top of page
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

Genderme - Giới và Bình đẳng giới dưới lăng kính của học sinh

Bài viết nằm trong chuỗi bài Những dự án xã hội ấn tượng bởi Gen Z thuộc Series Mở Đường Dẫn Lối, được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.


Genderme - Giới và Bình đẳng giới dưới lăng kính của học sinh
Genderme - Giới và Bình đẳng giới dưới lăng kính của học sinh
 

Thành lập dự án xã hội là cách mà Nguyệt Hà đã tự cho mình cơ hội để dấn thân và khám phá những tiềm năng bên trong. Và bất ngờ thay, thông qua chính dự án, giúp Hà hiểu sâu sắc về chủ đề mà mình đang hướng tới, đồng thời, giúp Hà nhận ra lĩnh vực khiến bản thân hứng thú và tiềm năng để phát triển xa hơn trong lĩnh vực đó.


Trong bài viết hôm nay, Dear Our Community mời các bạn cùng trò chuyện với Nguyệt Hà (hiện là học sinh lớp 12, trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội) - Trưởng dự án Genderme - dự án truyền thông nâng cao hiểu biết của các bạn trẻ về Giới và Bình đẳng giới, thành lập tháng 5/2021.

Hình ảnh: Nguyệt Hà - Trưởng dự án Genderme (thứ 4 từ trái sang)
Hình ảnh: Nguyệt Hà - Trưởng dự án Genderme (thứ 4 từ trái sang)

Trước hết, Hà có thể chia sẻ vì sao bạn lại muốn làm dự án về chủ đề Giới và Bình Đẳng Giới được không?


Cơ duyên để thành lập nên dự án đến từ việc mình là đại sứ của tổ chức ASEAN Youth Organization (AYO). Với vai trò này thì mỗi bạn đại diện mỗi nước sẽ cần thực hiện dự án xã hội tại nước mình và dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của AYO. Lúc này, bản thân mình đã rất yêu thích các vấn đề liên quan về phụ nữ, trẻ em gái, bình đẳng giới tại Việt Nam. Đây là mục tiêu số 5 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Việc bắt đầu từ mối quan tâm của mình để xây dựng dự án sẽ giúp tiết kiệm thời gian và có nhiều động lực để bắt đầu hơn.


Dù vậy, ban đầu mình cũng không dự định sẽ phát triển dự án quá mạnh. Một phần là vì tự ti với tính cách khá hướng nội, và cũng không chắc mình có thể làm đủ tốt. Nên mình bắt đầu với kỳ vọng khá nhỏ để ít áp lực. Làm vì phương châm muốn thử sức, xem mình có thể làm tới đâu, và không ngờ dự án có thể đi được tới hôm nay.

Nguồn: https://vietnam.un.org/vi/sdgs/5
Nguồn: https://vietnam.un.org/vi/sdgs/5

Với Genderme, thì dự án tập trung các khía cạnh giới (nam với nữ); quyền con người; tiêu chuẩn kép và nữ quyền. Ở đây, tiêu chuẩn kép được hiểu những tiêu chuẩn mà một nhóm người phải tuân theo, trong khi nhóm khác thì không. Ví dụ: con trai thì phải học khối tự nhiên, con gái học khối xã hội, con trai không được khóc hay tỏ ra yếu đuối. Hay như việc đàn ông đi làm thì được cho là hoàn thành bổn phận, còn phụ nữ đi làm thì lại bị xem là bỏ bê gia đình. Những tiêu chuẩn kép vẫn tồn tại này tạo ra rào cản vô hình trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.


Đâu là những hoạt động nổi bật của dự án mà bạn rất tự hào?


Genderme tập trung vào các nội dung truyền thông trực tuyến về chủ đề trên. Thông thường là các bài viết cung cấp thông tin, góc nhìn đúng đắn về bình đẳng giới. Ngoài ra, nhóm cũng cố gắng tạo ra nhiều hình thức nội dung đa dạng, giúp đối tượng trẻ tiếp nhận một cách trực quan hơn, và tương tác với kênh nhiều hơn.


Ví dụ, nhóm lên ý tưởng thực hiện video phỏng vấn học sinh và giáo viên trường và những người đi đường mang tên Genderview về góc nhìn của họ về giới và bình đẳng giới. Hay như Gendervoice là podcast về những câu chuyện gần gũi, các khía cạnh trong đời sống của một bạn trẻ. Hay như tổ chức cuộc thi Viết về bình đẳng giới ngay trong đại dịch và nhận về những kết quả rất bất ngờ.

