top of page
Bài viết mới nhất
Xem nhiều

Tác động xã hội bền vững với doanh nghiệp xã hội – Hồ Thái Bình

Nhận thức của cong người về tác động của xã hội:

Trong thập kỷ vừa qua, nhận thức của con người về những tác động của xã hội và môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên toàn cầu thì Việt Nam vẫn đang bị tụt lại so với các nước phát triển. Đây không phải là vấn đề về nhận thức hay quan niệm của người Việt, mà là do tính chất của hoạt động thương mại. Trong khi mục đích lớn của doanh nghiệp là thu được lợi nhuận, thì mục đích của công tác xã hội, thiện nguyện là để cống hiến và đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng. Vì vậy, việc tìm ra được một “phương pháp kép”, để doanh nghiệp có thể kết hợp được cùng lúc hai công việc: thu vào lợi nhuận và tạo ra ảnh hưởng tốt cho xã hội là vô cùng khó, thậm chí được xem là một điều bất khả thi. Vậy ta phải làm cách nào để có thể vừa tạo ra các tác động xã hội, môi trường tích cực mà vẫn giữ được tính bền vững trong hoạt động của công ty và tổ chức?


Hồ Thái Bình, Giám Đốc của Survival Skills Vietnam (SSVN) – một tổ chức được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức về kỹ năng sinh tồn thông qua những kiến thức cơ bản về Sơ Cấp Cứu. Sinh ra và lớn lên tại Vũng Tàu, Bình sống trong một khu dân cư khá phức tạp, anh từng chứng kiến nhiều học sinh cầm mã tấu đánh nhau và vô vàn những cảnh tượng tệ nạn, bạo lực khác. Vì hoàn cảnh này, mẹ đã hạn chế không cho anh ra đường. Dành phần lớn thời gian ở nhà, anh thường theo dõi các kênh truyền hình khoa học như Discovery, National Geography, Animal Planet. 


Nhờ chúng mà anh được mở mang tầm mắt về những vấn đề lớn trên thế giới như nạn đói, nạn tuyệt chủng, biến đổi khí hậu, hay nạn ăn thịt rừng. Đây chính là động lực đầu tiên thúc đẩy anh tham gia vào những hoạt động xã hội. Khi còn học cấp 3, anh Bình thường cố gắng thuyết phục bạn bè di chuyển bằng những phương tiện công cộng như xe buýt, hoặc dùng xe đạp để giảm thiểu lượng khói thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng lúc đó, như con cừu đen lọt thỏm giữa bầy cừu trắng, anh cảm thấy lạc loài vì không ai hiểu được ý mình và cũng chẳng ai buồn làm theo. 


Cho đến sau khi tốt nghiệp cấp 3, Bình đã đến với đại học RMIT, một môi trường với nhiều tư tưởng cởi mở, nơi anh gặp được những người bạn có cùng quan điểm với mình. Anh đã cùng họ thành lập câu lạc bộ môi trường và đã tạo ra một bước đột phá, đem lại một thay đổi lớn mang tính hệ thống và bền vững ngay tại RMIT. Sau 2 năm hoạt động, câu lạc bộ của anh đã thúc đẩy RMIT chuyển sang sử dụng vật liệu giấy thay vì bao nylon, đồng thời lắp đặt các thùng phân loại rác trong khuôn viên trường. Về sau, Bình theo đuổi đam mê lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành tài chính ở Úc và vẫn tích cực tham gia hoạt động Environment Collective của trường. 


Lấy cảm hứng từ bài luận án về thuế carbon của môn học tự chọn, sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ, anh đã quyết định quay về Vũng Tàu và làm việc cho bộ “Quản Lý Công Nghiệp” trong 5 năm tới để tạo ra những thay đổi cho xã hội bằng cách tham gia vào lĩnh vực quản lý của nhà nước. Trong khoảng thời gian này, anh vô tình biết đến Survival Skill Việt Nam và quyết định tham gia đồng hành. Nhờ đó, anh mới bắt đầu thật sự hiểu được tầm quan trọng, sự thiết yếu của sơ cấp cứu trong đời sống của chúng ta. Hàng năm, thế giới mất đi rất nhiều mạng người trong những tình huống hoàn toàn có thể cứu được nếu như được sơ cấp cứu kịp thời. Trước đó, anh đã gặp khó khăn để tìm được một ứng dụng trên điện thoại chứa các thông tin ngắn gọn dễ hiểu về sơ cứu. Vì cảm phục ý tưởng của hai nhà sáng lập từ Survival Skills Vietnam, anh đã ngỏ lời giúp tổ chức xây dựng một ứng dụng với nội dung sơ cấp cứu dễ hiểu, dễ sử dụng cho người Việt Nam, để kiến thức quan trọng này có thể đến với được nhiều người hơn.


