top of page

Khi phát triển bền vững được mang vào nội dung giảng dạy

Bài viết nằm trong series “Mở đường dẫn lối" được đồng hành bởi Standard Chartered để hỗ trợ giới trẻ tìm hiểu, ứng dụng ESG để thúc đẩy Phát Triển Bền Vững tại Việt Nam.



Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từng đưa ra tuyên bố giáo dục là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực của cá nhân, cộng đồng để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển" nhằm nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của giáo dục trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành một trong những vấn đề lớn nhất trên toàn cầu.


Tại Việt Nam, đã có nhiều thảo luận về việc lồng ghép giáo dục về phát triển bền vững trong nội dung giảng dạy cũng như trong các hoạt động thiết thực tại trường, với mục tiêu, tạo ra một thế hệ trẻ không chỉ có kiến thức mà còn quan tâm tới nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, xa hơn là định hình cách sống, lối sống cũng như sự phát triển về nghề nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, vai trò của nhà trường và thầy cô giáo trở nên rất quan trọng trong việc gieo mầm và nuôi dưỡng tư duy phát triển bền vững của học sinh.


Trong bài viết này, Dear Our Community trao đổi với các bạn học sinh, đại diện trường ISHCMC, bà Preet Dhaliwa - Trưởng bộ phận Dịch vụ & Bền vững để mang đến những góc nhìn và ví dụ chân thực về cách Trường Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh (ISHCMC) đã và đang nuôi dưỡng tư duy phát triển bền vững của các bạn học sinh như thế nào.


Xin chào Maddies và Lucas, các em có thể chia sẻ mình đã học được những điều gì về phát triển bền vững qua chương trình học tại ISHCMC không?


Lucas (học sinh khối 6): Trước đây, phát triển bền vững đối với em chỉ dừng lại ở việc tái chế những thứ mình không dùng nữa, ví dụ em thường thu gom để tái chế các sản phẩm từ nhựa,. Nhưng khi được học sâu hơn về phát triển bền vững trong những nội dung được giảng dạy tại nhà trường, bây giờ em hiểu rằng phát triển bền vững rộng lớn hơn rất nhiều, và bao trùm nhiều khía cạnh khác nhau, như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,... cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Em hiểu hơn về quy trình xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà, em nhận ra rằng điểm đến cuối cùng của rác thường là chôn lấp dưới đất có thể gây ô nhiễm đất và nguồn nước, những nhận thức như thế khiến em suy nghĩ rất nhiều về cách mình đang tiêu thụ và thải rác mỗi ngày.


Maddie (học sinh khối 7): Em tìm được nhiều điều thú vị trong tiết học về Đổi mới sáng tạo (Innovation), ví dụ như hiểu hơn về các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững của Liên Hiệp Quốc, được hướng dẫn kết nối những Mục tiêu ấy với sở thích của cá nhân em. Điều này giúp em dễ dàng hiểu và hành động hướng đến sự bền vững hơn. Em học được thêm về khái niệm dấu chân carbon mà mỗi người có thể tạo ra, và cách để giảm thiểu thải carbon từ những việc em làm hàng ngày. Như việc hạn chế sử dụng nhựa một lần, luôn mang theo túi vải của mình để đựng đồ, hay mang theo bình nước cá nhân để không phải mua chai nước nhựa ở cửa hàng.


Maddie (trái) và Lucas (phải) trong buổi chia sẻ

Jun và Alina đều đang là trưởng các dự án tại trường, hai em có thể chia sẻ thêm về dự án của mình và mối liên kết của dự án tới phát triển bền vững được không?


Jun (học sinh khối 12): Dự án làm vườn là một trong nhiều dự án CAS (Creative. Activities Services) của học sinh tại ISHCMC. Mục tiêu của dự án là tạo ra một nơi mà học sinh có thể tìm hiểu về thực vật, về nguồn gốc của thức ăn, nhằm tạo ra một không gian xanh hơn bên trong ISHCMC, đồng thời, có thể góp phần nhỏ bé trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính ngay chính bên trong trường học. Cá nhân em khi thực hiện dự này cùng với sự đồng hành của cô Preet cũng nhận ra nhiều vấn đề lớn hơn. Ví dụ như ô nhiễm không khí, tình hình nóng lên toàn cầu vì sự suy giảm trầm trọng của rừng và những mảng xanh ở các đô thị; hay vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh cũng sẽ được cải thiện nếu không gian trong trường học có thêm nhiều mảng xanh; bên cạnh đó, em hiểu thêm việc tự chủ nguồn cung thực phẩm tại gia đình cũng có thể góp phần làm giảm lượng thải carbon vì giảm đi số lần vận chuyển thực phẩm tạo ra khí thải không tốt cho môi trường. Đây là những kiến thức mà dự án của bọn em đang nỗ lực để truyền tải đến nhiều bạn khác trong trường.


