Quỹ đầu tư giúp góp phần thúc đẩy thực hành bền vững tại doanh nghiệp Việt ra sao?
Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.
Theo báo cáo đặc biệt đo lường chỉ số niềm tin của Eldeman, 88% các nhà đầu tư tin rằng các công ty chú trọng tới các sáng kiến hoặc thực hành ESG tại tổ chức của mình sẽ đem lại cơ hội về mặt lợi nhuận trong dài hạn tốt hơn so với các công ty không chú trọng về ESG.
Bài viết hôm nay sẽ đi sâu hơn về góc nhìn của một nhà đầu tư và vai trò của họ trong việc góp phần thúc đẩy thực hành bền vững tại doanh nghiệp nói chung hiện nay. Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị quản lý quỹ của Quỹ đầu tư Vietnam Holding sẽ có phần chia sẻ với độc giả trẻ của Dear Our Community.
Hình ảnh: Ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital
Ông có thể chia sẻ vì sao các quỹ đầu tư muốn tích hợp các tiêu chuẩn về ESG khi tiến hành đầu tư vào một doanh nghiệp? Làm thế nào để đảm bảo các doanh nghiệp nhận đầu tư sẽ cam kết và đáp ứng các kỳ vọng về tiêu chuẩn ESG do quỹ đầu tư đưa ra?
Gần đúng hai mươi năm trước, bộ Nguyên tắc Xích đạo đã được đưa ra. Những nguyên tắc này đã hệ thống hóa các khung chính sách về môi trường và xã hội mà Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC, một bộ phận của Ngân hàng Thế giới đang sử dụng. Ban đầu những nguyên tắc như vậy được áp dụng cho các dự án lớn, chủ yếu là các dự án về cơ sở hạ tầng, được tài trợ bởi các ngân hàng và nhà đầu tư lớn, trong bối cảnh họ phải tìm được biện pháp hạn chế các thảm họa môi trường và sinh thái. Các quỹ đầu tư chỉ thực sự tham gia sau khi Mạng lưới các Nhà đầu tư có Trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc được sáng lập vào tháng 4 năm 2006. Vietnam Holding trở thành thành viên của UNPRI vào năm 2009.
Hiện nay nhiều quỹ và nhà quản lý đầu tư đã trở thành thành viên của UNPRI và đây có thể được coi là một trong những cách giúp các quỹ marketing cho chính mình. Tuy nhiên, điều này đôi khi nhận lại một số phản ứng và lo ngại rằng các quỹ có thể đang “tẩy xanh", dù trên thực tế, nhiều quỹ đầu tư đã thể hiện sự minh bạch và cam kết cao nhất với 6 nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm của UNPRI, bao gồm việc báo cáo hàng năm về các hoạt động đầu tư có trách nhiệm của mình.
Đối với chúng tôi, với tư cách là một đơn vị đầu tư tuân thủ lâu dài việc đầu tư có trách nhiệm, chúng tôi coi các tiêu chuẩn ESG là một công cụ hữu ích để giúp nâng cao lợi nhuận đầu tư. Có nhiều lý do để áp dụng ESG vào quy trình đầu tư mà tôi liệt kê dưới đây:
Đầu tiên, bộ công cụ đo lường điểm ESG có thể giúp sàng lọc để chọn ra những công ty tốt nhất, hoặc chọn được những công ty tốt so với những công ty chưa tốt.
Thứ hai, thảo luận về các vấn đề ESG với các công ty trong danh mục đầu tư có thể tiết lộ nhiều điều về cách mà một doanh nghiệp tư duy về chiến lược kinh doanh, các ưu tiên và giá trị của họ. Đây cũng được xem là một cách hữu ích để theo dõi sức khỏe của một công ty, đồng thời, nhanh chóng đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo khi họ đi chệch hướng. Đơn cử như việc không nhận cuộc gọi hay không gặp gỡ chúng tôi, hoặc thay đổi cấu trúc của hội đồng quản trị mà không có lý do chính đáng là những ví dụ cho việc không minh bạch.
Hình ảnh: Business Plus
Chúng tôi nhận thấy ESG thực sự là một "hành trình" đối với nhiều công ty tại Việt Nam, trong đó, một số doanh nghiệp đang ở bước phát triển cao hơn so với số còn lại. Dynam Capital coi mình là nhà đầu tư kiên nhẫn, đã chứng kiến và tham gia vào quá trình cải thiện mức độ thực hiện ESG của các công ty trong danh mục đầu tư. Thông qua quá trình tương tác và đối thoại với các công ty, chúng tôi chia sẻ những thực hành về ESG tốt nhất với các công ty trong danh mục đầu tư của mình, từ đó, họ có thể học hỏi để cải thiện, cũng như tăng cường việc truyền thông các kết quả về ESG đã đạt được tới nhà đầu tư. Chúng tôi gọi đó là “Do More. Measure More. Report More” (Làm nhiều hơn. Đo lường nhiều hơn. Báo cáo nhiều hơn).
“Đầu tư vào các công ty có thực hành bền vững như thúc đẩy việc tái chế, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường và năng lượng tái tạo có thể khiến người lao động trẻ có xu hướng ủng hộ doanh nghiệp đó nhiều hơn, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp khác áp dụng cách làm tương tự”. Ông có đồng ý với phát biểu trên không? Và vì sao?
