top of page

Vậy rốt cuộc "kiến tạo thế giới" là gì? - Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện)


"Kiến tạo thế giới" là gì? - Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện)
"Kiến tạo thế giới" là gì? - Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện)

Khuôn mẫu và kiến tạo thế giới


“Phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn” là chủ đề của bài nói chuyện trong lễ khai giảng của trường Đại học Fulbright Việt Nam. Có nhiều cách để trả lời câu hỏi này, một cách là cẩn trọng đối với những tri thức sách vở có nguy cơ biến bạn thành người giáo điều và “trọc phú kiến thức”. Cách khác, là đặt câu hỏi về nội hàm của từ “kiến tạo”.


Tôi đã rất vất vả để có thể thấu hiểu kiến tạo là gì, đặc biệt là trong hơn 1 năm viết luận văn thạc sĩ. Luận văn, hay bất cứ một công trình khoa học nào khác, thường được xem như sự cô đọng kiến thức của học viên và người nghiên cứu trong cả một quá trình dài. Điều này khiến nhiều người học còn trẻ người non dạ như tôi cho rằng xấp giấy nặng hơn một phần tư kilogram mà mình sẽ phải thuyết trình trong 15 phút, là sản phẩm chất xám “nguyên bản” của mình.


Bước quan trọng cho thấy kiến thức do người nghiên cứu đề xuất ra không đến từ hư không, hay chỉ từ trải nghiệm sống “tự thân”, “nguyên bản” của họ, là “tổng quan điểm luận” (literature review). Tại đây, người viết trình bày về lịch sử nghiên cứu của vấn đề mình quan tâm, về cách giải quyết vấn đề của các học giả đi trước.


Tìm ra thành tựu và những khoảng trống trong nghiên cứu, họ có nền tảng và cả câu thúc để phản biện điểm cũ và trình bày điểm mới trong sản phẩm của mình. Sự kiến tạo thể hiện ở việc ta nhận ra mình không phải kẻ độc hành đi tìm một thứ kiến thức hoàn toàn mới mẻ, tồn tại độc lập so với mình. Con đường đi đến kiến thức đó, hằng hà sa số người đi trước đã kiến tạo ra và ta chỉ góp phần gắn thêm một viên gạch nhỏ.


Tìm ra thành tựu và những khoảng trống trong nghiên cứu
Tìm ra thành tựu và những khoảng trống trong nghiên cứu

Kiến tạo thế giới trong đối thoại

Chúng ta kiến tạo cái mới trong đối thoại với vô số người đã từng có thắc mắc và suy tư giống như mình.


Viết tổng quan điểm luận yêu cầu ta phải trình bày lại một cơ số luận điểm của người đi trước và sắp xếp chúng theo trật tự, nhằm tìm ra sự đóng góp của mình vào cuộc đối thoại kiến thức hiện có. Nhưng nó rất dễ bị nhìn nhận như là “trọc phú kiến thức”.


Tôi từng bắt gặp nhiều nhận xét của người đọc, rằng nghiên cứu hoá ra chỉ là “nhại” lời của người đi trước, thay vì đưa ra kiến thức “nguyên bản”. Nhận định này tiếp tục dẫn tới cáo buộc hơi nghiêm trọng rằng người viết đang khoe mình đọc nhiều, dù tác dụng của việc đọc là biết đặt mình vào một vị trí rất khiêm tốn trên dòng thời gian.


Dĩ nhiên, việc biết nhiều thông qua đọc nhiều, mà không xác định rõ mục đích, có thể khiến ta trở nên cực đoan. Khi bắt đầu phải đọc nhiều để phục vụ chương trình học, bản thân tôi từng có xu hướng “khoe mẽ” kiến thức, vì điều đó làm vơi đi sự vất vả khi ta chưa tìm thấy điểm giao nhau giữa sách vở với thực tế.


Ở giai đoạn này, nếu cảm thấy kiến thức mình tiếp nhận là hiển nhiên đúng, ta sẽ chỉ thấy hình hài của thế giới này theo một góc độ duy nhất. Giống như nếu ta là chiếc búa, ta nhìn đâu cũng thấy đinh.


Tôi nghĩ về mục đích của việc đọc những kiến thức và sách vở có phần “cao siêu”. Ngành tôi theo học - truyền thông - quan tâm đến việc những người khác nhau có thể truyền đạt thông điệp tới nhau như thế nào.


Kiến thức chuyên ngành giúp tôi nhìn và cảm nhận được một thực tế rộng lớn hơn so với những gì tôi vẫn thấy dựa vào kinh nghiệm của chỉ một mình ta. Chúng giúp tôi hiểu có những thế giới quan tồn tại song song trên cùng một tinh cầu. Ta tôn trọng, dù không nhất thiết phải đồng tình với sự khác biệt ấy.


phân biệt giữa sự hiểu và sự biết
Phân biệt giữa sự hiểu và sự biết

Như vậy ở đây có sự phân biệt giữa sự hiểu và sự biết. Nếu ta dừng lại ở việc biết một hạng mục kiến thức, ta có thể nói trôi chảy về tác giả nọ, tác phẩm kia, cùng những luận điểm then chốt họ đã trình bày. Nhưng sự biết ấy khiến ta dễ nảy sinh tâm lý “thương hại” những người không biết, hoặc những người biết khác ta.


Còn sự hiểu, theo tôi là có thể trả lời được câu hỏi “rồi sao nữa?” khi đã biết và thuộc lòng rất nhiều kiến thức. Hiểu là bước kế tiếp của biết, là cách ta tổ chức cuộc sống và góc nhìn của mình sau khi đã biết rất nhiều thứ. Hiểu là bước chân ra khỏi bong bóng tri thức mà ta luôn nghĩ là duy nhất, để thông cảm với những cuộc đời khác mình.


Cho đến sau buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi mới hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của từ “kiến tạo”. Để ra được tác phẩm cuối cùng, tôi mang ơn mọi cuốn sách mình đã đọc, mọi nhân vật nghiên cứu, và người đã hướng dẫn mình. Bản thảo cuối còn bao gồm sự phản biện của hội đồng chấm. Nó đích thị là sản phẩm của sự đồng kiến tạo.


Tôi nghĩ ta có thể chấp nhận việc sống trong một thế giới có nhiều tiêu chuẩn, nơi chuyên môn của vị tiến sĩ chiếu slide kiến thức dịch từ tiếng Anh, và chuyên môn của bác sửa xe đang tháo tung chiếc Kawasaki, được tôn trọng ngang nhau. Khi ấy, ta là những kẻ xa lạ nhưng có thể cùng nhau xây dựng chung một thế giới.


 

VŨ HOÀNG LONG (NGƯỜI KỂ CHUYỆN)
VŨ HOÀNG LONG (NGƯỜI KỂ CHUYỆN)

VŨ HOÀNG LONG (NGƯỜI KỂ CHUYỆN)

Vũ Hoàng Long tốt nghiệp thạc sĩ Báo chí truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Long từng thực hiện một số nghiên cứu trong nước và quốc tế về mối quan hệ giữa truyền thông và giáo dục.



0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page