Alina (học sinh khối 12): Hiện em đang làm trưởng nhóm dự án Korean International Student's Society, với mục tiêu lan toả văn hoá Hàn Quốc trong cộng đồng, đồng thời nâng cao sự hiểu biết về tầm quan trọng của việc duy trì di sản văn hóa trong bối cảnh đa dạng văn hoá tại trường học hiện nay. Một hoạt động cụ thể trong dự án này là nhóm bọn em đã tự làm và bán kim chi (một món ăn truyền thống của Hàn Quốc) cho chính học sinh và giáo viên của trường để gây quỹ. Sau đó, nhóm quyên tặng số tiền đó cho các bệnh nhân không có đủ chi phí để phẫu thuật tại một bệnh viện trong thành phố. Hoạt động này không chỉ giúp các thành viên của dự án tự tin hơn về những việc mình có thể làm được, xây dựng kỹ năng cá nhân, mà qua đó đóng góp được nhiều hơn cho cộng đồng xung quanh.


Alina (trái) và Jun (phải) trong buổi chia sẻ

Adorbsies - Dự án làm băng vệ sinh từ vỏ trái thanh long - đã giành giải Earth Prize trị giá 100,000$ (2022) là một sáng kiến đến từ hai em Dorothy và SeungHyun, hai học sinh đến từ trường ISHCMC.


Hai em có thể chia sẻ lý do vì sao dự án này được hình thành?


Dorothy Tran (học sinh khối 11):

Một lần nọ, em được người bạn giới thiệu về Earth Prize, em thấy chương trình rất thú vị và muốn tham gia để thử sức, vì giải thưởng về các sáng kiến môi trường nên tất cả nhóm dự thi đều muốn có thể đóng góp giải pháp giúp cải thiện tình trạng môi trường hiện nay.


Thời điểm đó, đại dịch xảy ra ở Việt Nam đã khiến nhiều sản phẩm nông sản không xuất khẩu được, trong đó có trái thanh long, một loại trái cây rất nổi tiếng từ Việt Nam và được nhiều người yêu thích.


Nhóm em nghĩ ra một sáng kiến là tại sao không thử sử dụng vỏ trái thanh long để sản xuất băng vệ sinh. Rất may là trong nhóm có một thành viên, mẹ bạn ấy là nhà khoa học nên đã giúp bọn em giải đáp được ngay từ đầu câu hỏi quan trọng về khả năng ứng dụng của sáng kiến này.


Với đặc tính thấm hút rất nhanh, và thân thiện với môi trường nên băng vệ sinh từ vỏ thanh long có thể được sử dụng như một sự lựa chọn thay thế cho băng vệ sinh thông thường (với hơn 90% làm từ nhựa). Qua đó, có thể vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ và có sẵn tại Việt Nam, đồng thời góp phần giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm băng vệ sinh từ nhựa - chất liệu thường mất tới gần 500 năm để phân huỷ ngoài môi trường tự nhiên nếu chưa qua xử lý.


Trong quá trình làm dự án, bọn em cũng nhận ra một thực tế là băng vệ sinh cũng là một trong những khó khăn lớn trong việc phân loại rác thải hiện nay. Do đó, nếu vấn đề này được giải quyết tốt thì cũng góp phần vào nỗ lực xử lý rác thải tại Việt Nam.


Dorothy Tran (trái) & SeungHyun (phải) trong buổi chia sẻ

SeungHyun (học sinh khối 11): Dự án góp phần tạo tác động về mặt xã hội khi đã truyền cảm hứng rất lớn cho các bạn học sinh tại Việt Nam và trên toàn thế giới tự tin tham gia đề xuất ý tưởng, để giải quyết các vấn đề môi trường nhức nhối, và rằng: mỗi cá nhân nhỏ bé đều có thể tạo ra những sự thay đổi tích cực.


Em đánh giá vai trò của trường ISHCMC trong việc hỗ trợ nhóm triển khai sáng kiến này như thế nào?


SeungHyun (học sinh khối 11): Em nghĩ trường đã tạo cho chúng em một môi trường mà ở đó bọn em có thể tiếp cận những khái niệm về phát triển bền vững từ rất sớm. Trường cũng là nơi nuôi dưỡng và khơi gợi suy nghĩ của các học sinh như em về vai trò của cá nhân, về trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường, con người và sự phát triển hài hòa trong xã hội. Em nhìn thấy thế hệ của bọn em đang sống trong một thời đại mà tính bền vững được xem là rất quan trọng đối với sự sinh tồn của trái đất. Do đó, em nhận thấy mình phải hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy và bảo vệ sự bền vững, để những thế hệ sau em vẫn còn có thể tiếp tục thụ hưởng nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất chung này.


