trong việc thúc đẩy nhu cầu thực hiện Báo cáo Phát triển bền vững và ESG của các công ty Việt Nam hiện nay?


Trong thực tế, nhiều công ty đang chú trọng đầu tư vào cải thiện quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững. Điều đó không chỉ giúp họ thu hút khách hàng quan tâm mà còn giảm chi phí sản xuất (do thực hiện những cải tiến mới), vì thế biên lợi nhuận cũng tăng lên.


Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng không hẳn là yếu tố thúc đẩy hoặc tạo ra áp lực để các công ty phải thực hiện các báo cáo bền vững; mà là thúc đẩy các công ty, doanh nghiệp phải thay đổi trong chính sản phẩm mà họ sản xuất, hay cách họ bán sản phẩm đó ra thị trường bền vững hơn. Trước khi quan tâm về việc liệu họ có thực hiện các báo cáo phát triển bền vững hay không thì bạn nên quan tâm trong thực tế các doanh nghiệp có thực hiện các chương trình cải tiến để rồi dùng nó để báo cáo không.


“Người tiêu dùng không tạo áp lực để doanh nghiệp thực hiện các Báo cáo bền vững, họ thúc đẩy doanh nghiệp phải thay đổi để sản phẩm bền vững hơn khi mang ra thị trường”

Việc người tiêu dùng nói rằng họ có thể chi trả nhiều hơn cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng là một điều tốt. Trái lại, khi doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận có được trước mắt, khiến họ dễ bỏ qua những góc nhìn mang tính dài hạn hơn như việc đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, cải tiến để cho ra những sản phẩm xanh hơn, thân thiện hơn, từ đó giúp doanh nghiệp kinh doanh bền vững hơn.


Lấy ví dụ trong ngành thời trang, khi khả năng chi trả của người tiêu dùng cho các sản phẩm chất lượng ngày càng tăng, đồng thời nhà sản xuất cam kết mang đến những sản phẩm với nguyên liệu vải tốt và bền hơn, để khách hàng không phải vứt bỏ quần áo sau 3 tháng sử dụng thì điều này đã mang lại lợi ích hai chiều rõ rệt.


Do đó, tôi muốn nhấn mạnh vai trò quyết định của doanh nghiệp trong cách họ sử dụng đồng lời có được qua việc bán hàng. Nếu họ dùng số tiền đó để tái đầu tư vào sản xuất bền vững, thay đổi hành vi tiêu dùng tích cực hơn thì đó thực sự là một điều tốt. Nhưng nếu họ dùng số tiền đó chỉ để quảng cáo rằng sản phẩm của họ tốt ra sao, thì trên thực tế, điều này không tạo ra bất cứ sự thay đổi thực chất nào.


Vì vậy, khi khách hàng quyết định mua nhiều sản phẩm hơn, họ cũng có thể tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp đó có những hành vi bền vững hơn, và áp lực chính doanh nghiệp phải đầu tư vào những cải tiến bền vững, cũng như đo lường, đánh giá thông qua các báo cáo phát triển bền vững.

Nguồn hình ảnh: Website KPMG
Nguồn hình ảnh: Website KPMG

Các doanh nghiệp thực hiện các báo cáo bền vững với mục tiêu truyền thông với chính đối tác, bên liên quan và khách hàng của họ về hoạt động và những cải tiến của mình. Theo ông, quan điểm này có hoàn toàn đúng?


Đây là một quan sát đúng. Mục đích của báo cáo phát triển bền vững không chỉ để nội bộ doanh nghiệp, ban lãnh đạo nhìn lại hành trình mà họ đã đi qua, mà qua đó thể hiện rõ mối quan tâm của các bên liên quan (khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông,...), khi chúng có ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Ví dụ như tác động đến từ thị trường nguyên vật liệu sản xuất, thị trường tài chính, hay mối quan tâm của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh hơn, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.


