top of page

Biến “điều mình làm tốt nhất” thành ý tưởng khởi nghiệp - Dự án MỞ - Mơ và Hỏi


Nguyễn Quang Tùng là chủ nhân của trang blog cá nhân Akwaaba, Tùng với hơn 43 nghìn lượt theo dõi


Với mong mỏi được quay về nước làm giáo dục và tìm kiếm một “cộng đồng” nơi mình thuộc về đã khiến Tùng tạo ra dự án MỞ - Mơ và Hỏi - một dự án giáo dục kết nối và thúc đẩy sự phát triển của người trẻ Việt qua những cộng đồng nhỏ hình thành từ “các trải nghiệm học” trực tuyến.


Cuộc trò chuyện giữa Dear Our Community và Tùng sẽ xoay quanh những góc nhìn, những trăn trở của một bạn trẻ đang trưởng thành, dấn thân và khai phá tiềm năng của chính mình thông qua dự án này.

Nguyễn Quang Tùng (bên trái)
Nguyễn Quang Tùng (ngoài cùng bên trái)

Dự án có cái tên rất gợi mở, và khiến người khác thấy tò mò. Tùng có thể mô tả kỹ hơn về dự án của mình không?


Như tên gọi, dự án MỞ - Mơ và Hỏi ra đời với mong muốn mang lại cảm hứng, khuyến khích và tạo môi trường để người tham gia nuôi dưỡng sự tò mò. Tôn chỉ ấy dựa trên niềm tin cốt lõi rằng: Chỉ khi bạn học cho chính mình, đó mới là một cách học đúng nghĩa. Do đó, trong suốt thời gian hoạt động, chúng mình hướng tới xây dựng một cộng đồng cùng tò mò về thế giới, là mái nhà cho mọi cái đầu mở và luôn sẵn sàng mơ, đặt câu hỏi không ngừng và không cảm thấy cô đơn trên hành trình học tập đó.


Tụi mình mở ra nhiều lớp học trực tuyến để dạy những thứ nhà trường không dạy. Mình đã đi và gặp nhiều bạn tuy còn trẻ nhưng khối lượng kiến thức rất phong phú và chuyên sâu, đi cùng sự nồng nhiệt khi các bạn chia sẻ những tri thức đó cho người xung quanh. Do đó, mình mong muốn có thể kết hợp với các bạn ấy để truyền tải những nội dung đó tới những bạn trẻ khác có cùng mối quan tâm.


MỞ bắt đầu với đam mê muốn được chia ngọn lửa tri thức và lòng ham học hỏi đó tới nhiều bạn hơn nữa.


Trong 2 năm đầu tiên, MỞ có tới 25 lớp học khác nhau với đủ loại chủ đề từ phim ảnh, triết học, chính trị, … với 25 giáo viên đứng lớp. Mình đã phải làm việc cật lực trong khoảng thời gian này để cùng với giáo viên xây dựng bài giảng và thiết kế lộ trình học tập cho học viên.


Tuy nhiên, sau một năm triển khai, mình nhận ra nhiều vấn đề của dự án. Việc có quá nhiều khóa học khiến MỞ mất đi sự tập trung và bị phân tán nguồn lực, cũng như việc phải duy trì và tuyển sinh liên tục cho 25 lớp khiến đội ngũ bị quá tải.


Sang năm thứ hai, tụi mình rút lại còn 3 lớp chính, bao gồm Viết phản tư, Học cách học và Writing on the net, mặc dù vậy thì cả nhóm vẫn nhận thấy chưa thực sự làm tốt cho cả 3 lớp này. Mỗi mùa tuyển sinh lại là một “vòng tròn đau khổ”, nào là phải tinh giản lại quy trình, làm sao để luôn có được số lượng học viên đủ cho từng lớp, ... Và do đó, MỞ cũng đã đi đến một quyết định khó khăn, đó là chỉ tập trung phát triển một sản phẩm duy nhất và tốt nhất của dự án mang tên “Writing on the net". Nhóm muốn làm một sản phẩm thật tốt, với 100% sự tập trung và đầu tư phù hợp với nguồn lực hiện tại. Sau khi có được kết quả tốt, MỞ sẽ áp dụng những quy trình và cách thức hiệu quả rút ra để mở tiếp những khóa học tiếp theo.


Mọi người đang họp mặt
Writing On The Net 2 - Nguồn ảnh: MỞ - Mơ và Hỏi

Trong quá trình thành lập dự án MỞ - Mơ và Hỏi, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là gì và MỞ ã giải quyết điều đó như thế nào?


Mình nghĩ khó khăn lớn nhất là đưa ra quyết định chọn lựa một ngách của thị trường mục tiêu và tập trung tạo ra giải pháp để đáp ứng cho thị trường đó. Ở đây, mình nhấn mạnh sự tập trung là cực kỳ quan trọng. Thời gian đầu, mình nghĩ dự án MỞ - Mở và Hỏi cũng đã quá tham vọng và ôm đồm nên đã không thể tận dụng tối đa nguồn lực và đầu tư cho thật tốt một sản phẩm, rồi sau đó mới mở rộng ra. Ban đầu MỞ đi con đường phổ biến là làm nhiều thứ cùng một lúc nên đã tốn mất hai năm để thử sai, đây là bài học đắt giá cho bất kỳ dự án khởi nghiệp nào.