Cứ thế vào mỗi tối, sau khi hoàn thành công việc chính, anh đã tự mày mò ngồi với các dòng code để xây dựng chiếc app Survival Skills với kỹ năng coding tự học của mình. Ở Việt Nam, những quan niệm lệch lạc về sơ cấp cứu vẫn còn tồn tại rất nhiều. Đầu tiên, sơ cấp cứu là những thao tác vô cùng đơn giản mà ai cũng có thể làm được, không nhất thiết phải là người có chuyên môn y tế. Việc sơ cứu của chúng ta là giúp cho tình trạng của nạn nhân không trở nên xấu đi, còn việc cứu sống là việc của bác sĩ. Thứ hai, trừ khi bạn cố tình làm hại người khác, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm khi có chuyện xấu ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình sơ cấp cứu cho người đang gặp nạn. Thứ ba, bạn sẽ không phải thanh toán bất cứ khoản viện phí nào của nạn nhân hay phí thuê bao điện thoại khi gọi 115. Thứ tư, không nên trách những người không đến giúp vì nguyên tắc thứ 2 của sơ cấp cứu là phải đảm bảo được sự an toàn cho bản thân. Ngoài ra, trong tình huống khẩn cấp, những người không được qua đào tạo huấn luyện, chưa được chuẩn bị tinh thần thường dễ rơi vào trạng thái choáng váng và bối rối, không biết nên làm gì và khó bình tĩnh để suy nghĩ logic được. Và cuối cùng, hiểu biết về sơ cấp cứu không chỉ có thể giúp bạn cứu sống người thân gia đình, những người xung quanh bạn mà còn có thể cứu chính bản thân bạn nữa. Trong trường hợp bạn gặp tai nạn, thì bạn có thể tự sơ cứu cho mình hoặc hướng dẫn người khác làm trong trường hợp bạn vẫn còn tỉnh táo. 


Sau rất nhiều hoạt động cộng đồng sôi nổi khác nhau, đến khi tìm được Survival Skills Vietnam, Bình cảm thấy bản thân nhẹ nhõm, thoải mái hơn khi không còn phải làm việc ngày đêm để cố gắng duy trì cả hai thứ: công việc ăn lương và hoạt động cộng đồng. Thay vào đó, anh đã tự tìm thấy một mô hình phù hợp cho bản thân, nơi mà anh vừa thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động xã hội, tạo tác động tích cực cho cộng đồng, vừa có thể tạo ra thu nhập bền vững cho doanh nghiệp của mình. Với những bạn trẻ muốn đi theo con đường này, anh Bình chia sẻ, bạn không cần nhất thiết phải hy sinh tài chính để đóng góp cho các hoạt động cộng đồng, tuy rằng tìm ra được điểm giao nhau giữa lợi nhuận bền vững và phát triển xã hội là một hành trình không dễ dàng, nhưng chúng ta vẫn nên tiếp tục, không ngừng thử và trải nghiệm, biết đâu, không những bạn lại đạt được thành quả ngoài mong đợi mà còn tìm được con đường mà bản thân thấy hạnh phúc. 


Bạn có thể nghe lại toàn bộ câu chuyện trải nghiệm này của Sen trên podcast Dear Our Community tại đây: https://dearourcommunity.com/podcast/esp-5-tim-kiem-con-duong-ben-vung-tai-chinh-va-tac-dong-xa-hoi-lau-dai-ho-thai-binh/


Tác giả: Minh Cao

Hiệu đính: Võ Ngọc Tuyền

0 bình luận

Xem nhiều

bottom of page