Hoạt động ngoài giờ tại ISHCMC

Còn đối với bà Preet, bà có thể chia sẻ về lý do giáo dục về phát triển bền vững lại quan trọng trong thế giới hôm nay? Bà có thể chia sẻ những sáng kiến mà ISHCMC đã triển khai để thúc đẩy hiểu biết của học sinh về phát triển bền vững?


Phát triển bền vững đang là chủ đề nóng nhất hiện nay khi mọi người trên thế giới đang đối diện với một cuộc khủng hoảng chung đến từ biến đổi khí hậu và tình hình nóng lên toàn cầu. Từ đó, thúc đẩy các tổ chức giáo dục phải đánh giá và chuyển đổi mô hình giảng dạy để nuôi dưỡng những hạt mầm bền vững: các em học sinh, làm sao có thể giúp các em hiểu biết về chủ đề quan trọng này từ sớm. Thực tế, để cơ sở giáo dục như ISHCMC có thể phát triển và vững bền, ngoài những kiến thức chung trong giáo dục, chúng tôi phải truyền tải được những kiến thức nổi trội liên quan đến các vấn đề toàn cầu, phát triển bền vững, nâng cao nhận thức và nuôi dưỡng hành động của các em học sinh để trở thành một công dân toàn cầu có trách nhiệm với môi trường và xã hội xung quanh.


Bà Preet Dhaliwa - Trưởng bộ phận Dịch vụ & Bền vững tại buổi chia sẻ

Với các hoạt động về Đổi mới (Innovation) trường ISHCMC hiện đang hỗ trợ và đồng hành cùng 6-7 dự án khác nhau của học sinh. Trong hoạt động này, học sinh sẽ được học tập về các chủ đề như Khí hậu, Khởi nghiệp,... Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp với bộ phận về Kết nối cộng đồng để tổ chức Tuần lễ Bền vững & Đổi mới với chủ đề về 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững của Liên Hiệp Quốc - với mục tiêu tạo cơ hội để hơn 700 học sinh của trường Trung học ISHCMC tiếp cận với các kiến thức và sáng kiến quan trọng liên quan đến phát triển bền vững, và nhận ra vai trò của từng cá nhân trong bức tranh chung này. Bên cạnh đó, hoạt động còn gây quỹ được hơn 100 triệu đồng để ủng hộ cho tổ chức Saigon Children's Charity xây trường tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó thực sự là những hoạt động ý nghĩa và truyền tải nhiều thông tin và định hướng nhân văn cho các em học sinh.


Chúng tôi sẽ luôn kiên trì, cố gắng đóng vai trò định hướng và nuôi dưỡng, để tất cả các dự án của các em đều có thể được tiếp cận từ “lăng kính bền vững”. Những nỗ lực âm thầm này đã bắt đầu nhìn thấy quả ngọt qua những kết quả mà các học sinh của chúng tôi tạo ra trong phần chia sẻ ở trên.


Chúng tôi tin rằng, kiến thức và kỹ năng gặt hái được từ những trải nghiệm tại Trường sẽ đi cùng các em cả đời, đây là nền tảng quan trọng đồng hành cùng các em trên hành trình phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội một cách lâu dài, bền vững.

“Tất cả các dự án đều có thể được tiếp cận từ

“lăng kính bền vững”, và chúng tôi dẫn dắt học sinh của mình suy nghĩ theo hướng này.”


Một trong những điều làm tôi xúc động và tin rằng những nỗ lực của mình thật sự mang lại giá trị, đó là khi những cựu học sinh gặp lại tôi trong trường, các em vui mừng khi thông báo các em đậu vào các ngành học như Sustainable Fashion ở Hàn Quốc, hay đậu vào trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA) với bài trình bày kể về những dự án mà các em đã thực hiện tại ISHCMC.


Những khoảnh khắc như thế thật sự tiếp thêm động lực mạnh mẽ để chúng tôi tiếp tục thiết kế và triển khai những chương trình giảng dạy và hoạt động với góc nhìn về sự bền vững. Bởi vì chúng mang lại giá trị cho các em, cho trường học, cho xã hội và cho chính bản thân tôi.


Xin cảm ơn bà vì phần chia sẻ trên.

Trường Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC) được thành lập vào năm 1993, là trường quốc tế đầu tiên và lâu đời nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Là Trường Tú Tài Quốc Tế (IB World School) đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, ISHCMC không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy bằng sự kết hợp hài hoà giữa phương pháp sư phạm, chương trình học, cơ sở vật chất và các cơ hội vượt ra ngoài khuôn khổ lớp học trong suốt 30 năm. Tìm hiểu thêm về trường ISHCMC tại đây.

Người viết: Vũ Thị Huyền Trang

Biên tập: Dear Our Community


0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page