Còn về thị trường, thì hãy xác định con số đủ lớn với dự án. Ví dụ, MỞ hướng tới nhóm người muốn viết blog tại thị trường 100 triệu dân ở Việt Nam, trong đó có khoảng 50 triệu người sử dụng internet. Xác định cung cấp dịch vụ cho 1% của số lượng đó, thì tương đương với 500.000 người. MỞ sẽ cần tới 5.000 lớp học (với 100 học viên/lớp) để đáp ứng được nhu cầu của tệp khách hàng đó. Khi nhìn vào con số 500.000 người thì mình thấy bấy nhiêu là đủ để thực hiện dự án rồi. Và con số đó quan trọng hơn là chỉ nhìn vào 1% kia.


Khi chọn lợi thế cạnh tranh cho lớp học viết blog này, mình cũng đã suy nghĩ rất nhiều về điều gì sẽ thu hút và giữ chân người học, nhất là trên môi trường trực tuyến. Và sau khi nghiền ngẫm, thì tụi mình chọn yếu tố “cộng đồng" - tạo ra một cộng đồng cùng nhau học tập. Để xây dựng được một cộng đồng có tính gắn kết và tương tác cao, tụi mình đã nghiên cứu rất nhiều cách làm để hiểu cách xây dựng, tạo ra trải nghiệm học tập, tạo ra cảm giác “thuộc về" cho tất cả những ai đã có điểm chạm với MỞ. Đó là điều tụi mình hướng tới, và vẫn đang học và áp dụng mỗi ngày tại MỞ.


Hai người đang ngồi nói chuyện

MỞ đo lường hiệu quả các lớp học như thế nào?

MỞ đo lường mức độ hiệu quả học tập của lớp bằng nhiều cách. Ví dụ như mình sẽ đo lường xem người học có viết đủ 30 bài/ khoá hay không? Đây là thang đo đầu tiên và quan trọng để xác định người học có thực sự dành thời gian và nghiêm túc với khóa học hay không. Ngoài cách này, MỞ còn phỏng vấn với từng học viên để ghi nhận sự đánh giá, hiểu rõ hơn những nhu cầu hay vấn đề đang gặp phải trong quá trình học để đề ra cách giải quyết phù hợp, giúp nâng cao trải nghiệm học tập và có thể đạt được kết quả như kỳ vọng. Bên cạnh đó, MỞ cũng có cơ chế khuyến khích khi tặng lại học viên tới 1 triệu đồng nếu hoàn thành được 25-30 bài viết/khoá. Đây cũng là một trong những “trigger" giúp học viên thấy hứng thú để nỗ lực hoàn thành bài tập.


ảnh trên facebook

Nếu có vài điều để chia sẻ với những bạn đang ấp ủ giấc mơ thực hiện một dự án cá nhân, thì Tùng sẽ chia sẻ điều gì?

Mình nghĩ sẽ có 3 từ khoá gửi đến các bạn.


Đầu tiên, đó là tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp là giải quyết vấn đề bạn gặp phải và bạn biết rất nhiều người khác cũng gặp phải. Khi nhìn điều này ở góc độ kinh doanh, thì bạn cần xác định bạn muốn làm toàn thời gian hay đó chỉ là một dự án phụ? Bạn có muốn kiếm sống từ công việc đó không? Bạn cần trả lời được những câu hỏi đó để xác định thời gian, công sức, tiền bạc đầu tư vào dự án.


Thứ hai, đó là tư duy thiết kế. Bạn cần quan sát và đặt nhiều câu hỏi như: Đã có ai giải quyết vấn đề này chưa? Nếu có rồi thì bạn có thể gặp nói chuyện hoặc tham gia cùng họ để giải quyết vấn đề. Nếu không thấy hiệu quả thì bạn cần tìm những giải pháp tối ưu hơn. Quan trọng là: bạn cần đi tìm giải pháp cho cộng đồng mình hướng tới, thay vì đi tìm cộng đồng cho điều bạn muốn. Tiếng Anh mình có câu là “Never find users for your product, always find solutions for your users”.


Thứ ba là “Do Things that Don't Scale” - đây là câu nói của Paul Graham, khi ám chỉ tầm quan trọng của việc dành thời gian để thật sự hiểu khách hàng thông qua những tương tác mang tính cá nhân với chính khách hàng. Qua đó, giúp bạn hiểu được khách hàng mục tiêu và có thời gian để đánh giá lại ý tưởng hay giải pháp của mình ngay từ giai đoạn đầu tiên. Những sản phẩm đầu tiên luôn có lỗ hổng nên điều này là hoàn toàn cần thiết để hoàn thiện sản phẩm, từ đó, tìm ra được lợi thế cạnh tranh cho dự án của mình.


Như cách MỞ tìm được lợi thế của mình là tạo dựng một cộng đồng học tập gắn kết, nhiều tương tác, an toàn và cùng nhau phát triển. Nếu không dành thời gian để tìm ra được “nỗi đau” lớn nhất của khách hàng mục tiêu, thì MỞ đã không thể định vị và làm nổi bật được mình giữa rất nhiều khoá học viết blog như hiện nay.


Mình biết ơn vì hành trình khởi nghiệp này đã mở ra cho mình nhiều cơ hội mới, nhiều bài học mới. Hơn hết, giúp mình hiểu hơn về bản thân, về khả năng và tiềm năng của mỗi người nếu có môi trường để chúng ta tìm tòi và phát huy tối đa.

Một người đang đứng nói

Cảm ơn Tùng vì buổi trò chuyện thú vị này.


Người viết bài: Vũ Thị Huyền Trang

Biên tập: Dear Our Community


0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page