Chẳng hạn, mối quan tâm của các đối tác, các bên liên quan dành cho KPMG không nằm nhiều ở lĩnh vực môi trường, vì mô hình kinh doanh của chúng tôi không bị phụ thuộc quá nhiều về tài nguyên môi trường, thay vào đó, chúng tôi phụ thuộc vào con người. Do đó, họ sẽ quan tâm nhiều hơn về cách chúng tôi làm việc với nhân sự của mình ra sao, vì nhân lực chính là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của KPMG.


Nói tóm lại, việc báo cáo thể hiện quá trình thay đổi ở những khía cạnh trọng tâm mà doanh nghiệp muốn cải thiện; và các lĩnh vực khác nhau sẽ có những khía cạnh trọng tâm khác nhau; báo cáo cho thấy doanh nghiệp đã đi được bao xa khi nhìn lại và so sánh với các năm trước; liệu những thay đổi đó có thực sự nổi bật (significant) và đáng khích lệ không. Báo cáo cũng cung cấp bức tranh thực tế để lãnh đạo có thể đưa ra quyết định liệu có nên tiếp tục hay dừng việc đầu tư vào yếu tố nào đó hay không.

Ông John Ditty tham dự workshop với đại diện đến từ Gaia Conservation về chủ đề biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học (hoạt động nằm trong chương trình nội bộ của KPMG năm 2023). Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG
Ông John Ditty tham dự workshop với đại diện đến từ Gaia Conservation về chủ đề biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học (hoạt động nằm trong chương trình nội bộ của KPMG năm 2023). Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG

Mặt khác, nếu bạn là một độc giả trẻ và đang nhìn vào báo cáo phát triển bền vững của một doanh nghiệp, bạn cần hiểu rằng bất kể sự thay đổi nào về hành vi, văn hóa hay các quy định cũng sẽ cần thời gian. Điều đáng ghi nhận là ngày càng nhiều doanh nghiệp nỗ lực trở nên tốt hơn mỗi ngày, để tạo ra nhiều thay đổi tích cực hơn hướng tới môi trường - xã hội. Nhất là khi đặt báo cáo trong những bối cảnh cụ thể đang có nhiều khó khăn và thách thức, ngay cả khi doanh nghiệp chỉ đang tạo ra được những thay đổi nhỏ, thì điều đó cũng đáng được khích lệ. Vì trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp thậm chí không quan tâm hay tạo ra bất kỳ sự thay đổi mang tính bền vững nào.


Ông nghĩ nhu cầu thu hút và giữ chân nhân tài có thể gây áp lực như thế nào để các công ty phải thực hiện các cải tiến bền vững?


Trước hết, đối với KPMG, yếu tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề quan trọng nhất. KPMG hiện có hơn 1.800 nhân sự làm việc tại thị trường Việt Nam và Campuchia - đây là nguồn tài nguyên duy nhất để vận hành và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, và cũng có thể là rủi ro lớn nhất nếu chúng tôi không thể quản lý tốt. Ngày nay, người đi làm không chỉ quan tâm về vai trò công việc, mà họ còn quan tâm về giá trị bản thân qua công việc ấy, lý do khiến họ đi làm mỗi ngày, hay lý do họ muốn gắn bó với một doanh nghiệp như KPMG.


Với sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động trẻ vào thị trường, chúng ta đang dần thấy được sự trỗi dậy của quan điểm đi làm hôm nay: Người trẻ muốn làm việc tại nơi mà họ thấy giá trị hay mục đích công việc hài hoà với giá trị và định hướng của cá nhân. Nơi đó, họ không chỉ được thể hiện năng lực qua công việc chuyên môn, mà còn cho phép họ theo đuổi những đam mê và giá trị cá nhân theo những cách rất riêng.


Chương trình thực tập tại KPMG năm 2023. Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG
Chương trình thực tập tại KPMG năm 2023. Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG

Tại KPMG, mỗi năm chúng tôi tuyển dụng khoảng 300 bạn trẻ mới tốt nghiệp vào làm việc. Nếu chúng tôi không thể thuyết phục được các bạn ấy rằng chúng tôi mang đến cho bạn nhiều hơn cả một công việc, trong đó có môi trường làm việc; văn hoá trao quyền, thúc đẩy sự đa dạng và hoà hợp; hay không gian để bạn được theo đuổi những đam mê riêng và được là chính mình, thì khó có thể thu hút và giữ chân nhân tài. Thực tế cho thấy, những người giỏi thường mong muốn được trao quyền để tạo ra sự thay đổi tại nơi làm việc hơn là chỉ vì nhận được lương tháng đúng hạn.


