Những thử thách của công việc tạo tác động xã hội
Những công việc tạo tác động xã hội dù mang nhiều cảm hứng mạnh mẽ nhưng cũng sẽ là một hành trình nhiều thử thách, đôi khi bạn sẽ không biết nên bắt đầu từ đâu hay chuẩn bị như thế nào? Việc ý thức được trước một số những khó khăn, thách thức cũng sẽ giúp bạn trẻ trở nên thực tế hơn trước khi bước chân vào nghề. Bài viết này sẽ chia sẻ với các bạn một số thách thức khi làm công việc này.
Đây là một quá trình tự học liên tục
Tại Việt Nam, chưa có nhiều ngành đào tạo về các công việc trong lĩnh vực tạo tác động xã hội, trong khi nhu cầu thực tế được cho là đang gia tăng khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ về môi trường trên trường quốc tế; các công ty, doanh nghiệp cũng đang thể hiện những mối quan tâm mạnh mẽ và nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực để thực hiện những dự án về tác động xã hội (các công việc như nhân viên phụ trách CSR, phụ trách về Bền vững, ESG trong doanh nghiệp); các tổ chức phi lợi nhuận cũng tìm kiếm các ứng viên có kĩ năng, hiểu biết và đam mê trong lĩnh vực này để đi dài hơi. Vì thế, để bắt đầu, có lẽ mỗi bạn trẻ rất cần khả năng tự học, tự tìm tòi và trau dồi cho mình rất nhiều kiến thức, kỹ năng liên quan tới nhóm công việc này từ sớm.
Cụ thể, những hiểu biết chung về các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường, chính sách, luật, xu hướng phát triển tại Việt Nam & trên thế giới sẽ là những ưu tiên đầu tiên hàng đầu. Tại đây, tuỳ thuộc vào mối quan tâm của cá nhân, bạn có thể tự đào sâu vào để tự học. Ví dụ, bạn quan tâm về lĩnh vực bảo vệ môi trường thì có thể phải tự tìm tòi thêm về các thành tố bên trong lĩnh vực này nữa như: các vấn đề về ô nhiễm hiện nay; các vấn đề về lãng phí trong sử dụng năng lượng, năng lượng tái tạo; quản lý - xử lý rác thải, chất thải, …
Các kỹ năng đặc biệt cần thiết khi làm trong lĩnh vực này trước hết phải kể đến kỹ năng quản lý dự án; kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin; kỹ năng truyền thông - giao tiếp. Các kỹ năng này đã có thể bắt đầu được trau dồi khi bạn còn ngồi trên ghế trường đại học, thông qua chính những dự án của CLB, hội, nhóm, khoa. Chủ động trau dồi từ sớm sẽ giúp bạn đỡ bỡ ngỡ khi bước vào công việc thực tế.
Các kiến thức, kỹ năng sẽ luôn gia tăng, do đó, nếu bạn chỉ dừng lại ở phạm vi công việc của mình, bạn sẽ không thể tiến xa. Vì thế, đây sẽ là một hành trình tự học liên tục. Xác định được tâm thế đó, bạn sẽ bước đi cản đảm hơn.
Công việc đòi hỏi một tư duy mở
Công việc tạo tác động xã hội không bị giới hạn ở khối công, tư hay phi lợi nhuận. Mỗi khối đều có những đặc thù riêng, nhưng nhìn chung, công việc sẽ đòi hỏi bạn làm việc với nhiều đối tác khác nhau, và để đạt được sự hiệu quả và những hiệu ứng tốt, sự hợp tác giữa các khối sẽ luôn là ưu tiên.
Người làm công việc này vì thế sẽ cần có tư duy mở để có thể tiếp nhận những góc nhìn, ý kiến khác nhau; cần có tư duy phản biện tích cực và nhìn nhận những đóng góp, thành quả của mỗi đối tác với sự thấu hiểu và công tâm. Vì thế, cũng cần nhận thức để hạn chế những thành kiến, thiên kiến chủ quan có được vì nhiều lý do (hạn chế trong việc cập nhật những xu hướng, thông tin mới; bị ảnh hưởng bởi những mạng lưới nhỏ xung quanh; hay việc làm việc quá lâu trong một môi trường cũng có thể tạo ra những thiên kiến nhất định đối với những môi trường khác )
Điều này đặc biệt quan trọng, vì bạn hoàn toàn có khả năng chuyển đổi môi trường làm việc giữa các khu vực (công - tư - phi lợi nhuận) - tư duy mở sẽ giúp bạn tiếp thu, điều chỉnh và hòa hợp nhanh hơn trong các môi trường mới. Điều quan trọng là, bạn cần xác định rõ mục đích của mình khi làm các công việc này, nếu đó là vì những thay đổi tích cực của cộng đồng, xã hội, thì bạn sẽ biết mình nên lựa chọn như thế nào để đạt được mục đích ý nghĩa đó.
Tạo tác động xã hội là một hành trình dài, đôi khi ta chỉ thấy được kết quả sau nhiều năm
Đây có lẽ là một thực tế mà tất cả chúng ta cần biết để chuẩn bị cho mình tâm lý và tâm thế trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Công việc đòi hỏi những nỗ lực liên tục không ngừng nghỉ để truyền thông vào tạo ra được những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng về một vấn đề cụ thể, rồi từ từ tác động đến hành vi của nhóm cộng đồng đó.
Đơn cử, các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường của tổ chức CHANGE trong suốt 10 năm hình thành và phát triển, thông qua rất nhiều phong trào, nhiều hoạt động đã dần dần tác động tới cộng đồng, khiến cộng đồng ý thức mạnh mẽ hơn về những tác động về môi trường mà mỗi cá nhân có thể gây ra. Những chiến dịch như Gia Vô Vị tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần; hay chiến dịch Quái Nhựa nhằm nâng cao nhận thức của người Việt nói chung, đặc biệt là giới trẻ về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và nguy cơ của nó lên sức khoẻ con người, từ đó kêu gọi cộng đồng ngưng sử dụng nhựa một lần, là một số ví dụ điển hình trong hành trình 10 năm tạo thay đổi trong cộng đồng của tổ chức.
Hay các nỗ lực của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Vietnam) trong việc vận động những chính sách về các vấn nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, hay bảo tồn đa dạng sinh học. Theo báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF năm 2020, chỉ trong vòng 50 năm qua, số lượng quần thể các loài hoang dã đã giảm 68%. Ở khu vực sông Mekong, khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Cửu Long, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên đã giảm 78% trong giai đoạn 2000 tới 2015. Hiện nay, WWF đang hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan trực thuộc hai bộ và các đối tác thực hiện 32 dự án, giá trị hơn 58 triệu USD, trong những nỗ lực tạo ra những tác động tích cực cho xã hội & môi trường tại Việt Nam.
Tạo tác động xã hội chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, dù đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự chuẩn bị và kiên trì nhưng sẽ là một hành trình ý nghĩa và đáng để theo đuổi nếu bạn thực sự mong muốn tạo ra được những tác động tích cực cho chính cộng đồng, môi trường mà mình đang sống.
Đừng quên theo dõi Dear Our Community để tiếp tục được cập nhật thêm nhiều nội dung hữu ích, các chương trình, khóa học dành riêng cho các bạn trẻ đang bước những bước đi đầu tiên trên hành trình này.
Commentaires