Hình ảnh: Các bài đăng trong cuộc thi viết về bình đẳng giới. Nhiều bạn đã chia sẻ, đại dịch đã khiến bạn nhận ra nhiều vấn đề bất bình đẳng trong chính gia đình mình.
Hình ảnh: Các bài đăng trong cuộc thi viết về bình đẳng giới. Nhiều bạn đã chia sẻ, đại dịch đã khiến bạn nhận ra nhiều vấn đề bất bình đẳng trong chính gia đình mình.

Bên cạnh đó, nhóm cũng cố gắng thực hiện các hoạt động trực tiếp (offline). Đơn cử như sự kiện chia sẻ về chủ đề bình đẳng giới với sự hỗ trợ từ Đại Sứ Quán Mỹ là một trong các sự kiện thành công và ấn tượng nhất mà các bạn thành viên của Genderme đã làm được.


Sắp tới, nhóm dự kiến tổ chức hoạt động tranh biện nhằm tạo ra nhiều không gian để tương tác với các bạn trẻ hơn, đồng thời, khuyến khích sự tham gia và tiếng nói của họ vào vấn đề này.


Ngoài ra, mỗi mùa tuyển sinh, Genderme nhận được vô số đơn ứng tuyển, có mùa nhận tới hơn 500 hồ sơ trong vòng một tháng. Đó là những khích lệ rất lớn với tụi mình.

Hình ảnh: Dự án cung cấp
Hình ảnh: Dự án cung cấp

Trong quá trình truyền thông về chủ đề này, có bao giờ bạn gặp phải những sự cố truyền thông chưa? Và bài học rút ra là gì?


Đó là lần nhóm đăng một bài viết chia sẻ quan điểm về tục cướp vợ của người H'mông. Thời điểm này, chủ đề này đang khá nổi và có nhiều tranh luận trên các kênh truyền thông. Đứng ở góc nhìn của Genderme thì tục lệ này không phù hợp khi đánh giá về khía cạnh bình đẳng giới. Tuy vậy, việc đưa ra những góc nhìn quá thẳng thắn và thiếu sự cân nhắc các yếu tố như văn hoá, phong tục tập quán của cộng đồng này đã khiến bài viết nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn cho rằng, nhóm còn quá non trẻ để có thể nói về vấn đề trên và thể hiện được góc nhìn trung lập. Sau đó, em và các bạn đã phải tìm đến sự tư vấn của các thầy cô. Dù vậy, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau, khiến nhóm khá lúng túng, và đi đến quyết định sẽ ẩn bài đăng và đính chính lại nội dung trên kênh của mình.


Bài học rút ra sau sự cố đấy là việc hiểu sâu và hiểu bao quát về chủ đề mình đang làm là rất quan trọng. Trong nhiều trường hợp, chính sự chủ quan khi không cân nhắc đến các bối cảnh khác nhau đã khiến việc đưa thông tin tạo ra nhiều tranh cãi tiêu cực. Khi tiếp nhận góp ý, nhóm cũng rất cởi mở, và với tinh thần cầu thị để hoàn thiện nội dung tốt hơn. Đây cũng là điểm mà sau 2 ngày thì sự cố này cũng “hạ nhiệt" và nhóm có dịp để ngồi lại trao đổi nội bộ kỹ hơn để cùng học hỏi.

Hình ảnh: Dự án cung cấp
Hình ảnh: Dự án cung cấp

Trong quá trình hoạt động, đội nhóm của bạn có gặp phải những khó khăn nào không?


Với dự án này, khó khăn lớn nhất đó là vấn đề quản lý nhân sự và giải quyết xung đột nội bộ khi bất đồng quan điểm. Đội ngũ khi mới thành lập đã tranh luận rất căng thẳng mỗi khi có những ý kiến khác nhau về định hướng chiến lược cho Genderme. Trong những lần như vậy, em cũng nhận ra là mình có cái tôi khá lớn khi luôn muốn các bạn phải chấp nhận ý kiến của mình là phù hợp nhất. Cái tôi lớn khiến em chưa biết cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ mọi người. Điều này làm ảnh hưởng tới tiến độ của dự án; mặt khác, khi các thành viên không hoà hợp thì môi trường làm việc chung khá là ngột ngạt, nhân sự rời đội ngũ trong những mùa đầu một phần cũng vì lý do trên.


Sang những mùa sau, em nghiệm ra việc tiếp nhận sự đóng góp và công nhận những ý tưởng hay từ mọi người giúp bầu không khí đội nhóm tích cực hơn, mọi người cảm thấy hoà hợp và gắn kết hơn. Điều đó rất quan trọng để có được sự gắn bó dài hạn và ổn định từ các bạn, nhất là khi đây là một dự án học sinh và không có quá nhiều ràng buộc.


Theo góc nhìn của em, đâu là những kỹ năng quan trọng khi thực hiện dự án?