Có thể nói, chính sách thu hút nhân tài của KPMG dựa vào chính mục tiêu, giá trị, văn hoá và định vị của doanh nghiệp. Có rất nhiều bạn đến và làm việc với KPMG một vài năm rồi rời đi - điều này là hoàn toàn bình thường. Nhưng điều quan trọng là, khi rời đi, họ sẽ mang theo những giá trị có được trong suốt thời gian làm việc tại đây, như góc nhìn đóng góp trong công việc; quan tâm tới đồng đội, cộng đồng của mình; và giữ được đạo đức nghề nghiệp - đây là những điều thực sự quan trọng và ý nghĩa với KPMG.


Chúng tôi không thể phát triển bền vững nếu không thể đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tổ chức. Và vì thế, thu hút và giữ chân nhân tài chính là chiến lược phát triển bền vững quan trọng nhất đối với KPMG hôm nay. Và các Báo cáo là nơi chúng tôi trình bày cách mình đã theo đuổi chiến lược này như thế nào và đạt được thành tựu gì.

“Thu hút và giữ chân nhân tài chính là chiến lược phát triển bền vững quan trọng nhất đối với KPMG hôm nay”
Nhân viên KPMG tham gia hoạt động ngoài giờ, giao lưu thể thao với các doanh nghiệp khác trong ngành (Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG)
Nhân viên KPMG tham gia hoạt động ngoài giờ, giao lưu thể thao với các doanh nghiệp khác trong ngành (Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG)

Vậy KPMG đã làm gì để tạo ra một môi trường khuyến khích sự tham gia và đóng góp của chính nhân sự nội bộ?


Đầu tiên, KPMG đảm bảo rằng mọi người thấy mình được dẫn dắt bởi chính tinh thần lãnh đạo thực chất từ các lãnh đạo cao nhất. Tinh thần lãnh đạo không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn qua những cam kết mạnh mẽ trong môi trường làm việc hướng đến sự đổi mới và trao quyền, từ đó làm gương để mọi nhân viên thấy những kỳ vọng như thế là bình thường.


Thứ hai, đó là tạo ra những chính sách, những quy tắc ứng xử cho phép tạo ra một môi trường khuyến khích sự tham gia đóng góp của nhân viên. Có thể nói, KPMG rất chú trọng vào chính sách Đa dạng và Hoà hợp (Diversity & Inclusion) tại nơi làm việc, cung cấp câu trả lời cụ thể về cách bạn tham gia làm việc tại KPMG, cách bạn nhận được sự tôn trọng trong công việc. Những bản Quy tắc ứng xử được phổ biến rộng rãi và được nhân viên cam kết thực hiện.


Cuối cùng, thực hiện những đánh giá, đo lường định kỳ mỗi 2 năm thông qua Khảo sát dành cho nhân viên để đưa ra đánh giá về mức độ hiệu quả của các chính sách đang áp dụng, xem xét có cần thử nghiệm cách khác để tạo ra những tiến bộ tốt hơn không.


Tóm gọn lại, bạn có thể hình dung cách thức KPMG đã làm như sau:

cách thức KPMG
Cách thức KPMG

Nhân sự trẻ tại KPMG Đà Nẵng. Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG
Nhân sự trẻ tại KPMG Đà Nẵng. Nguồn hình ảnh: Fanpage KPMG

Ông có thể chia sẻ những ví dụ cụ thể nào minh hoạ cho phát biểu trên không?


