top of page

Gen Z và thời trang nhanh 

Ngày nay, thế hệ gen Z được cho là những người sử dụng thời trang nhanh nhiều nhất bởi nó bắt xu hướng, giá phải chăng và dễ dàng mua qua nhiều sàn thương mại điện tử.


Theo Tiến sỹ Preeti Arya, trợ lý giáo sư về phát triển và tiếp thị dệt may tại Viện Công nghệ Thời trang ở New York, thời trang nhanh là mô hình kinh doanh tập trung vào sản xuất hàng may mặc với số lượng lớn và nhanh, nhằm đáp ứng nhu cầu “bắt trend” của người tiêu dùng. Thuật ngữ này được đề cập lần đầu trên New York Times vào năm 1989, viết về cửa hàng Zara đầu tiên mở ở thị trường Mỹ. 


Các sản phẩm thời trang nhanh thường được sản xuất từ chất liệu rẻ tiền như polyester, nylon, và acrylic, có thời gian phân hủy lâu và gây ô nhiễm môi trường. Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng ngành công nghiệp thời trang đang góp phần lớn vào việc tiêu thụ nước và phát thải khí carbon, đặt nó vào vị trí thứ hai trong danh sách các ngành công nghiệp gây ra ô nhiễm môi trường trên toàn cầu.


Bãi rác quần áo
Thời trang nhanh là ngành công nghiệp tạo ra lượng rác thải khổng lồ mỗi năm (Nguồn: CafeF)

Xu hướng tiêu dùng của Gen Z 

Dự tính, đến năm 2025, Gen Z sẽ trở thành lực lượng lao động chủ chốt trên toàn cầu. Họ cũng là thế hệ nắm quyền chi phối các nhu cầu, xu hướng mua sắm. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, có tới 66% bạn trẻ (18-29 tuổi) cảm thấy hứng thú với những hoạt động tạo tác động xã hội và nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.



Người mua quần áo
Gen Z và thời trang nhanh, mối quan hệ “tưởng xa mà gần” (Nguồn: Unplash)

Bên cạnh đó, thế hệ này cũng là những người tiêu dùng hàng đầu trong lĩnh vực thời trang nhanh. Theo Báo cáo thời trang nhanh của ThredUp năm 2022, 72% sinh viên đại học cho biết họ đã chi tiêu cho sản phẩm thời trang nhanh trong năm qua. Sự chênh lệch giữa suy nghĩ và hành vi mua sắm có thể đến từ hai yếu tố chính: khả năng chi trả và ảnh hưởng của truyền thông.


Trở ngại ngăn cản sự tiếp cận thời trang bền vững

Trở ngại đầu tiên cần được nhắc đến khi nói về thời trang bền vững là vấn đề chi phí. Sử dụng các chất liệu có tuổi thọ dài sẽ đồng nghĩa với việc trả giá cao hơn. Các sản phẩm làm từ nilon tái chế hoặc các nguyên liệu thân thiện với môi trường đều yêu cầu thời gian và công sức lớn trong quá trình lựa chọn, sản xuất và tái chế. Bên cạnh đó, các thương hiệu "xanh" thường áp dụng các phương pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và tuân thủ các cam kết bảo vệ quyền lợi của người lao động. 


Thứ hai phải kể đến đó là tác động của mạng xã hội lên hành vi mua sắm của thế hệ Z. Theo một báo cáo của Hội đồng Trung tâm Mua sắm Quốc tế (ICSC) về xu hướng Gen Z mới đây đã chỉ ra, 85% số người được hỏi thuộc thế hệ này cho biết mạng xã hội ảnh hưởng đến lựa chọn mua hàng của họ. Những nền tảng được cho là chi phối nhu cầu mua hàng của Gen Z bao gồm: TikTok, Instagram, YouTube, Facebook cuối cùng là Reddit.


Người livestream bán hàng
TikTok Shop trở thành nền tảng thương mại điện tử có tốc độ phát triển ấn tượng (Nguồn: nguoiduatin.vn)

Thế hệ Z tái định nghĩa thời trang bền vững 

Thời trang second hand (phụ kiện, quần áo đã qua sử dụng)

“Cũ người mới ta”. Những món đồ cũ tưởng chừng bỏ đi, nhưng qua sự sáng tạo và năng động của người trẻ lại mang “màu sắc”, hơi hướng vintage và vì thế chúng trở thành những món hàng được ưa chuộng. 


Thời trang second hand là một cách để Gen Z khẳng định cá tính đồng thời kiếm tiền theo cách của mình. Nguyễn Hoàng Tân, 20 tuổi, chia sẻ: “ Là sinh viên, tớ không có tiền để mua đồ brand chính hiệu. Nhận thấy đồ si (quần áo cũ) khá rẻ, chỉ tốn công đi lựa. Một lần mua đồ, giặt ủi, chọn lựa mất cả ngày, rồi phải lăn lê ở chỗ đồ si. Tụi mình nghĩ tại sao không làm dịch vụ? Mình làm hết các công đoạn. Tiền mình lấy là tiền công đi lựa, giặt ủi, sửa chữa, đóng gói.”


Tân cùng nhóm bạn đại học quyết định thành lập MahMood một cửa hàng quần áo cũ online (Nguồn: NVCC)


Thời trang upcycling: Sáng tạo trên cái cũ

Upcycling là quá trình tái chế/chuyển đổi các vật liệu hoặc sản phẩm cũ thành các sản phẩm mới, có giá trị cao hơn. Mục đích của upcycling là để giảm chất thải, tiết kiệm tài nguyên và thúc đẩy tái sử dụng một cách sáng tạo trong sản xuất, thiết kế.


Túi tái chế
Các sản phẩm của Dòng Dòng (Nguồn: Dòng Dòng)

Ở Việt Nam, Dòng Dòng là minh chứng cho phương thức này, với việc tạo ra những sản phẩm độc đáo từ bạt tái chế. Thương hiệu này không chỉ thu hút sự chú ý từ báo chí và truyền thông mà còn đặt ra một câu hỏi quan trọng - làm thế nào chúng ta có thể tích hợp sự bền vững vào mô hình kinh doanh và đáp ứng xu hướng phát triển bền vững. 



Thời trang cho thuê

Dịch vụ cho thuê quần áo, hay còn được gọi là mô hình tiêu dùng cộng tác trong thời trang, là một ngành kinh doanh tiềm năng. Thực tế nhiều người trong chúng ta luôn phải đối mặt với các sự kiện diễn ra một số ít lần như đám cưới, tiệc, lễ, Tết… Thuê đồ là cách vừa nhanh vừa tiết kiệm đối với người sử dụng dịch vụ. Nó cũng có thể giúp kéo dài tuổi thọ của một món đồ thời trang và làm phong phú tủ quần áo nếu bạn không muốn tốn kém. 


Ánh Mai, 21 tuổi, đã có 2 năm sử dụng dịch vụ thuê đồ: “ Giá thuê đồ vừa phải, giúp mình tiết kiệm tiền, mặc được nhiều đồ để chụp hình, đi dịp quan trọng. Tuy nhiên, có một cái bất tiện là nhiều đồ không vừa size.”


Ánh Chân


0 bình luận
Bài viết mới nhất
Xem nhiều
bottom of page