Tôi đồng ý với quan điểm trên. Với sự gia tăng nhận thức về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, giới trẻ ngày nay dành sự quan tâm lớn về cách doanh nghiệp ứng xử như thế nào với môi trường để hạn chế các tác động tiêu cực. Sẽ có rất nhiều việc cần phải làm khi Việt Nam cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đây mới chỉ là góc nhìn về chữ E - Environment, một khía cạnh trong ESG mà thôi, trong khi tính bền vững (sustainability) không chỉ bao gồm khía cạnh về môi trường.
Chúng ta cần tính tới các khía cạnh về Xã hội và Quản trị. Và do đó, chúng tôi xem xét đánh giá một công ty từ nhiều góc độ. Từ hiệu quả tài chính, triển vọng tăng trưởng cho đến các yếu tố phi tài chính (Môi trường - Xã hội - Quản trị) với các rủi ro và cơ hội đi kèm trong ngắn hạn và dài hạn của công ty. Chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi để đánh giá như: Công ty có nhân sự giỏi để quản lý nguồn lực của mình không? Công ty đối xử với với nhân viên, nhà cung cấp và cổ đông như thế nào? Các quyết định của hội đồng quản trị được thực hiện như thế nào, có thành viên độc lập không, hay chủ tịch có quyền được chất vấn CEO không?
Tất nhiên, các công ty trong các lĩnh vực khác nhau thì thách thức và cơ hội liên quan tới ESG cũng khác nhau. Ví dụ: Các nhà bán lẻ có thể muốn tận dụng xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường để thu hút tệp khách hàng trẻ hơn, rành công nghệ hơn. Hay một nhà sản xuất khác có thể muốn đo lường và giảm lượng khí thải carbon của họ để chuẩn bị cho luật 'thuế carbon' trong tương lai. Trong tất cả các lĩnh vực này, các công ty “làm nhiều hơn, đo lường nhiều hơn và báo cáo nhiều hơn” được cho là có sức hấp dẫn tới chính nhân viên, khách hàng trẻ và ngay cả các nhà đầu tư tiềm năng.
Với nhận thức ngày càng cao về các vấn đề môi trường và xã hội, ông có nghĩ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp mới do những người trẻ thành lập là một lựa chọn tiềm năng giúp thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam? Đâu là cơ hội và thách thức để một startup trẻ phát triển và thực hành ESG trong doanh nghiệp của mình ngay từ giai đoạn đầu?
Người trẻ dễ tiếp thu và sẵn sàng thay đổi, đó là lý do tại sao việc giáo dục người trẻ luôn dễ dàng hơn. Tất nhiên, điều này được hỗ trợ phần lớn bởi các phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng kỹ thuật số. Cá nhân tôi rất tin tưởng rằng thế hệ trẻ Việt Nam – những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tiếp theo của đất nước sẽ tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển bền vững một cách mạnh mẽ hơn nữa. Đây sẽ là thế hệ được hưởng sự giáo dục tốt hơn, và vì thế, cũng nhận thức rõ hơn về những thách thức về môi trường - xã hội mà chính thế hệ họ và con cháu của họ phải đối mặt.
Các công ty khởi nghiệp có thể giúp vượt qua một số thách thức này. Họ có thể chấp nhận rủi ro, cố gắng phát triển các công nghệ và dịch vụ mới cũng như dễ dàng xoay chuyển thích ứng với các tình huống mới hơn Tôi nghĩ ở Việt Nam có nhiều cơ hội đặc biệt tốt cho những doanh nghiệp trẻ như vậy. Chi phí thất bại thấp và chi phí mở rộng quy mô cũng không quá cao.
Nhựa sau khi sử dụng được tái chế thành vật liệu xây dựng dùng trong thiết kế thi công nhiều hạng mục thiết thực như tủ quần áo, bàn ghế,...Hình ảnh: PLASTICPeople
Công nghệ đóng một vai trò to lớn trong quá trình này. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mới của quá trình phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ, bao gồm Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong các mô hình chat GPT được sử dụng phổ biến hiện nay. Các doanh nhân trẻ có thể phát triển ý tưởng của mình nhanh hơn và có thể sử dụng các công cụ AI này để phát triển các phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm đo lường, lập mô hình và triển khai các giải pháp để có những hành động hiệu quả hơn trên từng khía cạnh của ESG.
Cảm ơn ông vì phần chia sẻ trên.
Ông Craig Martin đã có hơn 25 năm xây dựng doanh nghiệp với bề dày kinh nghiệm đầu tư và quản lý quỹ tại các thị trường mới nổi. Ông đã sống và làm việc ở Đông Nam Á từ năm 1993, sống ở Campuchia (bảy năm), Việt Nam (năm năm) và Singapore (13 năm), và đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực trên khắp châu Á.
Vietnam Holding (VNH) là một quỹ đầu tư niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán London, do Công ty Quản lý quỹ Dynam Capital có trụ sở tại Guernsey quản lý. VNH đầu tư vào danh mục các công ty tại Việt Nam có mức tăng trưởng cao đồng thời thoả mãn các tiêu chí Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG). VNH trở thành quỹ đầu tư đầu tiên trong số các quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các Nhà đầu tư có Trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc từ năm 2009. Trong nhiều năm qua VNH đã tích cực tổ chức các hội thảo và diễn đàn để giúp nâng cao nhận thức về các nguyên tắc bền vững trong cộng đồng đầu tư của Việt Nam. Tìm hiểu thêm về Vietnam Holding tại video này.
Dynam Capital là đơn vị quản lý quỹ của VNH cũng là một thành viên của Nhóm Nhà đầu tư Châu Á vì Mục tiêu Khí hậu (AIGCC) với hơn 50 thành viên đến từ 11 thị trường, quản lý khối tài sản trị giá 36 nghìn tỷ USD. |
Comentários