Mỗi ngày, các nhân viên của KPMG tư vấn và đồng hành với nhiều khách hàng doanh nghiệp để giúp họ thực hiện các nghĩa vụ về thuế, giúp hoạt động kinh doanh tuân thủ các quy định pháp luật, từ đó gián tiếp giúp doanh nghiệp trở nên uy tín hơn. Ở góc độ vĩ mô, những khoản thuế đầy đủ từ doanh nghiệp giúp nhà nước có kinh phí để đầu tư nhiều hơn vào các cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học…mang lợi ích cho cộng đồng. Đây chính là cách mỗi nhân viên tham gia và tạo ra giá trị qua công việc mình làm, và là cách KPMG đóng góp để xây dựng một Việt Nam bền vững hơn.


Hay như sáng kiến Vietnam Corporate Pride Network (VCPN) được thực hiện bởi Paul Huynh - một nhân viên tại KPMG, nhằm thúc đẩy quyền và sự hoà nhập của cộng đồng LGBT tại công sở. Sáng kiến này là minh chứng mạnh mẽ rằng một nhân viên có thể áp dụng chính trải nghiệm sống cá nhân để tạo ra những thay đổi thực sự tại doanh nghiệp mà không gặp phải bất kỳ sự đánh giá chủ quan nào. Sáng kiến của Paul không chỉ giúp cải thiện môi trường làm việc tại KPMG, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn thuộc cộng đồng LGBT can đảm thể hiện mình hơn.


Tại KPMG, chúng tôi nỗ lực tạo ra một nơi mà nhân viên đều háo hức muốn đến làm mỗi ngày, muốn cống hiến những điều tốt đẹp và viết nên câu chuyện của chính họ tại đây hay tại bất cứ nơi đâu mà họ đến. Suy cho cùng, sự lãnh đạo hướng tới những thay đổi tốt, cùng với sự khoan dung và chấp nhận là những giá trị cốt lõi tác động lên sự thay đổi hành vi của chính người lao động. Đó cũng là một trong các vai trò quan trọng của doanh nghiệp mà các cấp lãnh đạo nên lưu tâm.

Đại diện KPMG chia sẻ tại buổi Tọa đàm: Đa dạng giới ở nơi làm việc về câu chuyện KPMG đã làm gì để thúc đẩy bình đẳng và đa dạng giới trong chính sách của công ty. Nguồn: Fanpage KPMG
Đại diện KPMG chia sẻ tại buổi Tọa đàm: Đa dạng giới ở nơi làm việc về câu chuyện KPMG đã làm gì để thúc đẩy bình đẳng và đa dạng giới trong chính sách của công ty. Nguồn: Fanpage KPMG

Các bạn trẻ tại KPMG tham gia các hoạt động của Pride Month 2022 - Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Trung Tâm ICS, Doanh nghiệp xã hội ECUE, Auscham và Vietnam Corporate Pride Network (VCPN). Nguồn: Fanpage KPMG
Các bạn trẻ tại KPMG tham gia các hoạt động của Pride Month 2022 - Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Trung Tâm ICS, Doanh nghiệp xã hội ECUE, Auscham và Vietnam Corporate Pride Network (VCPN). Nguồn: Fanpage KPMG

Người lao động trẻ hôm nay nên cân nhắc những yếu tố nào khi tìm kiếm những doanh nghiệp hướng về phát triển bền vững để làm việc?


Tôi nghĩ các bạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty mà bạn muốn làm việc. Bằng cách tìm kiếm, đọc các nội dung thể hiện trên website công ty, trên báo chí, truyền thông, các báo cáo phát triển bền vững để cho mình sự đánh giá khách quan nhất.


Các bạn cũng cần có sự can đảm để có thể trực tiếp đặt các câu hỏi thẳng thắn, và có thể “gai góc" với chính nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn, qua đó, giúp bạn hiểu hơn về chính sách phát triển bền vững, trách nhiệm của họ với môi trường, xã hội được thể hiện cụ thể ra sao. Các bạn cũng cần mạnh dạn trình bày mối quan tâm cá nhân, mục đích, giá trị của mình và vì sao những điều đó đang tương đồng với điều công ty hướng đến. Hãy can đảm để nói lên những điều bạn nghĩ, bạn hiểu mà không lo lắng bị phán xét. Bởi đây chính là lúc bạn và nhà tuyển dụng nhận ra mình có “dành cho nhau” hay không.