Đầu tiên, em đánh giá kỹ năng làm việc nhóm là cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của dự án. Khó khăn em chia sẻ ở trên ít nhiều có sự liên quan, vì khi đó bản thân em chưa biết cách phối hợp với các bạn khác để làm việc, và gây ra khá nhiều tác hại. Thực tế cho thấy, bạn không thể tự làm một mình, mà chỉ có thể đi xa khi có bên mình một đội nhóm hợp rơ đồng hành.


Kỹ năng giao tiếp cũng quan trọng không kém, khi bạn sẽ phải gặp nhiều đối tác khác nhau như diễn giả, nhà tài trợ, các bạn tình nguyện viên, … Bạn sẽ cần trau dồi khả năng trình bày ngắn gọn, súc tích; hay phải luyện tập việc nói trước công chúng. Mình cũng đã trải qua những thời điểm loay hoay để cải thiện điều này vì bản thân khá hướng nội. Nhưng tới thời điểm này, mình có thể tự tin là đã làm chúng ổn hơn xưa rất nhiều.


Cuối cùng là khả năng lãnh đạo, cùng với khả năng quản lý và vận hành dự án. Hai điểm này sẽ song hành cùng nhau để giúp mọi thứ được trôi chảy và có sự phối hợp tốt nhất.

Hình ảnh: Dự án cung cấp
Hình ảnh: Dự án cung cấp

Các bạn trẻ muốn thực hiện các dự án xã hội thì cần cân nhắc những yếu tố nào để giúp dự án thành công?


Đầu tiên các bạn cần xác định rõ mức độ quan tâm của mình với chủ đề trên có đủ lớn để triển khai thành dự án không? Genderme với mình là đam mê rất lớn, càng làm càng muốn phát triển thêm, ngày nào cũng suy nghĩ ra ý tưởng mới, trao đổi thường xuyên với nội bộ để các bạn luôn được truyền lửa và thấy mình là một phần của hành trình.


Thứ hai, đó là sự sáng tạo. Nhóm luôn cố gắng nghĩ ra những ý tưởng “độc lạ" nhất. Đơn cử như chính logo cho dự án - hình hai chú cá ngựa để hàm ý về sự bình đẳng giới, vì trong tự nhiên cá ngựa đực sẽ mang thai hộ cá ngựa cái. Chính những ý tưởng đó đã giúp Genderme nổi bật giữa nhiều dự án học sinh hiện nay.


Cuối cùng là môi trường làm việc thoải mái để các thành viên không cảm thấy bị áp lực hay bị ra rìa. Bằng những sắp xếp có chủ đích như việc chọn ngẫu nhiên các bạn trong các ban khác nhau để ngồi làm việc chung. Điều này sẽ khiến các bạn phải nói chuyện và tương tác với nhau. Từ đó, thúc đẩy và xây dựng mối quan hệ nội bộ gần gũi, cởi mở hơn.


Dự án Genderme đã ảnh hưởng tới cá nhân Hà như thế nào?


Dự án đã giúp mình trưởng thành và hiểu rõ bản thân hơn. Trước đây, mình chưa từng nghĩ lại hứng thú và phấn khích đến thế khi tìm hiểu sâu về giới và bình đẳng giới. Cá nhân mình học được rất nhiều từ chính những kiến thức đó, rồi tham gia các cuộc thi, các sáng kiến về giới - những trải nghiệm đó giúp mình mạnh dạn hơn.


Ngoài ra, khi chuyên tâm làm dự án, mình được nhiều thầy cô, bạn bè biết đến và còn nhận được những lời mời cộng tác viết về chủ đề trên. Thông qua dự án, nhiều cơ hội mở ra hơn, giúp mình xác định được mối quan tâm và động lực cho cá nhân. Và đó chính là điều ý nghĩa nhất. Do đó, mình cũng hy vọng các bạn trẻ hôm nay cũng sẽ có được những trải nghiệm thú vị đó bằng cách cho mình cơ hội tham gia trực tiếp vào những dự án xã hội như thế này.


Cảm ơn Hà vì phần chia sẻ.

Những dự án xã hội ấn tượng bởi Gen Z là tuyến nội dung nhằm giới thiệu những cá nhân và những dự án xã hội mới do các bạn trẻ thực hiện, nhằm mục đích truyền cảm hứng, khơi gợi sự quan tâm và đóng góp giải pháp từ các bạn trẻ. Tuyến bài thuộc Series Mở Đường Dẫn Lối, được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.

Hãy Theo dõi Dear Our Community để cập nhật nhanh chóng về những nội dung thú vị, và những khóa học sắp sửa ra mắt về Xây dựng chương trình, Gây quỹ và Truyền thông để giúp bạn bắt đầu hành trình nghề nghiệp tạo tác động của mình nhé.




0 bình luận

Xem nhiều

bottom of page