top of page

Ngôn ngữ và khoảng cách thế hệ từ góc nhìn một nhà báo trẻ – Sen Nguyễn

Sen đến với sự nghiệp báo chí một cách rất tình cờ. Sau khi hoàn thành chương trình cấp 3, Sen từng được bố khuyên rằng nên chọn ngành báo chí hoặc công an để có thể dễ dàng tìm được việc làm nhờ vào mối quan hệ của bố. Vì không muốn dựa dẫm vào bố mẹ, Sen quyết định chọn ngành ngôn ngữ học khi đạt được học bổng du học ở Hàn Quốc. Trong thời gian học ở trường, Sen có duyên gặp người bạn cùng lớp là biên tập viên của một tạp chí tiếng Anh cho trường, ấn tượng với trình độ tiếng Anh của Sen nên đã mời Sen viết cho tòa soạn trong vai trò thực tập viên. Sen đâu ngờ chính cơ hội bất ngờ lại này khiến Sen vô tình bước chân vào nghề làm báo. 


Có thể nói, Sen là một trong số ít những nhà báo người Việt viết báo bằng tiếng Anh, đặc biệt lại viết về chủ đề xã hội, môi trường ở Việt Nam. Chính nhờ sự tò mò, ham muốn học hỏi và am hiểu về văn hoá của cộng đồng địa phương, Sen tin mình có thể mang lại sự khác biệt với những nhà báo ngoại quốc viết về Việt Nam khác – những người có lẽ không thể rành rẽ hoàn toàn về tiếng nói, văn hoá, góc nhìn đa dạng và nhiều sắc màu từ những cộng đồng người dân tại Việt Nam. Cũng nhờ thế, Sen có thể dễ dàng truyền tải được những vấn đề, câu chuyện từ quê hương mình đến với độc giả toàn cầu mà không hề làm phai nhòa màu sắc đặc trưng của địa phương.


Tuy với khả năng ngôn ngữ tiếng Anh rất tốt, một điều thú vị là Sen chưa bao giờ đi đến một quốc gia nói tiếng Anh ở phương Tây nào, bên ngoài thời gian đi học ở Hàn Quốc. Có nhiều người lầm tưởng Sen là Việt Kiều đang viết báo tiếng Anh, những nhận định như thế là một áp lực không nhỏ khiến Sen càng không ngừng phải cố gắng để nâng cao cách sử dụng ngôn ngữ, chất lượng bài viết của mình từng ngày. 


Sen cho rằng, mỗi người chúng ta có những cách thể hiện bản thân, bày tỏ cảm xúc khác nhau thông qua ngôn ngữ. Đối với Sen, việc bộc lộ cảm xúc bằng tiếng Anh thì dễ hơn tiếng Việt. Không phải là vì tiếng Việt ta ít từ ngữ biểu đạt cảm xúc, mà là vì chính trải nghiệm của Sen từ nhỏ được dạy tiếng Việt ở trường. Khi còn đi học, Sen cảm giác mình bị gò bó trong những bài văn mẫu tiếng Việt, những dàn ý, cấu trúc bài được dựng sẵn, buộc mình phải tuân thủ theo. Chính việc này đã thu hẹp khả năng sáng tạo và diễn đạt ý tưởng, suy nghĩ bằng tiếng Việt của Sen. Ngược lại, Tiếng Anh cho phép Sen có thể tự do tư duy và biểu đạt cảm nghĩ của chính mình. 


Nhưng trớ trêu rằng, chính điều này lại khiến Sen khó biểu lộ tâm tư, nguyện vọng với bố mẹ của mình, những người không thể trao đổi với Sen bằng thứ ngôn ngữ mà Sen cảm thấy tự do nhất. Kể cả mong muốn tâm sự với bà ngoại – người phụ nữ kiên cường nuôi lớn 7 người con trong thời chiến, người mà Sen vô cùng ngưỡng mộ – để hỏi han về quá khứ và lịch sử gia đình mình. Sen sợ rằng, cách diễn đạt ngôn ngữ không phù hợp có thể vô tình làm tổn thương bà mình khi nhắc lại quá khứ đau buồn. 


Đối với Sen, đây là một nghịch cảnh. Bởi bố mẹ của Sen đã dốc hết sức mình hỗ trợ Sen trong việc học tiếng Anh, để cho Sen cơ hội giáo dục tốt hơn, có cuộc sống tốt hơn thế hệ của bố mẹ. Những nỗ lực ấy đã đưa đến thành quả là sự nghiệp mà Sen có được ngày hôm nay – là trái ngọt trên cành cây xanh tốt nhờ sự cố gắng của cả gia đình, nhưng có lẽ bố mẹ Sen sẽ không thể nào tận mình nếm được những trái ngọt ấy – có thể đọc và hiểu những bài viết trên báo của Sen, vì họ không hiểu được tiếng Anh. 


Khoảng cách thế hệ không phải là đề tài mới, đặc biệt khoảng cách này càng lớn giữa những thế hệ từng trải qua chiến tranh và thế hệ chưa bao giờ biết chiến tranh là gì. Chính trải nghiệm rất khác biệt đó sẽ tạo ra những mong ước, góc nhìn rất khác nhau của chính những người sống chung trong một gia đình. Nếu chúng ta không bắt đầu tìm cách thu hẹp khoảng cách này từ bây giờ, thì sự đứt gãy kết nối giữa các thế hệ sẽ chắc chắn diễn ra và rồi sẽ lập lại với chính chúng ta và thế hệ con cháu ta sau này. 


Bạn có thể nghe lại toàn bộ câu chuyện trải nghiệm này của Sen trên podcast Dear Our Community tại đây: https://dearourcommunity.com/podcast/esp-4-ngon-ngu-lam-bao-va-khoang-cach-the-he-sen-nguyen/

Để đọc những bài viết của Sen trên các báo, vào trang này. 

Tác giả: Minh Cao

Hiệu đính: Võ Ngọc Tuyền

0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page