Ngoài ra, bạn cũng cần hiểu rằng bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ có khó khăn tồn tại cần phải giải quyết. Việc doanh nghiệp có thực hiện được những mục tiêu phát triển bền vững hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài và từ các bên liên quan, chẳng hạn như ngân hàng có đủ nguồn tài chính cho vay không? Các nhà cung cấp nguyên liệu có đảm bảo nguồn cung không? Rất nhiều thách thức như vậy trong quá trình vận hành kinh doanh. Điều bạn cần làm là hãy sẵn sàng đóng góp sáng kiến để tìm ra nhiều giải pháp phù hợp giúp giải quyết những khó khăn chung đó.

“Điều bạn cần làm là hãy sẵn sàng đóng góp sáng kiến để tìm ra nhiều giải pháp phù hợp giúp giải quyết những khó khăn chung đó.”
Hình ảnh minh hoạ. Nguồn: Fanpage KPMG
Hình ảnh minh hoạ. Nguồn: Fanpage KPMG

Ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang tìm kiếm công việc tạo ra giá trị và tác động tích cực không?


Đối với người trẻ hiện nay, tôi nghĩ trước hết, các bạn nên tìm kiếm lĩnh vực mà cá nhân bạn thực sự đam mê và muốn đi sâu hơn với nó. Có thể là y tế, giáo dục, địa lý, … bất kể lĩnh vực nào mà cá nhân bạn thực sự yêu thích, rồi tìm kiếm công việc tương thích với mối quan tâm đó để bắt đầu.


Thứ hai, bạn cần xác định rõ về tác động ngắn hạn và dài hạn với công việc mà bạn lựa chọn. Điều này rất quan trọng để quản trị được kỳ vọng của bản thân và để vẽ ra kế hoạch thực thi và đo lường. Thực tế cho thấy, có nhiều công việc sẽ không nhìn thấy tác động rõ rệt trong ngắn hạn, mà chỉ có thể thấy được sau 5-10 năm. Đây cũng là một điều tương đồng khi nhìn về Phát triển bền vững. Khi xác định được thực tế đó, bạn sẽ chọn cho mình tâm thế để bước tới vững vàng và tự tin hơn. Chúc các bạn thành công.


Cảm ơn ông vì phần trò chuyện này.


Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam. Hãy tiếp tục đón đọc những bài viết tiếp theo về chủ đề Phát triển bền vững phỏng vấn các đại diện từ các công ty và tổ chức khác trong thời gian tới bạn nhé!

KPMG là một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, với văn phòng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Thành lập từ năm 1994, công ty đã có hơn 28 năm kinh nghiệm, với hơn 8,000 khách hàng là các doanh nghiệp Đa Quốc gia, các doanh nghiệp Trong và Ngoài Nhà nước, doanh nghiệp Tư nhân, doanh nghiệp Startup và doanh nghiệp Gia đình. KPMG hỗ trợ khách hàng với phương pháp tiếp cận đa chiều, kết hợp cùng kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu trong ngành để vượt qua các thử thách và sẵn sàng nắm bắt cơ hội nằm trong 5 hoạt động chính thuộc quá trình kinh doanh, bao gồm Kiểm toán, Tư vấn Vận hành, Tư vấn Thương vụ, Tư vấn Thuế và Pháp lý.


John Ditty đã sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1993. Hiện tại, ông đang phụ trách về Quyền công dân và Tính bền vững tại thị trường Việt Nam và Campuchia. Ông có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý và điều phối nhiều hợp đồng kiểm toán và tư vấn tại hai thị trường trên. Thông qua kinh nghiệm của mình, ông đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp (thuộc sở hữu nhà nước, tư nhân, sở hữu nước ngoài) thành công ở Việt Nam và Campuchia. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc khi dẫn dắt tập thể đa dạng của mình đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận dù nhiều khó khăn và thách thức.

Người viết: Vũ Thị Huyền Trang

Biên tập: Võ Ngọc Tuyền

Thực hiện: Đội ngũ Dear Our Community


0 bình luận

Xem nhiều

bottom of page